Đầm Châu Trúc (hay Trà Ổ), thuộc huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định là một trong ba đầm có diện tích lớn trong tỉnh. Đầm Châu Trúc xưa nay nổi tiếng với một số loài đặc sản nước ngọt như cá chình bông, cá chình mun, cá bống tượng, tôm đất,….
Với những lợi thế sẵn có, người dân xung quanh đầm đã hình thành và phát triển nhiều nghề nuôi trồng thủy sản từ nhiều năm nay. Trong đó, nổi bật nhất là nghề nuôi cá chình bông thương phẩm đã và đang phát triển với quy mô ngày càng lớn, đem lại nguồn thu nhập chính và ổn định cho nhiều người nuôi ven đầm.
Trong năm 2021, được sự quan tâm và hỗ trợ 50% kinh phí giống, vật tư của Trung tâm Khuyến nông Bình Định, ông Nguyễn Phưởng (một hộ dân nuôi chình lâu năm) đã mạnh dạn tham gia thực hiện mô hình Nuôi cá chình thương phẩm trong ao đất.
Tháng 7 năm 2021, với nguồn con giống tự nhiên được thu mua từ các hộ dân, ông tiến hành thả 500 con chình giống (trọng lượng 100 g/con) trên ao nuôi diện tích 500 m2 nằm ngay bên cạnh đầm thuộc xã Mỹ Thắng, huyện Phù Mỹ. Với nhiều năm kinh nghiệm trong nghề nuôi cá chình, cùng với sự hướng dẫn từ cán bộ kỹ thuật Trung tâm Khuyến nông, ông Phưởng đã đầu tư xây dựng hệ thống bờ ao, rào chắn để bảo vệ chình, bố trí nơi trú ẩn,… Về chăm sóc cho ăn, hộ nuôi sử dụng thức ăn tươi sống như: các loại cá giã cào và các loại cá tạp nước lợ được làm sạch và cắt ra vừa với kích cỡ miệng cá. Thức ăn được cho vào nhá để dễ kiểm tra, quản lý và thường xuyên điều chỉnh lượng thức ăn cho phù hợp với từng thời điểm. Đồng thời việc theo dõi, quản lý môi trường nước ao nuôi luôn luôn được hộ nuôi chú trọng.
Nhờ vậy, sau 5 thảng thả nuôi (tháng 7 đến tháng 12) cá chình sinh trưởng, phát triển tốt (trọng lượng trung bình 400 g/con) và đạt tỷ lệ sống cao (> 90%). Tại hội thảo đánh giá sơ bộ kết quả mô hình, hầu hết các đại biểu và hộ dân tham gia đều đánh giá cao kết quả mô hình đem lại. Đặc biệt, tỷ lệ hao hụt lớn số lượng cá trong việc nuôi đã được cải thiện nhờ việc thiết kế, xây dựng ao nuôi đúng kỹ thuật như: các cống cấp và thoát nước được bịt kín bằng lưới có kích thước mắt lưới nhỏ, trên đỉnh bờ ao có gờ nhỏ vào trong 5 – 6 cm, xây dựng hàng rào chắn kết hợp vây lưới cao trên 1 m đã góp phần ngăn không cho chình bò ra ngoài, tránh tình trạng thất thoát xảy ra.
Theo Kỹ sư Mai Thị Bích Hạnh, cán bộ kỹ thuật Trung tâm Khuyến nông cho biết: cá chình bông để đạt kích cỡ thương phẩm bán ra thị trường thì phải có thời gian nuôi từ 12 tháng trở lên (trọng lượng khoảng 1 kg/con). Việc triển khai muộn trong năm 2021, cá chình chỉ nuôi được 5 tháng nên chưa thể đánh giá được lợi nhuận mà mô hình đem lại, bước đầu chỉ đánh giá các chi tiêu kỹ thuật về trọng lượng và tỷ lệ sống thực sự mang lại tín hiệu khả quan.
Trong thời gian tới, Trung tâm Khuyến nông sẽ tiếp tục kiểm tra, theo dõi cá chình cho đến thời điểm thu hoạch để đánh giá hiệu quả kinh tế của mô hình mang lại. Đồng thời sẽ tổ chức tuyên truyền quảng bá, vận động và hướng dẫn nông dân khác có nhu cầu tham quan và học hỏi kinh nghiệm từ mô hình. Đó là cơ sở để nhân rộng mô hình, tạo công ăn việc làm, đem lại thu nhập ổn định cho người nuôi, góp phần ổn định và phát triển bền vững kinh tế địa phương./.