Cá Giống Trường Phát Cá Giống Trường Phát
Chỉ đạo nuôi tôm nước lợ năm 2014 của Tổng cục Thủy sản

Chỉ đạo nuôi tôm nước lợ năm 2014 của Tổng cục Thủy sản

Home Tin Tức Chỉ đạo nuôi tôm nước lợ năm 2014 của Tổng cục Thủy sản
Chỉ đạo nuôi tôm nước lợ năm 2014 của Tổng cục Thủy sản
25/01/2014
39 Lượt xem

Chia sẻ với:

Chỉ đạo nuôi tôm nước lợ năm 2014 của Tổng cục Thủy sản

Trong năm 2013, nuôi tôm nước lợ vừa được mùa vừa được giá, thị trường thuận lợi, ngành thủy sản Việt Nam đã từng bước khống chế được hội chứng hoại tử gan tụy cấp tính, trong khi nhiều nước bị dịch bệnh gây thất thu nghiêm trọng. Tại Việt Nam, tuy việc nuôi tôm nước lợ vẫn còn tiểm ẩn mối nguy do dịch bệnh gây ra nhưng để tận dụng cơ hội thị trường và giá cao, Tổng cục Thủy sản đã đề nghị Sở NN&PTNT các tỉnh/thành phố ven biển chỉ đạo các đơn vị chức năng phối hợp với UBND cấp huyện triển khai kế hoạch sản xuất tới các địa phương, thực hiện một số nội dung quan trọng.

   Cụ thể là: Rà soát và đề xuất điều chỉnh quy hoạch vùng nuôi tôm sú, tôm chân trắng phù hợp với điều kiện thực tế của từng địa phương và quản lý theo quy hoạch. Tiếp tục triển khai các công văn chỉ đạo của Tổng cục Thuỷ sản (như Công văn số 298/TCTS-NTTS ngày 01/02/2013 về phổ biến mô hình nuôi tôm thành công trong vùng dịch bệnh, Công văn số 195/TCTS-NTTS ngày 21/01/2013 về việc triển khai một số giải pháp phòng chống dịch bệnh trên tôm nuôi nước lợ, Công văn số 3442/TCTS-NTTS ngày 17/12/2013 về việc thực hiện khung lịch thời vụ thả giống tôm nước lợ năm 2014).

           Đồng thơi, căn cứ hướng dẫn khung mùa vụ của Tổng cục Thủy sản và điều kiện thực tế tại địa phương để xây dựng lịch mùa vụ cụ thể cho từng vùng, quản lý lịch thả giống ngay từ đầu vụ. Không thả giống vào thời điểm nhiệt độ còn thấp là điều kiện phát sinh bệnh đốm trắng. Hướng dẫn, phổ biến kỹ thuật nuôi tôm, những điển hình tiên tiến trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân áp dụng nhằm hạn chế rủi ro. Quản lý chặt chẽ chất lượng các yếu tố đầu vào (giống, thức ăn, thuốc, hóa chất, chế phẩm sinh học, chất xử lý cải tạo môi trường). Xây dựng kế hoạch và dự trù kinh phí thanh tra, kiểm tra giám sát, lấy mẫu phân tích chất lượng theo Thông tư 14/2011/TT-BNNPTNT, Thông tư 01/2013/TT-BNNPTNT) để xử lý các trường hợp không đảm bảo điều kiện sản xuất kinh doanh và không đảm bảo chất lượng sản phẩm.

           Đối với vùng nuôi tôm chân trắng trên ao/đầm không lót nền đáy, Tổng cục Thủy sản đã khuyến cáo các hộ nuôi thả với mật độ 60-80 con/m2, không nuôi tôm chân trắng trong vùng quảng canh, tôm lúa, tôm rừng mà chỉ nuôi tôm sú để phát triển bền vững. Đối với các tỉnh sản xuất tôm giống trọng điểm, cần quản lý chặt chẽ việc sử dụng tôm tố mẹ theo Thông tư 26/2013/TT-BNNPTNT ngày 22/5/2013. Xử lý nghiêm các trường hợp sử dụng tôm bố mẹ tự gia hóa cho sản xuất giống. Theo dõi trên trang Website của Tổng cục Thủy sản về tình hình nhập khẩu tôm bố mẹ để quản lý số lượng tránh trà trộn tôm gia hóa.

