Cá Giống Trường Phát Cá Giống Trường Phát
3 giai đoạn quan trọng cần biết khi cho tôm ăn

3 giai đoạn quan trọng cần biết khi cho tôm ăn

Home Tin Tức 3 giai đoạn quan trọng cần biết khi cho tôm ăn
3 giai đoạn quan trọng cần biết khi cho tôm ăn
01/12/2022
64 Lượt xem

Chia sẻ với:

3 giai đoạn quan trọng cần biết khi cho tôm ăn

Nuôi tôm thẻ chân trắng thâm canh, siêu thâm canh công nghệ cao, thức ăn chiếm từ 50 – 60 % tổng chi phí giá thành, do đó cần quản lý lượng thức ăn phù hợp cho tôm nuôi.

Tại sao cần quản lý tốt lượng thức ăn cho tôm thẻ chân trắng?

Cung cấp thức ăn hàng ngày đủ lượng, phù hợp từng giai đoạn ương, nuôi, đảm bảo tôm phát triển đồng đều, tăng trưởng tốt, môi trường không ô nhiễm. 

Tương ứng từng giai đoạn ương, nuôi cần chú ý: Điều chỉnh cữ ăn, lần ăn trong ngày, điều chỉnh lượng ăn, hàm lượng đạm tạo điều kiện tốt nhất để tôm phát triển. 

Trong quá trình ương nuôi, định lượng chính xác thức ăn cho tôm, theo dõi sát nhu cầu thực tế hàng ngày giúp tiết kiệm chi phí, giảm giá thành sản xuất, hạn chế ô nhiễm môi trường, giảm thiểu rủi ro dịch bệnh.

 

Định lượng thức ăn giúp người nuôi biết sản lượng tôm thực tế trong ao, cỡ tôm hiện tại, mức độ tăng trưởng, tỷ lệ sống, mật độ nuôi có phù hợp sinh khối hiện tại hay không. 

Chủ động điều chỉnh thức ăn tăng, giảm, cho phù hợp, chủ động kế hoạch san, chuyển, tỉa thưa, thu hoạch.

Quản lý lượng thức ăn cho tôm theo từng giai đoạn

Với kỹ thuật nuôi tôm nhiều giai đoạn như hiện nay (2 – 4 giai đoạn), từng giai đoạn nuôi, điều chỉnh lần ăn, lượng ăn, hàm lượng đạm, theo phát triển của tôm. 

Giai đoạn ương tôm

Giai đoạn ương tôm trong trại vèo, bể ương trong nhà kính, hồ ương hình tròn nổi, có mái che, diện tích 300 – 500m3, mức nước sâu 0.8 – 1.0 m.

Thời gian ương kéo dài trung bình từ 18 – 20 ngày với mật độ ương: 2.000 – 4.000 con giống/m3 hoặc 6.000 – 12.000 con/m3 (2 - 4 PL/lít nước hoặc 6 – 12 PL/lít). 

Khi mới thả tôm ra hồ ương, thức ăn cho tôm giống sử dụng gồm thức dạng bột, dạng mảnh, 1 mm. Hàm lượng đạm trong thức ăn từ 40 – 41%, định lần ăn trong giai đoạn này, cho tôm giống ăn 7 – 9 lần/ngày. 

- Ngày thứ 2: Sau khi về hồ ương, định lượng thức ăn cho tôm giống ăn 50 - 60g/100.000 giống/lần.

- 5 ngày sau:  Cho tôm giống ăn 300 - 400g/100.000 con/lần.

- Ngày thứ 10, cho ăn 500 - 600 g/100.000 giống/lần.

- Ngày thứ 15, cho ăn 750 - 800g/100.000 giống/lần.

- Ngày thứ 20, cho ăn 1-1,5 kg/100.000 giống/lần. Trong giai đoạn này, dùng tay cho tôm ăn. 

- Khi ương tôm được 18 – 20 ngày, chọn ngày trời nắng, tôm khoẻ không lột, môi trường ổn định, tiến hành san, chuyển tôm sang giai đoạn 2, giai đoạn nuôi tôm lứa. 

Khi thu tôm, trước khi san, chuyển, cần cân chính xác khối lượng tôm sau khi ương, trọng lượng thân tôm, xác định chính xác tỷ lệ sống, cỡ tôm. Thông thường, tôm ương sau 20 ngày, đạt size trung bình 1.500 – ≤ 1.300 con/kg.

Giai đoạn nuôi tôm lứa

Giai đoạn này, tôm nuôi trong hồ vuông lót bạt, ao tròn nổi, diện tích hồ nuôi 1.200 – 1.500 m2, mức nước sâu 1.5 – 1.8m, thời gian nuôi kéo dài 30 ngày. Mật độ thả nuôi: 500 - 700 con/m2.

Thức ăn cho tôm lứa có các kích thước: 1.2 mm; 1.4 mm; 1.7 mm. Hàm lượng đạm trong thức ăn từ 42 – 43%, trong giai đoạn này, định lượng thức ăn cho tôm lứa ăn 5 – 6 lần/ngày. 

- Ngày thứ 25, cho ăn 2 - 2,5 kg/100.000 giống/lần.

- Ngày thứ 30 cho ăn 4 - 6 kg/100.000 giống/lần, lượng ăn trên cần căn cứ thêm sức khoẻ tôm, thời điểm tôm lột xác, chất lượng môi trường, diễn biến thời tiết, khí hậu, điều chỉnh theo thực tế, tăng, giảm lần ăn cho phù hợp, không cần giảm lượng ăn/lần, nếu tăng, mỗi lần tăng 300 – 500 g/ngày.

