Không nằm ngoài vòng xoáy ảnh hưởng do dịch bệnh COVID-19, ngành khai thác, chế biến và xuất khẩu cá ngừ cũng chịu nhiều tác động, từ chi phí sản xuất gia tăng đến vận chuyển thiếu linh hoạt, có nguy cơ mất hợp đồng do tình trạng thiếu container rỗng, chi phí logistics tăng cao.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu cá ngừ đã nỗ lực đưa ngành cá ngừ tăng trưởng hơn 16% so với năm 2020.
Linh hoạt sản xuất để tăng trưởng
Cá ngừ Việt Nam được nhiều quốc gia trên thế giới ưa chuộng. Mặt hàng cá ngừ Việt Nam đã có mặt ở tại 140 quốc gia trên thế giới. Tuy nhiên, năm 2021 với biến động lớn từ dịch bệnh COVID-19 trên toàn cầu và trong nước, các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu cá ngừ đã phải linh hoạt sản xuất để có thể đáp ứng các đơn hàng.
Theo Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam, trong năm 2021, kim ngạch xuất khẩu cá ngừ đạt khoảng 757 triệu USD, tăng 16,6% so với năm 2020.
Giải thích cho sự tăng trưởng này, các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu cá ngừ chia sẻ, các địa phương đã thích ứng với việc chống dịch linh hoạt và hiệu quả sau Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ ban hành quy định tạm thời "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19".
Theo đó, việc sản xuất thủy sản nói chung và sản xuất chế biến cá ngừ nói riêng đang dần hồi phục, nhất là vào thời điểm cuối năm, nhu cầu từ các thị trường đều tăng, giá nhập khẩu cũng có xu hướng tăng.
Hiện xuất khẩu các nhóm sản phẩm cá ngừ đều tăng so với cùng kỳ, trừ cá ngừ đóng hộp; trong đó, xuất khẩu phần thịt lưng cá ngừ (cắt khúc, cắt miếng, saku….) tăng mạnh 41% so với năm 2020. Xuất khẩu cá ngừ chế biến khác tăng 14% so với năm 2020.
Bên cạnh đó, tại các thị trường nhập khẩu cá ngừ Việt Nam nhiều nhất như Mỹ, châu Âu, Israel, Italy, Canada, Nhật Bản, sau chiến dịch phủ vaccine COVID-19, đã sớm mở cửa, nhu cầu tiêu thụ tăng đáng kể ở cả kênh Horeca…
Nhu cầu tiêu thụ cá ngừ của người tiêu dùng Mỹ đang dần phục hồi theo ngành dịch vụ thực phẩm (Foodservices) của nước này. Nhu cầu nhập khẩu lớn cá ngừ hấp đông lạnh (nguyên liệu để chế biến cá ngừ đóng hộp, salad cá ngừ...) tại các thị trường như châu Âu cũng tăng cao trong thời điểm hai tháng cuối năm 2021 đã kéo lượng nhập khẩu cá ngư tại thị trường này tăng vọt.
Cùng với Mỹ và châu Âu, xuất khẩu sang một số thị trường khác đang tăng trưởng nhanh chóng, có thị trường tăng tới 3 con số như Mexico tăng 143% hay Israel tăng 201%... Sự tăng trưởng nhanh tại các thị trường này là chất xúc tác thúc đẩy nhanh sự tăng trưởng xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam.
Tuy nhiên, tại một số thị trường, sau sự bùng nổ nhập khẩu cá ngừ đóng hộp trong nửa đầu năm 2020, nhu cầu đã quay trở lại mức bình thường trước đại dịch, cộng với lượng tồn kho cao đã làm giảm nhu cầu nhập khẩu nhóm sản phẩm này tại các thị trường trong năm nay.
Thêm vào đó, chi phí vận chuyển đường biển, giá thép hộp, giá dầu thực vật tăng cao cũng đang làm cho nhu cầu nhập khẩu cá ngừ đóng hộp giảm. Thế nhưng, các yếu tố này vẫn chưa thể tác động lớn đến xuất khẩu cá ngừ trong 2 tháng cuối năm 2021.