Chia sẻ với:
Cà Mau: Hướng đi nâng cao giá trị con tôm Đầm Dơi
Đã qua, nhiều nông dân trên địa bàn huyện Đầm Dơi (Cà Mau) mạnh dạn áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào nuôi tôm công nghiệp công nghệ cao, vừa hạn chế được ô nhiễm môi trường vừa đạt năng suất, hiệu quả kinh tế rất cao. Từ đó tạo bước đột phá trong sản xuất, góp phần nâng cao sản lượng nuôi trồng thủy sản của địa phương.
Anh Trương Nhựt Thành (ấp Tân Thành, xã Tân Duyệt) nuôi tôm công nghiệp ao đất từ năm 2003 đến cuối năm 2014, sau thời gian nuôi hiệu quả thấp, đầu năm 2015 anh mạnh dạn đầu tư nuôi tôm công nghiệp trải bạt năng suất cao. Anh chia ra làm 4 ao, trong đó có 1 ao nuôi và 3 ao vèo, mỗi ao có diện tích từ 180 đến 1.800m2. Bình quân mỗi ao 1.000m2, anh đầu tư khoảng 250 triệu đồng, mật độ thả con giống 200 con/m2; trong mỗi vụ nuôi tùy thuộc vào độ của bạt, phải vệ sinh từ 5 đến 10 lần. Hiện nay, những ao nuôi của anh Thành, tôm đạt kích cỡ từ 32 - 50 con/kg, ước tính sản lượng thu hoạch trên 15 tấn, tôm loại 30 con/kg hiện có giá khoảng 192.000 đồng, hứa hẹn sẽ cho lợi nhuận rất cao. Thực tế 6 vụ nuôi vừa qua, anh đều thành công, lãi hàng tỷ đồng sau khi đã trừ chi phí. Anh Thành nhận định: “Đối với nuôi trải bạt, có thể nuôi tôm đạt 30 con/kg, còn đối với ao đất thì 30 con/kg là rất khó. 1.000m2 nuôi ao bạt, tôi thu hơn 5 tấn tôm cỡ 30 con/kg; còn đối với ao đất diện tích 1.000m2, khó thu được 2 tấn tôm”.
Anh Nguyễn Thanh Tòng (ấp Tân Lợi B, xã Tạ An Khương Nam)có 3 ao nuôi, trong đó 1 ao diện tích 2.500m2, 2 ao lắng; anh thả nuôi mật độ 200 con/m2, trong khoảng 3,5 tháng. Chỉ tính riêng năm 2016, thu hoạch 3 đợt khoảng 20 tấn tôm, sau khi trừ chi phí lãi trên 1,5 tỷ đồng; đến nay anh đã có 4 vụ nuôi tôm công nghiệp công nghệ cao, thu lãi hơn 2 tỷ đồng. Anh Tòng phấn khởi: “Trước đây, gia đình nuôi tôm ao đất, tuy nhiên qua thời gian nuôi tính đi tính lại lợi nhuận không có, thậm chí còn bị lỗ, nên đã mạnh dạn chuyển sang nuôi theo hình thức trải bạt, đạt hiệu quả và lợi nhuận cao hơn”.
Nổi bật là mô hình nuôi tôm trải bạt và siphon đáy ao, mật độ nuôi 200 con/m2. So với cách nuôi truyền thống thì cách nuôi này tuy chi phí ban đầu có lớn, nhưng chi phí nuôi giảm xuống 50%, nhất là thức ăn, thuốc thú y thủy sản, tỷ lệ tôm đạt cao.
Hiện trên địa bàn huyện có gần 100ha diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng công nghệ cao, với 120 hộ nuôi, năng suất trên 20 tấn/ha. Thời gian nuôi ngắn và nhờ quy trình nuôi áp dụng công nghệ cao nên con tôm phát triển tốt, năng suất cao, khi thu hoạch đạt được cỡ lớn từ khoảng 20 - 30 con/kg. Từ đó, lợi nhuận đem lại cho người nông dân rất cao. Điểm nổi bật ở mô hình là kiểm soát tốt được nhiệt độ. Đây là khâu rất quan trọng trong nuôi tôm, bởi thông thường khi lượng mưa lớn hoặc nắng nóng gay gắt ao nuôi sẽ thay đổi nhiệt độ đột ngột, ảnh hưởng rất lớn đến tôm; ngoài ra, sẽ hạn chế được các mầm bệnh lây từ bên ngoài, hạn chế ô nhiễm môi trường xung quanh. Mặt khác, việc nuôi tôm thẻ chân trắng áp dụng công nghệ cao còn cho ra sản phẩm tôm sạch, không có dư lượng kháng sinh, bán được giá cao hơn so với các sản phẩm tôm cùng loại.
Chính nhờ hiệu quả mang lại mà mô hình nuôi tôm công nghệ cao đang được khuyến khích nhân rộng, thay thế cho hình thức nuôi tôm truyền thống vốn có năng suất thấp, lại tiềm ẩn nguy cơ về dịch bệnh. Ông Nguyễn Chí Thuần, Chủ tịch UBND huyện Đầm Dơi, cho biết: “Huyện sẽ tập trung phát triển nuôi tôm công nghiệp công nghệ cao đối với những vùng, những hộ có điều kiện. Song song đó, mở rộng diện tích nuôi tôm quảng canh cải tiến nhằm nâng cao năng suất, sản lượng thủy sản của địa phương”