Cá Giống Trường Phát Cá Giống Trường Phát
Chuyển từ nghề cá tự nhiên sang phát triển bền vững

Chuyển từ nghề cá tự nhiên sang phát triển bền vững

Home Tin Tức Chuyển từ nghề cá tự nhiên sang phát triển bền vững
Chuyển từ nghề cá tự nhiên sang phát triển bền vững
19/12/2017
40 Lượt xem

Chia sẻ với:

Chuyển từ nghề cá tự nhiên sang phát triển bền vững

Chuyển từ nghề cá tự nhiên sang nghề cá có trách nhiệm và phát triển bền vững là thể hiện quyết tâm của Đảng, Nhà nước trong việc thực hiện theo các quy định quốc tế, phù hợp với điều kiện của Việt Nam.

Ông Vũ Văn Tám, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT đã trao đổi với phóng viên Báo điện tử Chính phủ về nội dung của Luật Thủy sản 2017 và những giải pháp khắc phục Thẻ vàng của Ủy ban châu Âu (EC) về hoạt động đánh bắt bất hợp pháp của ngư dân trong thời gian qua.

Thưa Thứ trưởng, Luật Thủy sản 2017 đã được thông qua, vậy khi triển khai sẽ tác động như thế nào vào ngành thủy sản của Việt Nam?

Thứ trưởng Vũ Văn Tám: Thứ nhất, Luật Thủy sản 2017 ra đời trong dịp này phù hợp với yêu cầu hội nhập của nền kinh tế Việt Nam đối với khu vực và quốc tế. Thứ hai, Luật bảo đảm đáp ứng được yêu cầu của Chính phủ kiến tạo, hành động, công khai, minh bạch cho nên đáp ứng yêu cầu về cải cách hành chính; làm sao tạo được thuận lợi cho DN, người dân nhưng vẫn quản lý tốt theo cách tiếp cận mới là quản lý theo hệ thống và theo chuỗi. Thay vì quản lý danh mục, đầu vào thì giám sát đầu ra và hỗ trợ cho DN, người dân trong quá trình sản xuất. Đó là những cái rất là mới, rất thiết thực, phù hợp với quá trình tái cơ cấu của ngành thủy sản nói riêng, nông nghiệp nói chung theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững.

Luật Thủy sản 2017 tiếp cận theo hướng chuyển từ nghề cá khai thác tự nhiên sang nghề cá có trách nhiệm và phát triển bền vững, theo hướng đáp ứng yêu cầu thị trường. Trong bối cảnh EC đang rút Thẻ vàng đối với thủy sản Việt Nam, việc Luật ra đời thể hiện quyết tâm của Đảng, Nhà nước thực hiện theo các quy định quốc tế, phù hợp với điều kiện của Việt Nam. Vì vậy, cách tiếp cận tới đây là tập trung vào điều tra và quản lý tốt nguồn lợi để khai thác một cách bền vững.

Chúng ta sẽ tổ chức lại việc khai thác trên biển. Theo đó, xác định được những khu vực nào còn nguồn lợi mà có khả năng khai thác xa bờ và ngược lại sẽ giảm cường lực khai thác ven bờ; giảm tàu khai thác ven vờ và kiểm soát chặt chẽ việc đóng mới tàu cá; tập huấn và đào tạo cho ngư dân không khai thác bất hợp pháp vùng biển các nước, vi phạm vùng biển các nước.

Các tàu cá phải lắp thiết bị giám sát vị trí, hành trình để cơ quan quản lý giám sát được hoạt động của tàu; chủ tàu phải ghi nhật ký để chiết xuất được nguồn gốc sản phẩm. Đây cũng là một cảnh báo của EC, cho nên thời gian tới Luật Thủy sản cần tập trung vào việc quản lý dựa trên nguồn lợi bảo vệ nguồn lợi thủy sản.

Ngoài việc triển khai Luật Thủy sản, chúng ta còn có giải pháp gì để ứng phó với Thẻ vàng từ EC, thưa ông?

Thứ trưởng Vũ Văn Tám: Việc hướng đến nghề cá có trách nhiệm, phát triển bền vững, chúng ta đã có cách tiếp cận thời gian từ lâu. Tuy nhiên, vì đang có bước hoàn thiện về luật pháp cho nên bước chuyển này tương đối còn chậm, chưa đáp ứng được yêu cầu của EC. Việc chuyển đổi sang nghề cá trách nhiệm, phát triển bền vững và sửa đổi các văn bản pháp luật, trong đó có Luật Thủy sản đã có từ trước chứ không phải đợi đến lúc EC rút Thẻ vàng mới làm.

EU là một thị trường lớn, rất quan trọng, dù đã cảnh báo từ lâu nhưng chúng ta vẫn chưa chuyển biến đáp ứng đúng yêu cầu, cho nên bị rút Thẻ vàng. Việc xây dựng và ban hành Luật Thủy sản lần này một phần đáp ứng tức thì được yêu cầu của EC.

