Cá Giống Trường Phát Cá Giống Trường Phát
Cá nóc- từ loài mang tiếng độc chết người đến hành trình vươn tầm Nhật Bản

Cá nóc- từ loài mang tiếng độc chết người đến hành trình vươn tầm Nhật Bản

Home Tin Tức Cá nóc- từ loài mang tiếng độc chết người đến hành trình vươn tầm Nhật Bản
Cá nóc- từ loài mang tiếng độc chết người đến hành trình vươn tầm Nhật Bản
29/11/2021
44 Lượt xem

Chia sẻ với:

Cá nóc- từ loài mang tiếng độc chết người đến hành trình vươn tầm Nhật Bản

Trong chuyến thăm chính thức Nhật Bản của Thủ tướng Phạm Minh Chính, Công ty Mitsui Suisan Japan đã được tiếp kiến Thủ tướng để tìm giải pháp phát triển ngành cá nóc nói riêng và sản xuất thủy sản Việt Nam nói chung.

Tại buổi tiếp kiến ngày 23-11 ở trụ sở Đại sứ quán Việt Nam, Thủ tướng nói "cá nóc là nguồn tài nguyên đang bị lãng phí tại Việt Nam" và ông rất vui mừng và mong muốn Công ty Mitsui xúc tiến để sử dụng hiệu quả nguồn lợi này.

Tiềm năng đang "ngủ"

Theo Viện Nghiên cứu hải sản, cá nóc ở Việt Nam có tới 49 loài khác nhau chứ không phải chỉ có loài "cá phình bụng" như mọi người vẫn nghĩ. 

Trong đó, 5 loài có trong danh mục thực phẩm tại Nhật. Có 7 loài phù hợp nhu cầu thu mua của Hàn Quốc và đã từng xuất khẩu trong đề án thí điểm năm 2013, nhưng sau đó do sự cố về kiểm soát an toàn và phân loài nên đã bị đình lại.

Năm 2020, Đà Nẵng đã xin phép tiếp tục khai thác cá nóc nhưng chưa thể khởi động, trong đó lớn nhất là bài toán quy trình quản lý an toàn thực phẩm và đầu ra. 

Theo TS Vũ Thùy Linh, nữ tiến sĩ Việt đầu tiên có bằng đầu bếp cá nóc Nhật và cũng là người đại diện của Công ty Mitsui, cá nóc chiếm khoảng 10% sản lượng nghề lưới kéo ở Việt Nam, tức cứ 10 tấn cá chúng ta bỏ đi 1 tấn/ngày, tương đương 37.000 tấn/năm.

Vì toàn bộ nguồn tài nguyên này đang bị cấm nên nếu bắt được cá nóc thì người dân phải thả lại biển hoặc bỏ làm phân bón bán với giá rất rẻ thậm chí bằng 0. 

Có thông tin cho biết Trung Quốc đang thu mua cá nóc Việt Nam và bán lại cho Nhật Bản. Chưa rõ thực hư nhưng tại Nhật Bản, cá nóc là món ăn cao cấp, ví như loài cá nóc hổ tự nhiên có giá lên tới 5 triệu đồng/kg.

 

Hướng đi cho cá nóc Việt

Tổng giám đốc Ito Yoshinari của Công ty Mitsui đã có nhiều đề xuất và được Thủ tướng nhất trí cao. Ông Ito cho rằng để đảm bảo tính an toàn, trước hết cần có khảo sát tất cả các loài cá nóc hiện có, sau đó lập danh sách những loài được phép dùng làm thực phẩm.

Ở Nhật, trong hơn 40 loài cá nóc chỉ có 22 loài ăn được. Hiện nguồn cá nóc tự nhiên tại Nhật đang giảm và đó là cơ hội để Việt Nam khai thác tiềm năng xuất khẩu chính ngạch cá nóc Việt Nam.

Trao đổi với lãnh đạo Công ty Mitsui, Thủ tướng nêu quan điểm: nếu phát triển ngành công nghiệp cá nóc ở Việt Nam, ông yêu cầu không chỉ xuất khẩu nguyên con mà muốn Mitsui sẽ chuyển giao công nghệ để sản xuất thành phẩm cá nóc tại Việt Nam, từ đó nâng cao giá trị gia tăng cho ngành thủy sản Việt.

