Hàu được biết đến là một loại thực phẩm đặc biệt và hấp dẫn của vùng biển vì giàu chất dinh dưỡng và giá trị kinh tế cao. Trong hàu có chứa nhiều chất dinh dưỡng tốt cho sức khỏe như protein, vitamin, chất béo, calo, carbohydrates, khoáng chất, kẽm, chính vì vậy mà hiện nay đây được xem là một món ăn được nhiều người yêu thích lựa chọn.
Hiện nay, cùng với sự phát triển mạnh của nghề nuôi thủy sản thì nhóm các loài nhuyễn thể hai mảnh vỏ được xác định là đối tượng nuôi phổ biến ở nước ta do những lợi ích về kinh tế. Nhuyễn thể hai mảnh vỏ được nuôi tập trung ở các bãi bồi, cửa sông ven biển, nơi có nền đáy cát hoặc cát pha bùn ở các tỉnh ven biển như Quảng Ninh, Bình Thuận, Cần Giờ, Bạc Liêu và Cà Mau. Một số loài nhuyễn thể được nuôi phổ biến như nghêu, sò huyết, hàu và tu hài. Trong đó, hàu là đối tượng được nuôi phổ biến ở thị trấn Lăng Cô, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế.
Có rất nhiều hình thức nuôi hàu như nuôi bằng dây, giàn, cọc tre/gỗ, cọc xi măng, tận dụng các vật dụng phổ biến thông thường như lốp vỏ xe loại thải, rổ rá ni lông, cọc tre... Tuy nhiên, trong quá trình nuôi, có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến tăng trưởng, năng suất, sản lượng hàu.
Địch hại là một trong những nguyên nhân quan trọng làm năng suất, sản lượng hàu thương phẩm thay đổi, ảnh hưởng đến thu nhập của người dân.
Vì vậy, nghiên cứu về một số loài địch hại trên hàu nhằm cung cấp thêm thông tin cho người dân, chính quyền địa phương để có biện pháp hạn chế chúng, tăng năng suất và chất lượng giống hàu địa phương.
Kết quả điều tra cho thấy, địch hại của hàu ở đầm Lập An, thị trấn Lăng Cô, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế gồm 4 nhóm sau: vẹm Xanh (Perna viridis), vẹm Đen (Perna sp.), sun (Balanus sp.), giun nhiều tơ (Polydora sp.), các loài ăn thịt phổ biến như: Tôm Sú (Penaeus monodon), cua Xanh (Scylla parapamosain), cá Dìa (Siganus guttatus). Trong đó, các loài họ vẹm là địch hại xuất hiện nhiều nhất đối với hàu nuôi tại đầm Lập An, thị trấn Lăng Cô, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế (58,5%).
Thời gian xuất hiện của các loài họ vẹm diễn ra quanh năm với hình thức gây hại chủ yếu là cạnh tranh giá thể với hàu nuôi, khiến hàu không có chỗ bám dẫn đến năng suất hàu giảm sút, ngoài ra các loài họ vẹm còn mang một số mầm bệnh ảnh hưởng đến hàu nuôi.
Loài Sun (Balanus sp.) bám trên vỏ hàu có kích thước đường kính vỏ khoảng 10 - 20mm, chiều cao mặt vỏ 4 - 9 mm. Sun hình nón cụt, màu nâu tím, có 5 mặt. Lỗ miệng rộng, hình ovan, hình đa giác, kích thước thường bằng 1/2 kích thước vỏ. Phần đỉnh vỏ có nhiều màu sắc khác nhau từ màu hồng đến màu tím đen.
Thời gian xuất hiện của loài Sun diễn ra quanh năm với hình thức gây hại là bám trên vỏ của hàu nuôi cản trở quá trình hấp thụ chất dinh dưỡng, làm mất mỹ quan khi hàu được bán, tốn thời gian để gỡ ra khỏi vỏ hàu.
Giun nhiều tơ (Polydora sp.) thân dài 3cm, có màu nâu sẫm, đường kính thân 1,5 mm thường bám trên bề mặt ngoài của vỏ hàu và có thể xâm nhập vào lớp trong vỏ qua mép và giữa vỏ. Sau khi khoan thủng vỏ hàu chúng đào qua lớp sừng cứng bên ngoài và xuyên qua lớp vỏ xà cừ. Kết quả là hình thành các nốt phồng rộp ở bề mặt trong của vỏ và được bao phủ bởi chất tiết của lớp xà cừ.
Khi bị nhiễm nặng, vỏ hàu bị yếu đi làm cho hàu rất dễ bị cá, cua… tấn công. Khi lớp vỏ bên ngoài bị giun phá hủy, hàu tiết ra chất xà cừ để bảo vệ vỏ. Việc tiết quá nhiều đốm xà cừ sẽ làm cho chúng bị suy dinh dưỡng, cơ chân lỏng lẻo, không bám chắc vào giá thể và có khả năng ảnh hưởng đến quá trình sinh sản khi các lớp can xi xuất hiện gần tuyến sinh dục.
Thời gian xuất hiện của giun nhiều tơ xảy ra quanh năm với hình thức gây hại là bám trên bề mặt ngoài của vỏ hàu và có thể xâm nhập vào lớp trong vỏ qua mép và giữa vỏ, khiến lớp vỏ hàu suy yếu, khó được bảo vệ trước nhiều tác nhân gây hại khác.
Thời gian xuất hiện của các loài ăn thịt như tôm, cua, cá diễn ra quanh năm với hình thức gây hại là phá vỡ trực tiếp lớp vỏ và ăn thịt hàu và đặc biệt là ăn trực tiếp khi hàu đang ở giai đoạn ấu trùng.
Vẹm Xanh (Pernaviridis) và vẹm Đen (Perna sp.) giống xuất hiện nhiều vào tháng 4 - tháng 5. Sun (Balanus sp.) xuất hiện nhiều từ tháng 6 - tháng 12, địch hại còn lại xuất hiện hầu như suốt vụ nuôi.
Hầu hết các hộ nuôi cho rằng trong quá trình định kỳ vệ sinh giá thể nuôi hàu hoặc khi thu hoạch nếu thấy địch hại bám trên hàu thì tiến hành tách bỏ chúng, người dân chưa có phương pháp đặc trị từng loại địch hạị.