Cá Giống Trường Phát Cá Giống Trường Phát
Bền vững cùng khoa học công nghệ

Bền vững cùng khoa học công nghệ

Home Tin Tức Bền vững cùng khoa học công nghệ
Bền vững cùng khoa học công nghệ
08/02/2018
30 Lượt xem

Chia sẻ với:

Bền vững cùng khoa học công nghệ

- Ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất sẽ góp phần nâng cao sản lượng, mang lại hiệu quả kinh tế cho người nuôi.


Farmext - giám sát và quản lý ao nuôi từ xa 

Gắn chíp điện tử

Mô hình gắn chíp điện tử vào tôm và ao nuôi là một trong những ví dụ điển hình về đột phá công nghệ của ngành. Việc gắn chíp điện tử đã giúp người nuôi biết được sức khỏe tôm, nhiệt độ môi trường trong ao mà không cần trực tiếp đi kiểm tra và đánh giá kết quả bằng cảm quan. Nhờ ứng dụng công nghệ cao, năng suất cũng như chất lượng tôm đã được nâng cao đáng kể. Trung bình một ao tôm diện tích khoảng 500 m2 có lắp đặt hệ thống chíp điện tử sau một vụ nuôi cho sản lượng 5 tấn, tăng 10 - 20% so với cách nuôi thông thường. Điều đáng mừng, không chỉ lắp đặt ở ao nuôi, lần đầu tiên Việt Nam đã bắn chíp điện tử vào tôm bố mẹ, cấp “chứng minh nhân dân” cho từng con. Để nhân rộng cách làm này, người nuôi cần liên kết lại nhằm tập trung nguồn lực đầu tư và chuyển giao công nghệ.

Công nghệ điện hóa siêu âm

Hiện nay, tình trạng ô nhiễm môi trường đang xảy ra nghiêm trọng trong nuôi trồng thủy sản do phần lớn các chất hữu cơ dư thừa từ thức ăn, phân… kết hợp lượng dư thừa các hóa chất, kháng sinh được sử dụng trong quá trình nuôi đọng lại ở đáy ao nuôi không được xử lý. Trước thực trạng đó, Tiến sĩ Lê Quang Tiến Dũng và các cộng sự thuộc Trường Đại học Khoa học, Đại học Huế đã nghiên cứu thành công giải pháp “Điều chế vi bọt khí sử dụng công nghệ điện hóa, siêu âm và ứng dụng trong xử lý nước nuôi trồng thủy sản”. Với ý tưởng tăng hiệu suất diệt khuẩn của dung dịch anolyte sau điện hóa thành các vi bọt khí bằng cách cho nổ tung bọt khí sau điện hóa sử dụng siêu âm công suất cao để xử lý nước trong nuôi trồng thủy sản, nhóm tác giả đã mở ra hướng mới trong việc khử trùng, cải thiện môi trường nước nuôi trồng thủy sản. Dung dịch anolyte là một tác nhân khử trùng có nhiều tính ưu việt, hiệu quả khử trùng cao, diệt nhanh nhiều loại vi khuẩn, dễ sản xuất, giá thành rẻ, thân thiện với môi trường. Kết quả cho thấy, khi sử dụng dung dịch vi bọt khí được điều chế từ siêu âm - điện hóa, hiệu suất xử lý khuẩn Vibrio spp. đạt 77,7% nồng độ Nacl 5 g/L.Với nồng độ NaCl 20 g/L, hiệu suất xử lý khuẩn Vibrio spp. đạt 100% với tỷ lệ dung dịch vi bọt khí : khuẩn (1:1).