           Một số lưu ý về kỹ thuật nuôi tôm thâm canh/bán thâm canh

         Sau khi Tổng cục Thủy sản công bố kết quả nghiên cứu tác nhân gây Hội chứng hoại tử gan tụy cấp tính ở tôm nuôi là vi khuẩn Vibrio parahaemolyticus và phổ biến quy trình tổng kết từ các mô hình nuôi tôm thành công, nhiều doanh nghiệp, trang trại đã áp dụng và sáng tạo các phương pháp nuôi hạn chế rủi ro đạt kết quả tốt. Các biện pháp tập trung vào hạn chế sử dụng hóa chất và hạn chế Vibrio trong ao nuôi, như: xử lý nước đưa vào ao không dùng hóa chất mà bằng cách lọc qua nhiều lớp vải dầy để loại bỏ ấu trùng địch hại, cải tạo ao nuôi có hệ thống xi phông bùn đáy, lắp thêm sục khí, sử dụng chế phẩm sinh học làm sạch môi trường, nuôi theo bioflock, nuôi trong nhà kín, nuôi giống trong nhà thêm một tháng trước khi thả ra ao...

           Từ thực tiễn của các mô hình nuôi thành công, Tổng cục Thủy sản đã yêu cầu các hộ nuôi lưu ý về mặt kỹ thuật như sau: Ao nuôi cần thiết kế có ống xi-phông ở giữa đáy ao để hằng ngày hút cặn bã hữu cơ ra khu xử lý nước thải.Không diệt tạp trong ao nuôi để tránh ảnh hưởng của hóa chất tồn lưu trong ao gây hại cho tôm nuôi. Lấy nước vào ao lắng có thả rô phi, cá vược để tiêu diệt các loại địch hại ấu trùng và cân bằng sinh học, sau đó lọc kỹ nước cho vào ao nuôi. Đối với tôm giống, phải chọn mua tại cơ sở uy tín - xếp loại A, có xuất xứ, đã được kiểm dịch, cỡ giống tôm sú PL15, tôm thẻ chân trắng PL12. Thực hiện ương/gièo thêm khoảng 1 tháng trong diện tích nhỏ, có mái che, hoặc có thể ương/gièo trong giai bằng vải bạt, đáy bằng lưới cước, có mái che đặt ngay trong ao nuôi, đáy giai cách đáy ao 20 cm, trong giai có đặt sục khí.

           Khi tôm đạt kích cỡ 500-600 con/kg có thể thả vào trong ao từ 20-30 con rô phi để hỗ trợ làm sạch môi trường và cân bằng sinh học. Trong quá trình nuôi hạn chế sử dụng các loại hóa chất, chế phẩm sinh học, không sử dụng thuốc chữa bệnh, cần tăng cường quạt nước và lắp thêm hệ thống sục khí đáy ao nuôi, đảm bảo lượng ôxy hòa tan ≥ 5 mg/l. Ngoài ra, cần kiểm soát chặt các yếu tố môi trường, đặc biệt mật độ vi khuẩn Vibrio, duy trì độ mặn 15-20‰; pH là 7,5-8,2; độ kiềm 120-160 mg/l. Bên cạnh đó, phải thường xuyên xi phông đáy ao: Trong tháng thứ nhất, cứ 5-7 ngày xi phông một lần. Khi tôm đã lớn, mỗi ngày xi phông một lần.

            Với tất cả những thông tin chỉ đạo nhanh chóng, kịp thời và cụ thể như trên, cùng với sự quyết tâm chỉ đạo và giám sát của các cơ quan ban ngành từ trung ương đến địa phương, sự nỗ lực hợp tác và thực hiện của các doanh nghiệp, các hộ nuôi trồng thủy sản, nghề nuôi tôm nước lợ của Việt Nam hy vọng sẽ tiếp tục gặt hái được nhiều thành công trong năm 2014.

                                                                                                                                          FICen (theo Vụ NTTS)

Tìm kiếm