Để có sản phẩm ốc bươu hữu cơ, anh Nguyễn Hồng Khương chọn nuôi ốc trong ao bèo để làm sạch nước. Thức ăn được tận dụng từ cỏ, trái cây. Cách làm này giúp thanh niên 8X có thu nhập khá.
Lần đầu thiệt hại do chọn sai con giống
Trang trại ốc bươu của anh Nguyễn Hồng Khương (32 tuổi) tọa lạc tại phường Thới Hòa, quận Ô Môn, TP Cần Thơ được xem là một trong mô hình nuôi ốc quy mô ở Cần Thơ.
Năm 2015, sau một vụ tai nạn ảnh hưởng sức khỏe, anh Khương bỏ nghề công nhân trở về nhà trồng bông súng mưu sinh. Thấy diện tích ao còn trống anh Khương quyết định nuôi thêm ốc bươu, ốc lác để kiếm thêm thu nhập, tuy nhiên bước khởi đầu lại chẳng mấy suôn sẻ.
"Vì không biết chỗ mua con giống nên tôi mua khoảng 300 kg ốc loại người ta bày bán ngoài đường về nuôi. Thả ngày hôm trước hôm sau nó nổi đầy trên mặt nước chết hết. Chuyến đầu tiên tôi lỗ hết 18 triệu đồng.
Sau đó, tìm hiểu "ngọn ngành" từ những người nuôi ốc có kinh nghiệm, tôi mới biết: Mình đã nuôi sai cách. Phải nuôi ốc từ cỡ bằng đầu đũa để ốc quen môi trường nước và thả ốc theo vị trí nhất định không phải thả lang, thả đều cả ao", anh Khương cho biết.
Sau khi có được kinh nghiệm đầu tay anh Khương quyết định đi một số trại ốc để tham quan, học hỏi. Giữa năm 2015, anh quyết mua 20.000 con ốc giống từ Thanh Hóa về nhân nuôi. Ở lần thứ hai này, "quả ngọt" đã đến với anh Khương khi tỷ lệ ốc chết giảm hẳn, tốc độ sinh trưởng khá cao.
"Đợt nuôi thứ 2 khả quan hơn. Ôc nuôi được từ 4 tháng đã bắt đầu cho sinh sản nhưng tôi chưa vội bán con giống vì phải chờ ốc bố mẹ đạt số lượng lớn, đảm bảo đủ nguồn cung cho khách mới xuất bán được.
Tính ra đến năm 2018 tôi mới cung cấp ốc giống và ốc thương phẩm ra thị trường", chàng trai 8x chia sẻ thêm.
Kiếm được hơn 200 triệu mỗi năm
Cơ sở của anh đang sản xuất 2 giống ốc chính là ốc bươu đen và ốc lác. Ốc tuy là loài sống dưới bùn đất nhưng rất ưa sạch. Để nuôi ốc hữu cơ cần chú ý đến nguồn nước sạch và chế độ dinh dưỡng. Nếu ao nước bẩn, nước tù đọng ốc dễ bị bệnh chết. Vì thế phải thường xuyên vệ sinh ao, thay nước, xử lý môi trường bằng vôi, men vi sinh.
Ngoài nuôi ốc, anh còn trồng thêm cây thủy sinh như bèo, bông súng và thả thêm cá sặc, cá bảy trầu nuôi cộng sinh ăn phân ốc, rong rêu trong ao. Theo thanh niên chủ 8x, việc nuôi bèo và cá giúp nguồn nước trong hơn hạn chế việc sử dụng thuốc xử lý nhờ đó con ốc sạch hơn, khỏe hơn.
Tùy vào diện tích và loại ao anh Khương sẽ thả mật độ nuôi khác nhau. Với ao lâu năm được thả 100 con/m2, còn ao mới đào được thả số lượng 80 con/m2. Thời gian sinh sản của ốc bắt đầu từ tháng 3 kéo dài đến hết tháng 10 âm lịch.
Sau khi ốc sinh sản, cần phải gom trứng cho ấp trên thùng xốp để trứng nở từ từ. Thông thường sau 15-20 ngày ấp, trứng ốc sẽ nở hoàn toàn và thoát ra khỏi buồng trứng.
"Lúc đầu tôi gom trứng vào nhà ấp một lượt nhưng tỷ lệ nở thấp lắm. Nhưng sau khi tìm tòi, nghiên cứu, số lượng trứng ốc nở đạt trên 90% như môi trường ngoài tự nhiên. Ốc to bằng đầu đũa ăn là xuất bán với giá 300 đồng/con", anh Khương cho hay.
Khi được hỏi về nguồn thức ăn cho ốc bươu, chủ trang trại "bật mí", thức ăn chủ yếu là bèo tây, bèo cám, trái cây hư như ổi, đu đủ thậm chí ăn cả cỏ dại. Đây đều là những nguyên liệu dễ tìm và có thể tự trồng xung quanh ao nuôi, không mất nhiều chi phí. Ngày cho ốc ăn một lần vào thời điểm chiều tối.
Sau 6 năm khởi nghiệp từ mẫu ao vỏn vẹn 3.000 m2 chàng trai đất Tây Đô đã nâng lên diện tích 1,2 ha. Trung bình, mỗi tháng, anh Khương xuất bán từ 500.000 đến một triệu con ốc giống. Sau khi trừ hết chi phí, anh Khương còn lời trên 20 triệu đồng/tháng.
Bên cạnh đó, chủ trại ốc còn tận dụng nguồn lợi thủy sản có sẵn trong ao để kiếm thêm thu nhập.
Ông Nguyễn Chí Thức - Phó Trưởng trạm Khuyến nông quận Ô Môn chia sẻ: "Mô hình nuôi ốc bươu đen của Nguyễn Hồng Khương là một trong những mô hình thanh niên phát triển kinh tế thành công. Anh rất tích cực trong hoạt động của địa phương, sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ kỹ thuật cho những người có nhu cầu".