Công cụ quản lý ao nuôi


Năm 2017, đánh dấu sự ra đời của “Hệ thống giám sát và cảnh báo tự động chất lượng nước nuôi tôm” với tên thương mại là “Hệ thống e-Aqua” là một trong những giải pháp công nghệ có tiềm năng đang được các nhà đầu tư phát triển thị trường và doanh nghiệp nuôi tôm hết sức quan tâm. Hệ thống e-Aqua bao gồm Hệ thống điều khiển đo (Bộ điều khiển - PLC; thiết bị lưu điện - UPS; nút khẩn cấp, đèn báo, còi; các cảm biến; máy bơm, các val điện từ); Giao diện giám sát và điều khiển; Phần mềm thu thập, thống kê số liệu. Khi có lỗi, trục trặc thiết bị hoặc mất điện hệ thống sẽ cảnh báo bằng cách hú còi và báo trên giao diện thiết bị di động cho người dùng. Sử dụng hệ thống, giúp quản lý ao tốt hơn; Giảm hệ số thức ăn (FCR); Tăng sản lượng và thời gian nuôi; Giảm tiêu thụ điện chung cho ao; Giảm chi phí nhân công và nguyên vật liệu (thuốc, thức ăn…) có thể tăng lợi nhuận chung (10 - 30%).

Nhận thấy mức độ ứng dụng công nghệ trong sản xuất ở nước ta còn khá ít, KS Trần Duy Phong (Công ty Tép Bạc) đã tiến hành xây dụng một giải pháp để chuẩn hóa quá trình nuôi, giám sát liên tục và là công cụ để người nuôi chứng minh sản phẩm tốt cho người tiêu dùng. Đó là giải pháp Farmext - giám sát và quản lý trại nuôi trồng thủy sản từ xa. Về quản lý, giải pháp giúp ghi nhật ký ao nuôi, quản lý tồn kho, quản lý thu chi, lịch làm việc, lưu lịch sử, phân tích số liệu... Về theo dõi môi trường ao nuôi, thiết bị giúp theo dõi môi trường nước liên tục cập nhật dữ liệu qua ứng dụng điện thoại và vẽ biểu đồ phân tích. Khi chỉ số vượt giới hạn, máy sẽ lập tức gọi điện cảnh báo. Về kỹ thuật, Farmext có hệ thống cảnh báo và gợi ý tự động các vấn đề liên quan đến kỹ thuật nuôi tôm cá. Ngoài tự động, Farmext còn kết nối tới các chuyên gia trong ngành theo dõi các ao nuôi và hỗ trợ các ao nuôi đó suốt vụ nuôi.

Hiện nay, ứng dụng và thiết bị đã được thử nghiệm tại các trại nuôi ở một số tỉnh như Cà Mau, Đồng Nai và thu được kết quả rất khả quan. Giải pháp đã đoạt giải Khuyến khích tại cuộc thi IOT Startup 2017 do Khu công nghệ cao TP Hồ Chí Minh tổ chức vào tháng 10/2017.

Mô hình tiết kiệm điện


Mô hình tiết kiệm điện trong nuôi tôm 

Ứng dụng công nghệ mới hay sử dụng năng lượng tái tạo tiết kiệm để tiết kiệm chi phí sản xuất được các doanh nghiệp, hộ nuôi trồng ngành thủy sản đặc biệt quan tâm. Hiện nay, một số công ty sản xuất tôm giống đã và đang ứng dụng tấm pin năng lượng mặt trời, vừa tạo điện năng phục vụ cho thắp sáng, vừa làm mái che cho các ao ương con giống... Điển hình như dự án của Tổng Công ty Điện lực miền Nam (EVN SPC) đã triển khai có hiệu quả nhằm tiết kiệm điện trong nuôi tôm, giúp các hộ dân giảm được chi phí tiền điện và tăng thêm thu nhập. Hai mô hình được triển khai là: “Thay thế gối đỡ trục dàn quạt tạo khí ôxy chữ U bằng con lăn trục quay” và “Đồng trục hóa mô tơ với dàn quạt và sử dụng con lăn trục quay thay thế gối đỡ chữ U”. Kết quả cho thấy việc thay thế gối đỡ chữ U bằng con lăn đỡ trục quay, điện năng tiết kiệm được 15,2% so với khi chưa áp dụng giải pháp. Ở mô hình thứ 2, điện năng tiết kiệm được 38,7% so với khi chưa áp dụng giải pháp. Theo các chuyên gia năng lượng, sử dụng thiết bị ổn áp, lắp đặt tụ bù cho các động cơ điện quạt nước, sử dụng hệ thống điện mặt trời... là các giải pháp tiết kiệm điện năng hữu hiệu trong ngành nuôi trồng thủy sản.

Tìm kiếm