Công nhân nghỉ hàng loạt
Đại diện Công ty Thủy sản Đông lạnh Gò Đàng (Tiền Giang) cho biết, sau khi công ty có trường hợp công nhân dương tính với SARS CoV-2, công ty rơi vào tình cảnh hết sức khó khăn. Hơn một trăm công nhân đã phải đi cách ly tập trung khiến công ty không đủ nhân lực để đảm bảo hoạt động sản xuất. Đến nay, công ty phải giảm hơn 60 % công suất chế biến, thiệt hại rất lớn.
Theo vị này, nhiều doanh nghiệp trong ngành ở Tiền Giang cũng rơi vào tình cảnh tương tự. “Khi có một ca nhiễm, doanh nghiệp nào muốn hoạt động phải đảm bảo về điều kiện 3 tại chỗ (doanh nghiệp lo sản xuất - nơi ăn - nghỉ tại chỗ cho công nhân) song với đặc thù của ngành chế biến thủy sản, không thể bố trí chỗ ở cho công nhân ngay tại nhà máy đông lạnh nên nhiều doanh nghiệp không thể bố trí được cũng buộc phải tạm đóng cửa nhà máy”, vị này cho hay.
Theo phản ánh của đại diện nhiều doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu thủy sản, trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến căng thẳng, họ dù đã cố gắng thuyết phục người lao động bằng nhiều cách như chỗ ăn nghỉ đầy đủ, đồ dùng thiết yếu, phụ cấp thêm 50.000 - 100.000 đồng/ngày để duy trì ổn định sản xuất. Tuy nhiên, vì lo ngại bị lây nhiễm, công nhân không dám đi làm. Nhiều doanh nghiệp có đến 30%, thậm chí tới 50% số công nhân xin nghỉ việc khiến doanh nghiệp rơi vào tình trạng “nghỉ Tết” sớm.
Tăng phí, giảm nguyên liệu
Các doanh nghiệp thủy sản cũng đang phải đối mặt tình trạng "phí chồng phí". Ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, từ khi dịch COVID-19 xảy ra, hàng loạt chi phí đều tăng cao, mức tăng 1,5-2 lần so với trước. Khi dịch bệnh lây lan mạnh hơn tại các tỉnh ĐBSCL, doanh nghiệp phát sinh thêm các chi phí cho công nhân ăn ở, sinh hoạt, phụ cấp, xét nghiệm COVID-19…Vì thế, nhiều doanh nghiệp rơi vào cảnh khốn khó.
“Dịch lan rộng vào đúng thời điểm tăng tốc xuất khẩu và thủy sản bắt đầu vụ thu hoạch rộ khiến doanh nghiệp bị mất cơ hội kinh doanh. Không ít đơn hàng bị hủy và đối tác đòi bồi thường vì giao hàng trễ. Hiện tại,ở các tỉnh miền Tây, tôm nguyên liệu vào vụ, nhưng doanh nghiệp cũng không thu mua, vận chuyển được, dẫn tới tôm thừa tại ao nhưng nhà máy lại thiếu nguyên liệu để chế biến”, ông Hòe cho hay.
Theo VASEP, hiện tại ở các tỉnh ven biển như Bình Định, Kiên Giang, Bà Rịa - Vũng Tàu…các doanh nghiệp đều giảm 20-70% công suất do thiếu nguyên liệu. Dự báo, xuất khẩu tôm, cá ngừ, cá ba sa…trong 6 tháng cuối năm khó giữ được tăng trưởng như 6 tháng đầu năm.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam cho biết, trước những vướng mắc của ngành thủy sản, Bộ đã đề nghị các địa phương có những giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, không để tình trạng thiếu lao động trong các nhà máy kéo dài.
Theo ông Nam, trong bối cảnh các tỉnh thực hiện giãn cách xã hội, gây khó khăn trong quá trình lưu thông, Bộ NN&PTNT đề nghị các địa phương tạo điều kiện cho thương lái, doanh nghiệp thu mua hoạt động. Bộ kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước có chính sách về vốn (giãn nợ, giảm lãi suất và cho vay ưu đãi,…) đối với các hộ nuôi trồng thủy sản, đặc biệt là nuôi tôm nước lợ để đẩy nhanh tiến độ sản xuất trong năm 2021.