Trưa 17/7/2021, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đồng ý thực hiện giãn cách xã hội 14 ngày (thời điểm bắt đầu không muộn hơn 0h ngày 19/7/2021) đối với 16 tỉnh, thành phố phía Nam theo chỉ thị 16. Lập tức, từ doanh nghiệp đến người nuôi thủy sản đều lo lắng. Vậy chúng ta cần làm gì để ứng phó giãn cách xã hội?
Diễn biến liên quan ngành thủy sản trong 7 ngày đầu giãn cách xã hội tại TP HCM
Ảnh hưởng trực tiếp đầu tiên của đợt bùng phát COVID-19 lần này đến ngành thủy sản bắt đầu từ 8 giờ sáng ngày 6/7/2021 với sự kiện tạm đóng cửa chợ đầu mối Bình Điền, là chợ đầu mối duy nhất tập kết, phân phối thủy hải sản từ các tỉnh thành chuyển về TP HCM. Trái với lo lắng ban đầu, dù chợ Bình Điền tạm ngưng nhưng nhờ phương án điều tiết, đưa hàng hóa về hai chợ đầu mối còn lại, chuỗi cung ứng thủy sản không biến động nhiều.
Ngày 8/7/2021, VASEP phản ánh toàn bộ xe container và xe tải của doanh nghiệp thủy sản di chuyển từ TP. Hồ Chí Minh – Đồng bằng sông Cửu Long đang ách tắc tại các điểm chốt chặn vào tỉnh Tiền Giang và Đồng Tháp. Nguyên nhân là do tài xế không kịp chuẩn bị kết quả xét nghiệm âm tính với Covid-19 bằng phương pháp RT-PCR (thời hạn không quá 3 ngày khi có kết quả xét nghiệm) theo yêu cầu của địa phương.
Đến ngày 9/7/2021, TP HCM bắt đầu thực hiện giãn cách xã hội, tình hình COVID-19 lây lan nhanh. Chiều ngày 9/7, Tiền Giang hạ “giấy thông hành” từ xét nghiệm PCR xuống test nhanh, vận chuyển thủy sản từ các tỉnh miền tây lên TP HCM dễ dàng hơn.
Cuối ngày 17/7/2021, 19 tỉnh, thành phố đã công bố “luồng xanh” lưu thông hàng hóa của địa phương mình. Hoạt động vận tải hàng hóa trên các tuyến đường cơ bản thông thoáng.
Về giá thu mua tại ao, trong khoảng thời gian từ 8/7 – 17/7, giá thủy sản ở khu vực miền Tây ổn định hoặc tăng giảm nhẹ. Ví dụ, ghi nhận ở khu vực Cà Mau, giá tôm thẻ size 20 con/kg giảm từ 217.000 đồng/ kg xuống còn 208.000 đồng/kg, giá tôm thẻ sụt giảm từ 5.000-10.000 đồng/kg đối với từng loại kích cỡ khác. Giá tôm sú tăng 5.000 đồng/kg ở hầu hết các kích cỡ, dao động từ 155.000 đồng - 220.000 đồng/kg.
Trong thời gian này, các tỉnh có doanh nghiệp chế biến thủy sản cũng đã chủ động xây dựng phương án “3 tại chỗ” để ổn định sản xuất sẵn sàng ứng biến với diễn biến của dịch bệnh COVID-19.
Ứng phó với 14 ngày giãn cách như thế nào?
Thực tế phải thừa nhận, chuỗi cung ứng thủy sản đang bị tác động lớn, nên lo lắng của doanh nghiệp và người nuôi thủy sản ở Đồng bằng sông Cửu Long là có cơ sở. Tình hình của 7 ngày đầu giãn cách xã hội tại TP HCM cho thấy thấy mắt xích ngưng trệ nhiều nhất là khâu vận chuyển. Nguyên nhân chủ yếu là do giai đoạn đầu giữa các tỉnh không thống nhất quy định xét nghiệm đối với tài xế nên doanh nghiệp vận tải gặp nhiều khó khăn.
Hiện tại, nhiều tỉnh thành phía Nam đã hoàn thành công bố “luồng xanh” lưu thông hàng hóa. Hơn nữa, dự kiến vào sáng 19/7 chuyến hàng đầu tiên bằng đường thủy từ Tiền Giang lên TPHCM sẽ được thực hiện. Vận chuyển thủy sản lên TP HCM ổn định hơn, hy vọng sẽ dễ thở cho cả chuỗi sản xuất thủy sản.
Điều lo lắng hiện nay của người nuôi là không có người thu mua thủy sản do thực hiện chỉ thị 16. Vấn đề này khó có thể dự báo chính xác được vì còn tùy theo tình hình lây lan COVID-19 mà từng địa phương có quyết định phù hợp đúng thời điểm. Nhưng đánh giá dựa trên chỉ thị 16, thì thủy sản thuộc nhóm ngành thực phẩm thiết yếu nên việc thu mua là cần thiết, có thể sẽ khó khăn hơn nhưng chắc chắn không thể ngưng triệt để.
Chỉ còn 1 ngày để chuẩn bị cho giãn cách xã hội ở 16 tỉnh, thành phía Nam theo chỉ thị 16. Dù người nuôi muốn gấp rút thu hoạch, bán tháo với giá rẻ thì đơn vị thu mua cũng không thể đáp ứng hết nhu cầu. Do đó, cần thiết nhất lúc này là người nuôi cần bình tĩnh là chuẩn bị điều kiện trại nuôi tốt nhất, phòng ngừa dịch bệnh thủy sản triệt để, hạn chế tối đa tôm cá xảy ra sự cố trong 14 ngày giãn cách.
Giãn cách xã hội chắc chắn sẽ tác động tiêu cực đến toàn bộ chuỗi sản xuất, cung ứng thủy sản. Hy vọng toàn ngành thủy sản từ người nuôi, người thu mua đến doanh nghiệp chế biến, vận chuyển… cùng nghiêm túc thực hiện chỉ thị 16, đẩy lùi dịch bệnh để yên tâm phát triển kinh tế.