Chia sẻ với:
Bền vững mô hình rong biển - thủy sản
- Rong biển dễ trồng, kết hợp nuôi được nhiều đối tượng thủy sản cho hiệu quả kinh tế lại cao và làm sạch môi trường. Vì vậy, những năm gần đây, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia và các tỉnh đã triển khai nhiều mô hình trình diễn nuôi rong biển kết hợp thủy sản giúp người dân phát triển kinh tế bền vững.
Người dân thu hoạch sò huyết kết hợp rong biển Ảnh: NA
Thành công ngoài mong đợi
Những năm qua, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp với Trung tâm Khuyến nông các tỉnh, các Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản triển khai Dự án “Xây dựng mô hình nuôi luân canh tôm sú - rong câu”, “Nuôi tôm kết hợp ốc hương với hải sâm và rong biển cho một số tỉnh ven biển miền Trung”…
Kết quả, Dự án “Xây dựng mô hình nuôi luân canh tôm sú - rong câu” xây dựng thành công 16 mô hình trên diện tích 32 ha mặt nước, tại 9 tỉnh có nhiều diện tích nuôi tôm sú bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh trước đây. Tại các mô hình, các chỉ tiêu kỹ thuật đạt được đều vượt mức kế hoạch ban đầu: tỷ lệ sống tôm sú 62,67%; hệ số thức ăn 1,39; năng suất 2,05 tấn/ha; năng suất rong câu 2,07 tấn khô/ha. Thông qua xây dựng mô hình thành công giúp cho các hộ nuôi thủy sản theo hướng bền vững, tăng thu nhập cho nông dân tại các vùng ven biển (có thể thu 70 - 200 triệu đồng/ha so việc bỏ hoang ao đầm; tăng 4 - 20 triệu đồng/ha so canh tác tôm sú 1 vụ).
Dự án “Xây dựng mô hình nuôi tôm sú, ốc hương với hải sâm và rong biển cho một số tỉnh ven biển miền Trung 2015 - 2016” triển khai 2 mô hình “nuôi kết hợp ốc hương với hải sâm và rong biển” tại tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa; 2 mô hình “nuôi kết hợp tôm sú với hải sâm và rong biển” tại Quảng Bình và Thừa Thiên - Huế; 2 mô hình nuôi liên kết theo chuỗi giá trị tại Khánh Hòa và Ninh Thuận. Các mô hình đều cho kết quả cao vượt kế hoạch đề ra, trong đó: Sản lượng ốc hương là 10 tấn, đạt 200% so kế hoạch; sản lượng tôm sú 12,6 tấn, đạt 200% so kế hoạch; 7,88 tấn hải sâm, đạt 100% kế hoạch, 80,5 tấn rong biển (rong nho, rong câu), đạt 600% so kế hoạch.
Mô hình triển vọng
Ông Đào Duy Trai, xã Hải Dương, thị xã Hương Trà, Thừa Thiên - Huế cho biết, trong khi nuôi chuyên tôm “chết lên chết xuống”, mô hình nuôi luân canh tôm sú - rong câu thật sự là cứu cánh cho người dân. Lãi tuy không bằng nuôi chuyên tôm, nhưng mô hình này ít rủi ro, ít ô nhiễm môi trường và bền vững. Hộ ông Trai được chính quyền địa phương lựa chọn hỗ trợ mô hình với diện tích 0,5 ha. Đối với tôm sú mật độ thả 15 con/m2 (cỡ giống P15); rong câu 0,5 cây/m2 (cỡ giống 10 - 15 cm). Đối với tôm, tỷ lệ sống bình quân đạt 64%, cỡ tôm thu hoạch 20 g/con, tổng sản lượng gần 1 tấn, lãi ròng 78,5 triệu đồng.
Ông Nguyễn Văn Dương, thôn Xuân Đông, xã Vạn Hưng, huyện Vạn Ninh, Khánh Hòa cho biết, trước đây ông chỉ nuôi ốc hương đơn thuần và thường xuyên bị dịch bệnh nên thua lỗ. Từ khi triển khai mô hình nuôi kết hợp ốc hương, hải sâm và rong biển thấy hiệu quả hơn hẳn, vật nuôi cũng không bị dịch bệnh, môi trường không bị ô nhiễm hơn hẳn.
Các chuyên gia thủy sản cho rằng, thông qua các mô hình trên nhằm giải quyết ô nhiễm môi trường, thích ứng với sự biến đổi khí hậu và xâm nhập mặn, giúp người dân ổn định sản xuất.
Tại các hội nghị tổng kết mô hình, ông Kim Văn Tiêu, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia nhận định, các mô hình góp phần đẩy nhanh tốc độ củng cố phát triển nuôi trồng thủy sản theo hướng bền vững, tăng thu nhập cho nông dân tại các vùng ven biển (thu 70 - 200 triệu/ha so bỏ hoang ao đầm; tăng 4 - 20 triệu/ha so canh tác tôm sú 1 vụ). Trong mô hình luân canh tôm sú - rong câu thì rong câu chỉ là yếu tố phụ về mặt kinh tế nhưng lại có vai trò chính trong bảo vệ môi trường, nuôi thân thiện và bền vững. Đây chính là yếu tố khác biệt, tạo sự thành công so với những hoạt động nuôi tôm thâm canh bình thường.
Mặt khác, các mô hình nuôi kết hợp rất dễ áp dụng và phù hợp với nông dân miền Trung nên cần được nhân rộng. Tuy nhiên, lâu nay hộ dân chỉ quen nuôi đơn thuần, trong khi nuôi kết hợp nhiều đối tượng đòi hỏi phải có kiến thức và nắm vững kỹ thuật mới thành công. Vì vậy, Trung tâm Khuyến nông các tỉnh cần tăng cường tập huấn để nông dân nắm bắt.