Ông Ito Yoshinari nhất trí và chia sẻ thêm rằng ông có hơn 40 năm kinh nghiệm sản xuất cá nóc. "Công ty chúng tôi chuyên về cá nóc đã hơn 31 năm, cung cấp cho các nhà hàng cao cấp bậc nhất tại Nhật. Chúng tôi đủ tự tin vào công nghệ kỹ thuật của mình và sẵn sàng hợp tác với Việt Nam", ông nói.

Về đào tạo nhân lực, cả Thủ tướng và ngài Ito Yoshinari đều nhất trí để chế biến cá nóc an toàn thì cần triển khai sớm một hệ thống đào tạo đầu bếp chế biến cá nóc chuẩn Nhật Bản. Tại Nhật, nhờ có hệ thống cấp bằng đầu bếp cá nóc Nhật mà số vụ ngộ độc cá nóc đã được quản lý triệt để.

Để tạo được thị trường cho cá nóc Việt Nam, trước hết phía Mitsui sẽ hỗ trợ đưa văn hóa ăn cá nóc vào Việt Nam với các sản phẩm an toàn của Nhật. Sau đó, khi thị trường đã trở nên sâu rộng thì sẽ tiến tới nuôi trồng đại trà các loài cá nóc có giá trị cao.

Thủ tướng Phạm Minh Chính đã giao cho đại sứ Việt Nam tại Nhật Vũ Hồng Nam và Thương vụ Nhật Bản mà đứng đầu là tham tán thương mại Tạ Đức Minh trực tiếp lên kế hoạch và cùng Công ty Mitsui Suisan Japan kết nối các bộ ngành cũng như đối tác liên quan. 

Công ty Mitsui hiện cũng đã hợp tác với các đơn vị như Công ty cổ phần Vifotec, Viện Dinh dưỡng quốc gia Việt Nam và Viện Nghiên cứu thủy sản Hải Phòng.

"Điểm bắt đầu nhất định là Việt Nam!"

Ngài Ito Yoshinari tặng Thủ tướng chiếc đĩa gốm sứ hình cá nóc - chiếc đĩa duy nhất được đặt làm tại Kutaniyaki, hãng gốm sứ nổi tiếng hơn 360 năm của Nhật.

Thông điệp của món quà là trong số khoảng 50 loài cá nóc Việt sẽ có loài còn ngon hơn cả Nhật Bản và nó sẽ trở thành thương hiệu "quốc ngư" - loài cá nóc "duy nhất" có ở Việt Nam, "made in Vietnam".

Còn thương hiệu gốm sứ Kutaniyaki tượng trưng cho cam kết "Mitsui sẽ đem những tinh hoa Nhật chuyển giao cho Việt Nam". Vị doanh nhân Nhật chia sẻ tâm nguyện sẽ là "giúp đưa văn hóa ăn cá nóc lên tầm quốc tế, và điểm bắt đầu nhất định là Việt Nam!"

Chế biến cá chẳng bỏ gì cả

 

Theo Viện Dinh dưỡng quốc gia, thịt của cả 2 loài cá nóc xanh và cá nóc mút đuôi trắng rất giàu protein, axit amin, với hàm lượng axit amin thiết yếu cao hơn thịt gà và cá chép. Thịt cá nóc còn chứa hàm lượng cao omega-3, DHA, EPA, vitamin D, E và collagen.

Không chỉ thế, từng bộ phận của loài cá này có thể khai thác triệt để cho những mục đích khác nhau.

Da cá làm các món trộn ăn giòn hơn sứa, chiết xuất collagen; thịt cá làm thực phẩm khô, đông lạnh, ăn tươi; chiết xuất các axit amin quý; vây cá được sấy khô uống cùng rượu ấm sake; xương cá làm nước dùng, hạt nêm từ cá, bánh cá sembei giúp giảm lượng đường hấp thu, sấy khô làm bột canxi thêm vào các món ăn hằng ngày, thậm chí bánh ngọt; gan cá được chiết xuất vitamin E và các DHA, EPA…; nội tạng được chiết xuất Tetrodotoxin để làm dược liệu chữa ung thư, giảm đau, cắt cơn nghiện.

Tìm kiếm