Ngay sau ngày 23/10, khi EC rút Thẻ vàng đối với hải sản Việt Nam thì Bộ NN&PTNT đã báo cáo với Thủ tướng Chính phủ và trình Thủ tướng kế hoạch hành động quốc gia về chống đánh bắt. Thủ tướng Chính phủ cũng đã ký Chỉ thị này và theo đó thì Bộ trưởng Bộ NN&PTNT cũng đã ký kế hoạch hành động để đưa ra các giải pháp để khắc phục Thẻ vàng này sớm nhất. Dự kiến đến tháng 6/2018 thì sẽ chấm dứt việc tàu cá và ngư dân Việt Nam đi khai thác bất hợp pháp vùng biển các nước.

Từ Chính phủ đến các bộ, ngành đều rốt ráo, tìm giải pháp cho việc bị rút Thẻ vàng, tuy nhiên một số địa phương vẫn còn buông lỏng, chưa quyết liệt ngăn chặn tình trạng ngư dân của mình khai thác bất hợp pháp vùng biển nước ngoài. Vậy theo ông, cần làm gì để tác động vào các địa phương này?

Thứ trưởng Vũ Văn Tám: Đây là vấn đề nan giải. Không phải đợi đến khi EC rút Thẻ vàng thì Chính phủ mới có cái giải pháp quyết liệt, mà ngay từ 28/5, tức là trước khi EC rút Thẻ vàng thì Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện 732, trong đó nói rất rõ hai vấn đề mà chúng ta cần tập trung giải quyết, một là làm sao chấm dứt tình trạng tàu cá và ngư dân khai thác bất hợp pháp vùng biển các nước. Theo đó, Công điện này đã đề cập rõ ràng là chấm dứt chứ không nói giảm thiểu, ngăn chặn nữa.

Hai là giao trách nhiệm cho người đứng đầu của chính quyền các cấp chịu trách nhiệm nếu tiếp tục để tàu cá ngư dân vi phạm vùng biển các nước. Từ đó, nhìn chung từ phía các bộ, ngành Trung ương đã chỉ đạo rất quyết liệt và nhiều địa phương đã triển khai nhưng tình trạng này vẫn xảy ra.

Châu Âu họ không hiểu được vì sao đã bị rút Thẻ vàng rồi mà tàu cá Việt Nam vẫn vi phạm vùng biển các nước. Đây là điều không thể chấp nhận được và vừa qua Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 45, yêu cầu các địa phương phải tăng cường các biện pháp làm sao đến 30/6/2018 là phải chấm dứt tình trạng tàu cá ngư dân vi phạm khai thác vùng biển các nước.

Bản thân tôi đã trực tiếp xuống các địa phương như Quảng Ngãi, Bình Thuận để tìm hiểu nguyên nhân dẫn tới việc thường xuyên vi phạm. Đối với Quảng Ngãi, Bình Thuận thì đó là nghề lặn, đối với Bà Rịa-Vũng Tàu và các địa phương khác có thêm nghề lưới kéo. Đây là hai nghề “thủ phạm” chính liên quan đến vi phạm vùng biển các nước, đặc biệt là các quốc đảo vì nghề lặn phải vào sát ven bờ mới lặn được, còn nghề lưới kéo thì liên quan đến huỷ diệt mà các nước bây giờ đã cấm, riêng Việt Nam vẫn còn.

Trong Chỉ thị này Thủ tướng đã giao cho Bộ NN&PTNT phải có lộ trình để làm sao đi đến chấm dứt nghề lưới kéo trong tương lai, nhưng chúng ta cần có lộ trình.

Trước mắt là lắp các thiết bị giám sát bắt buộc ở các tàu khi đi khai thác phải bật 24/24h và có kết nối với đài của các chi cục thủy sản ven bờ thì mới giám sát được. Khi các tàu đi ra khỏi vùng biển Việt Nam thì sẽ phát tín hiệu cảnh báo cho các tàu này biết.

Hiện nay EC đã rút Thẻ vàng và Thẻ đỏ đối với 20 nước, trong khu vực có Thái Lan, Philippines bị Thẻ vàng, Campuchia bị Thẻ đỏ và bây giờ Việt Nam bị Thẻ vàng. Philippines mất một năm, Thái Lan hơn 2 năm vẫn chưa thoát khỏi Thẻ vàng, và Campuchia vẫn còn Thẻ đỏ.

Việc bị Thẻ vàng có nghĩa là cảnh báo đối với hải sản của một nước và EC sẽ giám sát chặt chẽ hơn. Và nếu như trong vòng 6 tháng sau không chứng minh được sự chuyển biến trên thực tế thì EC không chỉ rút Thẻ vàng mà còn rút Thẻ đỏ. Khi rút Thẻ đỏ đồng nghĩa với việc chấm dứt việc thủy sản được nhập vào thị trường EU. Hơn nữa, điều này tác động đến không phải chỉ ở hải sản mà đến cả thủy sản nuôi. Không chỉ có thị trường EU mà còn cả thị trường Mỹ và các thị trường khác sẽ tẩy chay các mặt hàng hải sản nói riêng và thủy sản nói chung.

Tìm kiếm