Tuy nhiên, do người nuôi liên tục tăng mật độ nuôi cùng với việc nhập khẩu con giống chưa được kiểm soát chặt chẽ đã dẫn đến bệnh dịch liên tục xảy ra trên đối tượng nuôi này. Một số bệnh trên cá chép như bệnh trên mang do ấu trùng sán lá ruột Centrocestus formosanus gây ra (Kim Văn Vạn và cs., 2012), bệnh KHV do Herpesvirus gây ra và gần đây nhất là bệnh u nang bã đậu trong ruột cá chép làm cá chậm lớn, tiêu tốn thức ăn và còn gây chết nhiều cho cá nuôi ở các khu vực nuôi tập trung.
Trong số những bệnh thường xảy ra trên cá chép gần đây, bệnh u nang đường ruột do bào tử sợi Thelohanellus kitauei là một bệnh mới xuất hiện tại Việt Nam, tỷ lệ chết cao. Bào tử sợi thường ký sinh trên vây, da, mang và ở nội tạng của cá chép (Kim Văn Vạn, 2014). Bào tử sợi gây hại nhiều cho cá chép nuôi khi chúng gây nhiễm trên mang làm cho cá khó hô hấp, gây tắc ruột, không hấp thu được thức ăn khi chúng nhiễm trong ruột (Lingtong et al., 2017).
Mặt khác, khả năng chống chịu của bào tử sợi T. kitauei cao và tồn tại lâu trong môi trường tự nhiên cũng là một nguyên nhân khiến việc phòng và trị bệnh trên cá chép chưa đạt hiệu quả như mong muốn. Theo nghiên cứu của Rhee & cs.(1990), bào tử sợi T. kitauei có thể tồn tại 2 năm trong ao nuôi cá chép nhiễm bệnh sau khi ao nuôi được tát cạn, phơi đáy ao và khử trùng bằng vôi bột.
Dấu hiệu bệnh lí cá chép bị nhiễm bào tử sợi
Cá chép nhiễm bào tử sợi T. kitauei hầu hết đều thể hiện triệu chứng bơi lờ đờ, thân đen, bụng chướng to, hay nhảy lên khỏi mặt nước, khi chết có tư thế như đang bơi. Kiểm tra nội quan cho thấy các nội tạng (ruột, gan, thận) bị sưng hoặc xuất huyết, đặc biệt ruột mỏng có nhiều bào nang bào tử sợi (u bã đậu). Ngược lại, số lượng cá chép mắc bệnh bị bong vảy bụng, hậu môn sưng, có dịch màu trắng và vỡ ruột chiếm tỷ lệ thấp hơn lần lượt là 26,7%, 16,7% và 13,3%.
Dịch màu trắng, vàng thoát ra ở hậu môn cá nhiễm bệnh bào tử sợi T. kitauei chính là các bào tử được giải phóng từ các bào nang đã chín đổ vào lòng ruột sau đó chảy ra môi trường, bào tử sợi T. kitauei thông qua đó mà tiếp tục lây nhiễm cho cá khác trong ao (Egusa & Nakajima, 1981; Rhee & cs.,1990).
Kết quả kiểm tra bào nang của cá chép bệnh cho thấy số lượng bào nang trong ruột cá chép bị nhiễm bệnh bào tử sợi T. kitauei dao động từ 7-35 bào nang, số lượng trung bình 16 bào nang/cá. Kích thước bào nang cũng biến động khá lớn, từ 0,4-3,6cm × 0,2-2,9cm, kích thước bào nang của bào tử sợi T. kitauei phát triển tăng dần theo thời gian kể từ khi cá chép bị nhiễm bệnh, bào nang có cỡ lớn nhất trong nghiên cứu này có đường kính 4,2cm, bào nang nhỏ nhất có kích thước 1,1cm × 0,75cm.
Bào tử sợi T. kitauei thu được từ cá chép bị nhiễm bệnh có hình quả lê dài. Bào tử của bào tử sợi có kích thước 24,91µm × 9,62µm, cực nang có kích thước 16,86µm × 7,29µm, cực nang chứa 1 roi mảnh xoắn lại từ 8-10 vòng, roi khi giải phóng khỏi cực nang có chiều dài 187,60µm. Bào tử và cực nang được bọc trong vỏ có kích thước 34,40µm × 14,43µm.
Biến đổi mô học cá chép bị nhiễm bào tử sợi
Bào tử sợi T. kitauei sau khi nhiễm vào cá chép, sẽ phát triển xâm lấn, dần thay thế và phá hủy mô ruột của cá bệnh, quá trình này sẽ hình thành các bào nang và làm xuất hiện các triệu chứng, bệnh tích điển hình trên cá nhiễm bệnh.
Bệnh xảy ra ở các ao nuôi không được khử trùng nhiều gấp 4,38 lần so với ao nuôi khử trùng. Theo báo cáo của Egusa & Nakajima (1981), bào tử sợi T. kitauei có thể lây nhiễm 40% số cá trong ao và gây chết 22,6% số cá bị nhiễm bệnh trong vòng 2-5 tháng kể từ khi cá mới khỏe mạnh được thả vào ao có bào tử sợi T. kitauei mà không tiến hành các biện pháp khử trùng ao nuôi sau khi thu hoạch cá bệnh. Do đó, để hạn chế thấp nhất bệnh xảy ra thì biện pháp được khuyên dùng phổ biến hiện nay vẫn là tát cạn, phơi đáy ao và khử trùng ao nuôi bằng vôi bột.