Chia sẻ với:
Bài toán khó cho nghề câu cá ngừ đại dương
Năm 2022, xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam đạt 1,03 tỷ USD, cao nhất từ trước đến nay. Nhưng qua trao đổi với các ngư dân khai thác cá ngừ của 4 tỉnh trọng điểm ở Nam Trung Bộ, tôi lại nhận được lời kêu than thua lỗ do sản lượng đánh bắt bị thụt giảm, giá cá bán thấp, thiếu lao động nghề biển…
Ngư dân đang ôm “phao cứu sinh” của Chính phủ
“Chạy chiếc tàu lớn ra đến quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa (Việt Nam) ở lại 1-2 tháng câu cá ngừ đại dương, tàu quay về cảng bán với giá 105.000 đồng/kg. Giá này còn rẻ hơn 1kg cá liệt, cá dò… đánh bắt ở ven bờ. Bây giờ, một tàu câu cá ngừ đi chuyến biển đạt được 2 tấn được xếp vào “kỷ lục” khai thác. Ngư dân càng đi biển, càng lỗ tổn” - chủ tàu Trần Bông, phường 6, thành phố Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên nêu vấn đề thực tiễn.
- Nghe ngư dân câu cá ngừ đại dương kêu lỗ nhiều năm rồi, vì sao đến mùa, tàu vẫn đi biển khai thác? - tôi đặt thẳng câu hỏi.
- Ngư dân sinh ra và lớn lên từ nghề khai thác thủy sản trên biển, đương nhiên là đi biển rồi. Bà con đã đầu tư chiếc tàu tiền tỷ đồng, không thể nói nghỉ là nghỉ được. Những năm gần đây, sản lượng khai thác cá ngừ đại dương của nước ta giảm mạnh, hồi xảy ra dịch Covid-19, giá cá xuống thấp. Tàu câu cá ngừ đã bị “chìm” rồi, cũng may đang ôm được “phao cứu sinh” của Chính phủ, thông qua chương trình hỗ trợ tiền dầu theo từng quý. Nhờ vậy, hằng tháng, tàu vẫn ra khơi sản xuất và bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.
Tháng 3/2023, tàu của ông Trần Bông chạy ra ngoài khơi ở lại gần 1 tháng, làm cực khổ, sản lượng chỉ được 1,5 tấn cá, coi như mới đủ tổn. Lẽ ra, tàu của ông phải ở lại ngoài khơi 2 tháng liên tục nhưng vì thiếu lao động. Trước khi tàu xuất bến, ông Bông đã chi ra 160 triệu đồng để mua dầu, lương thực, thực phẩm…
“Trước giờ xuất bến, có 2 lao động từ huyện khác mang ba lô xuống tàu để đi biển, 2 ông này bảo tôi cho ứng trước 4 triệu đồng để ra ngoài cảng mua đồ. Tôi đưa cho 2 ông đó 4 triệu đồng, cầm được tiền chạy mất dạng luôn. Chờ mãi không thấy đâu, mở 2 cái ba lô ra xem thứ gì trong đó, toàn là giấy vụn độn lên cho căng ba lô. Không kêu được người vào thay thế lúc này, đành phải cho tàu ra khơi trong tình cảnh thiếu lao động” - ông Bông kể câu chuyện thiếu lao động nghề biển đang rất nóng hiện nay.
Tìm cách chống đỡ
Ở nước ta, chỉ có 4 tỉnh: Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa đang làm nghề câu cá ngừ đại dương. Ngư trường đánh bắt ở xa đất liền, từ vùng biển quần đảo Hoàng Sa (Đà Nẵng) đến Trường Sa (Khánh Hòa), kéo xuống bãi Tư Chính, Phúc Nguyên… của Việt Nam. Chi phí nhiên liệu chiếm khoảng 80%. Chủ tàu đánh cá ở tỉnh Khánh Hòa trả công lao động bằng “tiền chết”, là lương cứng 7-10 triệu đồng/lao động/chuyến biển.
Hiện nay, có nhiều tàu câu cá ngừ tỉnh Bình Định, Phú Yên ra biển vừa câu cá ngừ, vừa làm “tàu cò” cho lưới vây khơi của tỉnh Bình Định và Khánh Hòa. Ông Xuyên nói như tường thuật: “Tàu câu cá ngừ không được tàu lưới vây nuôi tổn, tự ra biển chong đèn dẫn dụ cá về tàu mình cư ngụ, rồi lên bộ đàm rao “bán” với các tàu. Tàu lưới vây ở xa vài chục hải lý hoặc trên 100 hải lý, thuyền trưởng trao đổi thông tin kỹ lưỡng, dự đoán có cá hay không, rồi quyết định có cho tàu chạy tới đánh bắt. Đánh được sản phẩm, ăn chia “tiền tươi thóc thật” tại chỗ theo tỉ lệ: Tàu lưới vây 7 phần, “tàu cò” 3 phần”.
Một thực trạng trong nghề khai thác cá ngừ đại dương hiện nay, nhiều chủ tàu không đi biển, họ chỉ thuê tài công (thuyền trưởng), lao động nghề khác xuống tàu đi câu cá ngừ, họ thiếu trách nhiệm và thiếu kinh nghiệm, là một trong những nguyên nhân dẫn đến chất lượng bảo quản cá ngừ sau thu hoạch bị suy giảm. Ranh giới cá tốt và cá xấu rất mong manh, phần do thuyền trưởng gây ra, phần do doanh nghiệp áp đặt lên chất lượng dẫn đến giá cá bán thấp.
“Nếu cứ để ngành câu cá ngừ đại dương bị tụt dốc, thì nó sẽ kéo theo hàng loạt ngành dịch vụ khác. Điều quan trọng bậc nhất, cá ngừ là “mặt tiền” xuất khẩu thủy sản khai thác biển, chất lượng cá ngừ bị suy giảm thì nhiều mặt hàng khác cũng bị ảnh hưởng theo. Những khó khăn kéo dài mãi, chẳng bao lâu nữa tàu thuyền nằm bờ la liệt. Ngư dân không thể tham gia bảo vệ, giữ gìn chủ quyền biển đảo” - ông Phạm Văn Hậu, chủ doanh nghiệp thu mua cá ngừ ở cảng cá Hòn Rớ, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa cảnh báo.