Cá Giống Trường Phát Cá Giống Trường Phát
Cái nhìn khách quan về chăn nuôi nhân đạo động vật dưới nước

Cái nhìn khách quan về chăn nuôi nhân đạo động vật dưới nước

Home Tin Tức Cái nhìn khách quan về chăn nuôi nhân đạo động vật dưới nước
Cái nhìn khách quan về chăn nuôi nhân đạo động vật dưới nước
23/02/2022
41 Lượt xem

Chia sẻ với:

Cái nhìn khách quan về chăn nuôi nhân đạo động vật dưới nước

Phúc lợi động vật là một khái niệm bao quát được định nghĩa là trạng thái tốt về thể chất, tinh thần cũng như sự biểu hiện lành mạnh về tập tính tự nhiên của con vật.

Từ năm 1979 Hội đồng Phúc lợi động vật tại Anh đã đề xuất “5 quyền tự do cơ bản của động vật” bao gồm không bị đói khát; không bị khó chịu; không bị đau đớn, tổn thương và bệnh tật; không bị hạn chế các tập tính tự nhiên và không bị sợ hãi và khổ sở. Tại Việt Nam, Luật Chăn nuôi 32/2018/QH14 với các quy định về việc phải đối xử nhân đạo với vật nuôi, chính thức có hiệu lực ngày 1/1/2020. Thông tin quý báu trên tôi đọc trên báo Nông nghiệp Việt Nam số 249 phát hành ngày 15/12/2021.

Cũng qua bài báo trên, cho biết tình hình nước ta là Tuy nhiên trên thực tế, Việt Nam vẫn xếp hạng rất thấp trong các thực hành bảo vệ động vật nuôi dựa trên các chỉ số của Hiệp hội Bảo vệ Động vật Thế giới đưa ra vào năm 2020. Dẫn chứng như Ủy ban châu Âu chủ trương đến năm 2027 cấm toàn bộ việc nuôi nhốt động vật thì nuôi gà nhốt lồng vẫn được xem là phương thức chăn nuôi truyền thống để sản xuất trứng làm thương phẩm ở nước ta. Chăn nuôi nhân đạo, xét về mặt lịch sử đã có quá trình gầy dựng từ khá lâu. Do hoàn cảnh, nước ta chưa thể thực thi sớm. Mặt khác, còn hạn chế bởi tiếp cận chậm và không đánh giá hết tính chất xu thế và cũng là một cơ hội đổi mới, một cơ hội kinh doanh nên chưa có nhiều doanh nghiệp am hiểu và mặn mà với phương thức mới này.

Chăn nuôi nhân đạo có tiêu chí cơ bản nhất là xây dựng môi trường sống đảm bảo được các tập tính tự nhiên của con vật nuôi và con vật nuôi không bị đói, bị đau, bị căng thẳng…; hướng tới mục tiêu có những sản phầm chất lượng cao hơn, lối sản xuất – tiêu dùng bền vững hơn và tiến tới một xã hội nhân ái hơn. Nước ta, tập tểnh tiếp cận khái niệm, nội dung, phương thức chăn nuôi mới mẻ này tuy có phần chậm chạp; nhưng đã có các trại gà sản xuất trứng áp dụng phương thức nuôi này và sản phẩm đã có mặt trong các hệ thống phân phối lớn. Chăn nuôi trên đất tiếp cận phương thức này sớm hơn do đối tượng vật nuôi đông đảo, dễ nhìn thấy dễ kiểm soát hơn. Ngành thủy sản chăn nuôi dưới nước, có phần phức tạp hơn nhưng vẫn không thể đi ngược xu thế này. Nuôi thủy sản nước ta chủ yếu là nuôi tôm, cá tra và nuôi biển. Trong đó quy mô sản lượng cao nhất là cá tra rồi đến tôm nước lợ. Nếu chúng ta có sản phẩm cá, tôm nuôi theo phương thức nhân đạo, sức thu hút người tiêu dùng sẽ cao hơn.

Vạn sự khởi đầu nan, chúng ta chưa am hiểu hết những tiêu chí nuôi mới, có thể các tiêu chí đó không tương thích những gì chúng ta đang có, cho nên còn ngại ngần các chi phí mới phát sinh từ cách nuôi mới sẽ được bù đắp ra sao. Các hệ thống phân phối đâu biết ý chí, năng lực các doanh nghiệp; nhất là tìm cách nào để có đối tác cầu thị, muốn hợp tác bền vững… Tôi nêu ở đây một “tình huống”. Muốn bán thủy sản vào EU, rất cần chứng minh sản phẩm nuôi theo quy trình chuẩn ASC. Khách hàng mua tôm tiếp cận ban đầu chỉ yêu cầu bấy nhiêu. Qua quá trình mua bán, khi đã khá am hiểu nhau, khách hàng đã đưa ra các tiêu chí về nuôi “thắt chặt” dần. Ban đầu là mật độ thả nuôi, không được quá dầy và nhất là phải kiểm soát các chỉ số môi trường như oxy hòa tan khí độc… Rồi tiến tới yêu cầu tôm thu hoạch sau khi kéo lên mặt nước phải giết chết và bảo quản bằng ướp lạnh trong vòng 2 phút. Rồi tiến tới yêu cầu thu hoạch tôm khi kéo lưới không được sử dụng điện kích tôm nhảy vào lưới. Gần đây hơn, khách hàng yêu cầu giết tôm nhanh hơn và phải bằng điện. Xu thế, phải đặt camera dưới ao tôm để theo dõi tiến trình “sinh hoạt” của vật nuôi.

