Hiệu quả bước đầu
Vựa muối lớn nhất Quảng Nam không còn nữa. Đến xã Tam Hòa những ngày này sẽ thấy những diện tích vốn làm muối trước đây đã chuyển hẳn sang nuôi tôm thẻ chân trắng.
Ông Nguyễn Văn Bình (thôn Đông An, xã Tam Hòa) cho biết, làm muối là nghề truyền thống nhưng thời gian qua sản xuất bấp bênh. Những khi mưa dông bất chợt đầu chiều, không kịp xoay xở người dân thất thu muối.
Lại thêm muối công nghiệp chèn ép trên thị trường, muối truyền thống vốn tốn kém nhiều ở đầu vào không cạnh tranh nổi đã bị thu hẹp chỗ đứng nên suy thoái. Ông Bình đã chuyển đổi 2 sào đất làm muối sang nuôi tôm.
“Năm ngoái tôi nuôi tôm 3 vụ khá đạt, thu lãi hơn 50 triệu đồng, gấp nhiều lần so làm muối. Tôi cố gắng duy trì nghề mới để có nguồn thu nhập kha khá” - ông Bình nói.
Ông Huỳnh Ngọc Tiến (ở thôn Đông An) cho biết, trước đây khi còn làm muối, nếu thời tiết thuận lợi thì mỗi ngày thu được khoảng 300kg. Sản phẩm chủ yếu bán lên các địa phương miền núi, nhưng đường sá xa xôi cách trở nên chi phí vận chuyển quá cao, không có lãi. Trăn trở sinh kế, ông Tiến quyết định chuyển đổi 3 sào đất làm muối sang nuôi tôm thẻ chân trắng.
“Chạy vạy vay mượn người thân, bạn bè tôi đầu tư 200 triệu đồng để cải tạo đất, lót bạt đầu tư nuôi tôm. Đến nay 3 vụ nuôi khá thành công, tôi sắp trả hết nợ. Nuôi tôm đạt nên phấn khởi hơn hẳn làm muối” - ông Tiến chia sẻ.
Đầu tư nuôi tôm thẻ chân trắng tốn kém nhưng “hứa hẹn” thu lãi cao nên hầu hết diêm dân tìm mọi cách để có vốn liếng đầu tư. Ở thôn Hòa Bình (xã Tam Hòa) người dân cũng đã chuyển hẳn từ làm muối sang nuôi tôm.
Ông Trần Trung Chính, người dân thôn Hòa Bình nói, nghề muối chỉ sản xuất được vài tháng mùa nắng theo kiểu lấy công làm lời. Bây chừ người dân không còn theo nghề làm muối vì thu nhập quá bấp bênh. Chuyển đổi nghề muối sang nuôi tôm là hướng đi phù hợp đến thời điểm này.
Đầu tư đồng bộ hơn
Hiện nay không chỉ diêm dân chuyển đất làm muối sang nuôi tôm thẻ chân trắng mà các hộ dân khác cùng thôn cũng “xẻ” vườn đầu tư nuôi tôm. Tự phát nuôi tôm đang trở nên rầm rộ ở các thôn Hòa Bình, Bình An.
Ông Bùi Văn Dương - Phó Chủ tịch UBND xã Tam Hòa cho biết, theo thống kê sơ bộ đến nay đã có hơn 15ha diện tích đất chuyển sang nuôi tôm. Về nguồn vốn đầu tư, ông Dương nói các hộ tìm nhiều cách để huy động, có nhiều hộ nghèo đã tiếp cận vốn vay ưu đãi của ngân hàng chính sách.
Theo ông Dương, người dân chuyển đổi diện tích làm muối không hiệu quả sang nuôi tôm thẻ chân trắng là rất đáng khuyến khích. Đối với các diện tích đất vườn chuyển sang nuôi tôm cần rà soát, đánh giá để có các giải pháp phù hợp. “Sinh kế ổn định cho người dân luôn là chuyện cấp thiết. Chỉ cần người dân không nuôi tôm trái phép thì chính quyền luôn tìm cách tiếp sức cho họ” - ông Dương nói.
Theo ông Lê Văn Hiệp - Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện Núi Thành, chuyển đổi diện tích làm muối không hiệu quả sang nuôi tôm đã cho thấy sự linh hoạt thích ứng của người dân. Trong nuôi tôm, ngành nông nghiệp khuyến khích người dân chọn mua tôm giống có kiểm dịch, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng để đảm bảo chất lượng.
Các loại thức ăn, vật tư, thuốc thú y nuôi tôm cũng cần được chọn lựa kỹ càng. Người dân cần cải tạo ao nuôi kỹ càng, không nên dùng hóa chất, cần sử dụng chế phẩm sinh học để nuôi tôm, nhất là áp dụng quy trình kỹ thuật đã được tập huấn để đạt hiệu quả cao.
Các hộ nuôi tôm cần đầu tư ao chứa lắng để xử lý nguồn nước sạch cho vào ao nuôi tôm, tránh biến động môi trường nước để tôm nuôi có điều kiện sinh trưởng tốt.
Theo ông Hiệp, có các phương pháp nuôi tôm sạch, nuôi tôm VietGAP, nuôi tôm an toàn thực phẩm nên các hộ cần tiếp cận để nuôi đạt năng suất, sản lượng, nhất là đáp ứng các yêu cầu khắt khe về nguyên liệu tôm chế biến xuất khẩu để thu được giá trị kinh tế cao trên một đơn vị sản xuất.