Chia sẻ với:
Cà Mau tập trung giữ vững mô hình “con tôm ôm gốc lúa”
Trước những tác động của biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn, nhiều năm qua, mô hình tôm – lúa được xem là giải pháp giúp nông dân Cà Mau thích nghi trước các điều kiện sinh thái, vươn lên ổn định cuộc sống.
Tuy nhiên, vấn đề không chỉ dừng lại ở hiệu quả, mà nhiều thách thức đan xen khiến ngành chức năng tỉnh Cà Mau phải tìm lời giải.
*Lợi ích “kép” từ mô hình
Nhìn lại từ năm 2009, khi đề án "Nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất tôm, lúa từ nay đến năm 2012 và định hướng đến năm 2015" do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau triển khai được sự đồng tình cao từ các nhà khoa học, kỹ sư đến người nông dân. Bởi việc sản xuất lúa - tôm không chỉ tuân thủ theo quy luật tự nhiên mà nó còn đem lại cơ hội mới cho người nông dân.
Theo ngành chuyên môn, trong điều kiện hệ thống thủy lợi ở Cà Mau chưa đồng bộ, trình độ sản xuất của nông dân còn hạn chế, trồng lúa chưa được cải thiện và nuôi tôm chuyên canh xảy ra dịch bệnh thì mô hình lúa - tôm chính là một bước ngoặt. Khi thực hiện theo mô hình sản xuất này, nông dân sẽ tận dụng được nguồn nước ngọt trong mùa mưa để trồng lúa, còn nước mặn thì phù hợp cho việc nuôi tôm. Mô hình sản xuất lúa - tôm giúp nhà nông có thể khai thác một cách hiệu quả cả nguồn nước trong hai mùa mặn - ngọt.
Thực tế đã khẳng định, sản xuất luân canh một vụ - một vụ tôm là mô hình sản xuất bền vững đạt hiệu quả kinh tế cao, sản xuất lúa để ổn định môi trường phục vụ cho nuôi tôm, nguồn thức ăn trong tự nhiên được tạo ra từ sự phân hủy rơm, rạ, nên năng suất tôm nuôi tăng lên.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau, sau nhiều năm triển khai, hiện diện tích lúa – tôm của địa phương vẫn cơ bản ổn định vào khoảng 40.000ha, trong đó nhiều nhất là ở huyện Thới Bình và một số địa phương như huyện U Minh, Trần Văn Thời và thành phố Cà Mau. Bên cạnh đó, với việc áp dụng mô hình tôm - lúa, thu nhập của người dân được nâng lên đáng kể, trung bình khoảng 60-70 triệu đồng/ha, cao hơn gấp đôi so với trước đây.
Bà Nguyễn Thị Cẩn, ngụ huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau chia sẻ, vài năm trước, gia đình bà chuyển hơn 4ha đất trồng lúa đơn thuần sang mô hình tôm - lúa. Chỉ trong vụ tôm đầu tiên, gia đình bà đã thu về hơn 40 triệu đồng. Theo thời gian sản xuất, bà Cẩn cho rằng khi nông dân áp dụng đúng kỹ thuật và tuân thủ lịch mùa vụ sẽ đạt hiệu quả cao.
Ông Nguyễn Hoàng Lâm, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thới Bình nhận định, từ hiệu quả thực tiễn, lúa – tôm được xem là mô hình thích ứng biến đổi khí hậu, thông minh và mang tính bền vững. Theo đó, con tôm khi nuôi trong ruộng lúa tăng trọng nhanh nhờ nguồn thức ăn dồi dào, lại hạn chế dịch bệnh. Trong khi đó, cây lúa trồng sau vụ nuôi tôm cũng rất hiệu quả bởi đất được bổ sung độ phì nhiêu.
“Sau nhiều năm người dân phát triển mô hình nuôi tôm trên đất trồng lúa đến nay có thể khẳng định mô hình đã thành công. Nhiều hộ áp dụng mô hình nuôi tôm càng xanh đạt lợi nhuận từ 20-40 triệu đồng/ha/vụ; thậm chí có hộ đạt gần 50 triệu đồng/ha/vụ với loại tôm càng xanh toàn đực”, ông Lâm nói.