 

Họ từng bước đưa ra quy định mà không yêu cầu làm ngay một lần. Có thể như vậy, đối tác dễ chấp nhận hơn. Họ không nói bài bản là phải tuân thủ các tiêu chí nuôi nhân đạo mà chỉ nêu ra yêu cầu và nói rõ mục đích yêu cầu nhằm để vật nuôi phát triển “thoải mái” nhất. Trong kinh doanh, chúng tôi quan niệm khách hàng là người yêu nên hết sức kiên trì đáp ứng các yêu cầu của khách hàng, thí dụ như trang bị máy thu hoạch và máy giết tôm, nhập từ nước ngoài. Kết quả, doanh số mua bán với khách hàng “khó tính” này đã tăng nhanh trong 6 năm qua, và họ đã trở thành một khách hàng chiến lược của chúng tôi. Như vậy, trong lĩnh vực nuôi tôm, đã có cơ sở nuôi “may mắn” tiếp cận và thực hành nuôi nhân đạo. Cách tiếp cận là làm quen và thực hành từng tiêu chí, chấp nhận chi phí có thể cao hơn. Thí dụ ao nuôi được xây dựng và trang bị nuôi thâm canh nhưng chỉ thả nuôi mật độ thấp hơn, chi phí khấu hao trên mỗi kg tôm nuôi sẽ cao hơn hoặc để thu hoạch và ướp lạnh bảo quản trong vòng 2 phút sau khi thu hoạch phải kiên cố hóa các bờ tới từng ao nuôi để xe có thể ra vào vận chuyển tôm chẳng hạn. Tuy nhiên, chi phí gia tăng này người tiêu dùng sẽ “đảm nhận”, do sản phẩm được nuôi bằng cách thức này sẽ có giá cao hơn, thừa bù đắp cho cơ sở nuôi.

Tôi nêu ra một “điển hình”, một minh chứng nhằm để mọi người thêm thông tin tham khảo và có thể cho hoạch định lâu dài hoạt động của mình. Bởi đây là xu thế tiến tới lối sản xuất – tiêu dùng bền vững hơn và tiến tới một xã hội nhân ái hơn. Câu chuyện này có chiều sâu của nó. Đó là liên quan tới chính sách khuyến khích, thậm chí liên quan tới chiến lược phát triển ngành. Thí dụ nếu ngành cá tra coi trọng vấn đề này, cần có quy hoạch diện tích nuôi tăng nhiều lần nếu duy trì sản lượng đang có, bởi chắc chắn nuôi cá nhân đạo mật độ thả nuôi không thể quá dầy như hiện nay.

Tôi thiết nghĩ, bây giờ chúng ta đang trong tiến trình tìm sách lược nâng cao sức cạnh tranh sản phẩm thủy sản mình làm ra. Sách lược có thể có nhiều cách như mở rộng thị trường tăng quy mô tiêu thụ; chế biến sâu và thêm mẫu mã sản phẩm mới tiếp cận khúc khách hàng cấp cao; tiết kiệm và tận dụng mọi mặt nhằm giảm giá thành, tăng sức cạnh tranh hoặc phát huy thế mạnh tôm hữu cơ… Mỗi doanh nghiệp tùy hoàn cảnh mà chọn cách đi cho mình. Tuy nhiên, nếu nhìn thấu đáo, nuôi tôm cá, hải sản nhân đạo cũng là một cách thức làm tăng giá trị sản phẩm, làm tăng sức cạnh tranh sản phẩm cho doanh nghiệp nào tiếp cận sớm hơn. Cho nên, nhìn rộng, đây cũng là một cơ hội kinh doanh lớn lao và điều thú vị là cơ hội này là cơ hội đặc biệt bởi cơ hội sẽ kéo dài và mang tính bền vững. Cho nên, thiết nghĩ các doanh nghiệp chế biến thủy sản chúng ta có vùng nuôi nên chú trọng nội dung này trong chiến lược kinh doanh và phát triển của mình.

Xã hội diễn tiến mới hàng ngày. Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang len lỏi trong mọi mặt cuộc sống. Công nghệ số, kinh tế số, xã hội số … là những cụm từ hay được xuất hiện gần đây. Chăn nuôi nhân đạo nói chung, nuôi thủy sản nhân đạo nói riêng không chỉ là thực hành mà còn chứng minh được qua các chỉ số đo lường. Tiến trình chuyển đổi số là trợ thủ đắc lực để kiểm soát nuôi thủy sản nhân đạo. Sự ứng dụng này sẽ góp phần quảng bá nuôi thủy sản nhân đạo, góp phần để các chủ cơ sở nuôi thuận lợi hơn trong việc triển khai nuôi nhân đạo tại cơ sở của mình. Chúng ta có lòng tin truyền thống năng động của ngành thời gian qua sẽ sớm có nhiều cơ sở thủy sản nuôi nhân đạo trong tương lai gần. Đó cũng là một chỉ số cho thấy ngành đang đi đúng xu thế và trên tiến trình phát triển theo hướng bền vững.

Tìm kiếm