Giai đoạn nuôi tôm thương phẩm

Nuôi trong hồ vuông lót bạt, ao tròn nổi, diện tích hồ nuôi 1.200 – 1.500 m2, mức nước sâu 1.5 – 1.8m, thời gian nuôi kéo dài 30 ngày. Mật độ thả nuôi: 200 - 300 con/m2, thức ăn cho tôm lứa sử dụng gồm các size dạng 1.7 mm; 2.0 mm. 

 

Hàm lượng đạm trong thức ăn từ 43 – 45%, trong giai đoạn này, cho tôm lứa ăn 5 – 6 lần/ngày. 

Canh nhá, sàng ăn, siphon đáy, hố ga, cân trọng lượng thân tôm, điều chỉnh hợp lý lượng thức ăn cho tôm. Trung bình, cứ 1 tấn tôm ăn 40 kg thức ăn/ngày. 

Từ giai đoạn 2, 3, tôm khoẻ, trung bình cứ 1 tấn tôm, cỡ tôm ≥ 100 – ≤ 150 con/kg, ăn 13 -14 kg/lần (ăn 6 lần/ngày). Tôm cỡ ≤ 100 – ≤ 80 con/kg, ăn trung bình 8-10 kg/lần (ăn 5 lần/ngày). Tôm cỡ ≤ 80 – ≤ 70 con/kg, ăn trung bình 7- 8 kg/lần (ăn 5 lần/ngày). 

Nên cho tôm ăn đủ, tốt nhất là cho ăn hơi thiếu, không cho tôm ăn dư, tôm dễ bị bị đường ruột, gan tuỵ, ốp thân, ngơi tôm. 

Khi thấy tôm ăn mạnh hơn bình thường, ăn nhiều, ăn nhanh hơn bình thường cần giảm ngay lượng ăn, theo dõi sát bầy tôm. Đây là dấu hiệu cho thấy tôm chuẩn bị có vấn đề về sức khoẻ, bệnh tật, thường là bệnh đường ruột, gan tuỵ. 

Sau 30 ngày nuôi, có thể tỉa bớt hoặc san, giản thưa mật độ nuôi xuống 100 - 150 con/m2, để nuôi tôm về size lớn, tăng giá trị hàng hoá khi xuất bán (giai đoạn 4).

Lưu ý khi cho tôm ăn

Giai đoạn ương tôm từ 18 – 20 ngày, tối đa ương không quá 25 ngày, cần chuyển tôm sang giai đoạn 2. 

Khi san, chuyển, cần nắm rõ khối lượng tôm, tỷ lệ sống, độ đồng đều để điều chỉnh lần ăn, định lượng thức ăn phù hợp. 

Khi tôm phân đàn, cần chia nhỏ nhiều cử ăn trong ngày, để tôm nhỏ ăn được thức ăn, giảm phân đàn, giúp tôm lớn đều, mau lớn. 

Thường bầy tôm khoẻ, từ giai đoạn 2 cho ăn 5 – 6 lần/ngày, nếu tôm so le, tôm phân đàn, tôm ke, tôm sồi nhiều, cho ăn 8 - 9 lần/ngày (45 – 50 phút/lần), đảm bảo tối đa giờ tôm ăn cuối cùng trong ngày là 21g. 

Khi cho tôm ăn quá khuya, khả năng tiêu hoá kém, gan tôm không có thời gian phục hồi, dễ hư gan, hư đường ruột, tôm dễ bị ngơi, lơ mồi, thiếu oxy. Cần dựa theo thực tế để điều chỉnh linh hoạt phù hợp sức khỏe tôm.

Khi bà con cho tôm ăn thiếu, tôm lột hao xác nhiều, do tôm ăn thịt lẫn nhau. Cho ăn dư, nước lềnh, keo sệt hơn, ít bọt trên mặt nước, có váng dầu trên mặt nước, NH3, NO2 cao, tôm rớt cục thịt trong nhá, sàng ăn. 

Cho tôm ăn thiếu, ao nhiều bọt, nước không lềnh, không có váng dầu. Thường xuyên kiểm tra hố siphon, xem phân tôm, thức ăn dư nếu có.

Định lượng thức ăn cần căn cứ vào sức khoẻ tôm, ngày tôm lột, thông số môi trường, diễn biến thời tiết, khí hậu. 

Chất lượng môi trường liên quan việc cho tôm ăn, lượng thức ăn cho tôm ăn trong ngày. Đáy bạt dơ do cho tôm ăn dư, tôm dễ bị đường ruột, phân trắng, cần chỉnh lại thức ăn với 80% so nhu cầu thực tế của tôm trong ao

Khi cho tôm ăn 100%, tôm ít vận động, tôm khó tiêu hoá thức ăn, dễ dư thức ăn, mau dơ môi trường, tôm dễ hư gan, hư đường ruột, dịch bệnh dễ tấn công, gây thiệt hại.

Định lượng thức ăn cho tôm thẻ chân trắng phù hợp từng giai đoạn ương, nuôi, kích cỡ tôm, tình trạng môi trường, diễn biến thời tiết, khí hậu. Nếu bà con trú trọng khâu cho ăn và quản lý thức ăn, tôm phát triển tốt, tăng trưởng nhanh, tỷ lệ sống cao, mau về size lớn, môi trường ổn định, tiết kiệm chi phí sản xuất và tăng lợi nhuận. 

Tìm kiếm