Hiệu quả “kép” bởi trong cùng diện tích có thể phát triển cả hai loại hình trên cùng diện tích. Như gia đình ông Trần Văn Phước, huyện Thới Bình là một điển hình. Năm 2014, gia đình ông Phước quyết định thả nuôi thí điểm 3.000 con tôm càng xanh. Qua gần 3 tháng nuôi, sau khi trừ chi phí ông còn lãi gần 20 triệu đồng. “Thành công bước đầu là tiền đề để tôi mạnh dạn áp dụng mô hình trong những mùa vụ tiếp theo.
Qua nhiều năm nuôi tôm cho thấy, tôm nuôi trên đất lúa ít dịch bệnh, dễ chăm sóc, trung bình chỉ nuôi từ 80-95 ngày là có thể thu hoạch. Trong khi đó, lúa cho năng suất không giảm, hiệu quả được nâng lên gấp nhiều lần so với trồng lúa đơn canh trước như trước kia, đời sống của gia đình cũng vì thế mà ổn định hơn trước”, ông Phước chia sẻ.
*Còn nhiều trăn trở
Hiệu quả là vậy, tuy nhiên, biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn cũng như bài toán quy hoạch thuỷ lợi như thời gian qua đang phần nào ảnh hưởng đến tính bền vững của mô hình. Điển hình nhất chính là cách đây khoảng 10 năm, vùng Nam Cà Mau vẫn có hàng nghìn héc ta diện tích tôm – lúa, nhưng đến nay, do xâm nhập mặn ngày càng sâu, nên hầu hết chuyển hẳn sang nuôi tôm.
Nói về vấn đề này, ông Châu Công Bằng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau thông tin, theo thời gian đất sẽ bị mặn thấm dần và diện tích lúa phải giảm, xu hướng chuyển dần từ sản xuất tôm - lúa sang chuyên tôm là quy luật. Tuy nhiên, vẫn cố gắng làm tốt các điều kiện để duy trì mô hình vì cả sản phẩm lúa và tôm đều có chất lượng cao, ngoài ra còn có lợi cho môi trường. Quy hoạch của tỉnh là rất rõ ràng, đến năm 2020 diện tích tôm lúa khoảng 40.000 ha, đến năm 2030 là khoảng 30.000 ha.
Hiện, tỉnh Cà Mau đang rà soát lại các vùng sản xuất tôm - lúa, kể cả vùng sản xuất lúa kém hiệu quả chưa chuyển đổi, để có quy hoạch phù hợp. “Hệ thống thủy lợi phục vụ cho nhu cầu sản xuất tôm - lúa đang là bài toán khó đối với ngành nông nghiệp. Bởi hiện tại, nhu cầu của toàn tỉnh là rất lớn nhưng khả năng đáp ứng còn rất thấp”, ông Châu Công Bằng cho biết.
Thời gian tới, tỉnh Cà Mau sẽ tập trung đẩy mạnh nhiều giải pháp đồng bộ nhằm phát triển cánh đồng lớn ở vùng sản xuất lúa – tôm. Bên cạnh đó, địa phương sẽ đẩy nhanh việc cơ giới hóa trong từng khâu sản xuất, chuyển giao ứng dụng khoa học - kỹ thuật để nâng cao hiệu quả, năng suất và chất lượng của mô hình lúa - tôm.
Mặt khác, địa phương còn chú trọng thành lập các tổ hợp tác, hợp tác xã để làm đầu mối liên kết với doanh nghiệp trong việc cung ứng giống, vật tư đầu vào và bao tiêu sản phẩm đầu ra cho sản phẩm lúa đặc sản, lúa đạt tiêu chuẩn VietGAP; trong đó, tập trung hướng dẫn nông dân về quy trình cải tạo mặn, chọn giống lúa thích nghi với vùng đất nhiễm mặn, với điều kiện canh tác lúa - tôm đạt năng suất, chất lượng cao.
Trước mắt với điều kiện sản xuất hiện nay, ngành chức năng khuyến cáo nông dân nên chọn những giống lúa thích ứng tốt với điều kiện đất nhiễm mặn và phèn như: OM 5451, OM 2517, MO 6976, Cà Mau 1 và Cà Mau 2, một bụi đỏ, một bụi lùn...
Ngoài ra, một số khu vực như huyện Thới Bình, U Minh độ mặn thấp, bà con có thể sử dụng giống lúa chất lượng cao như ST 20 để gieo sạ. Ưu điểm lớn nhất của vụ lúa trên đất nuôi tôm là không có sâu bệnh, vốn đầu tư ít, bất kỳ nông dân nào có vuông tôm nằm sâu trong nội đồng hoặc trong vùng khép kín cũng có thể thực hiện được.