Chia sẻ với:
Chủ động giống chất lượng
- Với mục tiêu xuất khẩu tôm đạt 10 tỷ USD vào năm 2025, sản lượng 1,1 triệu tấn trên quy mô 750.000 ha, thì Việt Nam cần khoảng 500.000 - 600.000 con tôm bố mẹ để sản xuất nguồn tôm giống chất lượng. Tuy nhiên, hoạt động này cần phải có sự đầu tư hơn nữa.
Nhiều doanh nghiệp đã chú trọng đầu tư sản xuất tôm giống Ảnh: Trần Út
Nhu cầu cao
Theo ước tính, đến năm 2025 nhu cầu tôm sú bố mẹ là 100.000 con/năm, thế nhưng hiện chỉ mới có Công ty Moana (Ninh Thuận) sản xuất được 15.000 con/năm, còn lại phải dựa vào khai thác từ tự nhiên. Đối với TTCT bố mẹ, hiện Việt Nam đang phải nhập khẩu khoảng 230.000 con/năm và chỉ có 2 đơn vị được công nhận giống thủy sản mới là Viện Nghiên cứu NTTS I và Tập đoàn Việt - Úc, sản xuất khoảng 20.000 - 25.000 con/năm. Trong khi, nhu cầu đến năm 2025 sẽ cần khoảng 400.000 - 500.000 con tôm bố mẹ. Để phục vụ sản xuất, Việt Nam hiện rất cần nguồn tôm sú giống tăng trưởng nhanh, thích nghi hoặc kháng bệnh, có sức chống chịu tốt để phục vụ vùng nuôi quảng canh; nguồn giống TTCT sạch bệnh, tăng trưởng nhanh cung ứng cho sản xuất theo phương thức nuôi công nghệ cao, nhằm tạo sản lượng lớn, đáp ứng khắt khe về an toàn thực phẩm và kiểm dịch của các thị trường nhập khẩu.
Còn theo đại diện doanh nghiệp sản xuất tôm giống tại Bình Thuận, hiện cả nước có khoảng 700.000 ha nuôi tôm, tuy nhiên, các doanh nghiệp mới chỉ cung ứng nguồn tôm giống cho trên 100.000 ha nuôi tôm công nghiệp; còn diện tích nuôi tôm quảng canh với trên 500.000 ha thì chưa đáp ứng được nhu cầu của người nuôi. Chính vì vậy mà vấn đề chợ cóc, chợ tôm giống tại một số tỉnh ĐBSCL vẫn còn phát triển và việc quản lý còn gặp nhiều khó khăn.
Chất và lượng song hành
Ninh Thuận, Bình Thuận được coi là thủ phủ sản xuất tôm giống của cả nước, khi nơi đây có nhiều điều kiện thuận lợi cho sản xuất; hội tụ nhiều “tên tuổi” lớn về sản xuất, cung ứng tôm giống như: Nam Miền Trung, Grobest, Việt - Úc… Toàn tỉnh Bình Thuận chiếm 20% thị phần tôm giống cả nước trong đó 70 - 80% con giống chất lượng. Còn tại Ninh Thuận, với gần 500 cơ sở nhân ương, kinh doanh tôm giống, hơn 1.200 trại tôm; hàng năm xuất ra thị trường khoảng 25 - 30 tỷ tôm giống, đáp ứng cho nhu cầu nuôi tại địa phương 30 - 40%, còn lại xuất đi các tỉnh ngoài. Để nâng cao chất lượng, các doanh nghiệp tôm giống ở cả hai tỉnh Bình Thuận và Ninh Thuận đã không ngừng nâng cấp, mở rộng quy mô sản xuất; chú trọng đầu tư, tìm kiếm những công nghệ sản xuất giống sạch bệnh, kháng bệnh, nuôi đạt tỷ lệ sống cao nhất, không sử dụng kháng sinh.
Là vùng nuôi tôm trọng điểm tại ĐBSCL, năm 2018 tỉnh Kiên Giang đặt chỉ tiêu 123.000 ha diện tích nuôi tôm sú, TTCT, tôm càng xanh, với nhu cầu giống khoảng 9,5 tỷ con. Do đó, để đảm bảo nguồn giống chất lượng thả nuôi, ngành thủy sản Kiên Giang hỗ trợ các cơ sở sản xuất, kinh doanh tôm giống uy tín mở văn phòng giao dịch tại điểm giao dịch giống thủy sản tập trung vùng U Minh Thượng theo thỏa thuận ký kết ghi nhớ, kết nối cung - cầu với các tỉnh sản xuất tôm giống ở miền Trung và ĐBSCL. Ngoài ra, các đơn vị chức năng chuyên môn quản lý, tăng cường kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ cơ sở sản xuất, kinh doanh, ương dưỡng tôm giống trên địa bàn tỉnh, nhất là ở những vùng nuôi tôm trọng điểm về chất lượng giống, nguồn cung ổn định, tuân thủ những quy định về quy trình sản xuất kinh doanh giống, kiểm dịch, hồ sơ thủ tục… trước khi cung cấp giống cho khách hàng.
Tại Khánh Hòa, địa phương cũng triển khai xây dựng vùng sản xuất tôm giống tập trung tại xã Ninh Vân (thị xã Ninh Hòa) với tổng diện tích 60 ha, sản lượng giống dự kiến sản xuất hàng năm khoảng 6 tỷ con, đáp ứng nhu cầu con giống trong tỉnh và phục vụ cho thị trường các tỉnh miền Tây Nam bộ. Bên cạnh đó, hỗ trợ nâng cấp cho 10 trại sản xuất tôm giống nuôi theo phương pháp an toàn sinh học, đảm bảo yêu cầu về môi trường và dịch bệnh thủy sản. Thực hiện mục tiêu chuẩn hóa sản xuất tôm giống từ tôm bố mẹ sạch bệnh đáp ứng yêu cầu vận hành sản xuất đảm bảo an toàn sinh học.