Cá Giống Trường Phát Cá Giống Trường Phát
Đặc điểm sinh học sinh sản cá bạc má

Đặc điểm sinh học sinh sản cá bạc má

Home Tin Tức Đặc điểm sinh học sinh sản cá bạc má
Đặc điểm sinh học sinh sản cá bạc má
02/02/2021
38 Lượt xem

Chia sẻ với:

Đặc điểm sinh học sinh sản cá bạc má

Cá bạc má Rastrelliger kanagurta (Cuvier, 1816) thuộc họ cá thu ngừ (Scombridae), bộ cá vược (Perciformes). Loài cá này phân bố rộng ở Ấn Độ Dương và Tây Thái Bình Dương (Fröese and Pauly, 2018). Cá bạc má có giá trị dinh dưỡng và thương phẩm, là đối tượng khai thác phổ biến ở nhiều nơi trên thế giới và ở Việt Nam.

Hiện nay, ở Đồng bằng sông Cửu Long, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và cường lực khai thác quá mức đã làm cho nguồn lợi cá ven bờ nói chung và cá bạc má nói riêng ngày càng suy giảm. Việc nghiên cứu một cách đầy đủ về đặc điểm sinh học về loài cá này là rất cần thiết hiện nay bởi vì “hiểu biết về đặc điểm sinh học của đối tượng nuôi càng nhiều bao nhiêu thì việc nuôi dưỡng chúng càng có hiệu quả bấy nhiêu” (Pravdin, 1973). Trên cơ sở  đó,  nghiên cứu  đặc điểm  sinh học sinh sản của cá bạc má phân bố ở vùng ven biển Tiền Giang-Sóc Trăng đã được thực hiện.

Kết  quả phân tích 253 mẫu cá đực và 225 mẫu cá cái cho thấy mùa vụ sinh sản tự nhiên của cá bạc má ở vùng nghên cứu diễn ra quanh năm và tập trung từ tháng 3 đến tháng 6 và từ tháng 9 đến tháng 11. 

Sức sinh sản tuyệt đối của cá bạc má dao động 14.082-137.308 trứng/cá thể. Sức sinh sản tương đối của cá 393±92 trứng/g cá cái với khối lượng thân dao động 80,47-201,97 g/cá thể. Mối quan hệ hồi quy rất chặt chẽ đã được tìm thấy giữa sức sinh sản tuyệt đối và khối lượng thân cá theo phương trình F=0,4654W2,374(R²=0,9319).

 

Theo Chu Tiến Vĩnh và ctv. (1998), cá bạc má đánh bắt được ở vùng biển Việt Nam có chiều dài dao động 72- 280 mm, trung bình 209 mm. Chiều dài đánh bắt ở các vùng biển khác nhau cũng khác nhau, ở vùng biển Vũng Tàu 72-295 mm, Côn Đảo 62-260 mm. Vùng biển Phan Thiết 135-295 mm. Theo Bùi Lai và ctv. (1985), sinh trưởng của cá là sự gia tăng về kích thước và khối lượng cơ thể. Sự sinh trưởng này kéo dài suốt trong đời sống của cá và chậm dần khi cá đến giai đoạn già, kích thước và khối lượng cá càng lớn, cá càng nhiều tuổi. Tuy nhiên, trong suốt chu kỳ phát triển của cá, tốc độ sinh trưởng không đồng đều mà có sự  tăng nhanh hay chậm tùy thuộc vào từng giai đoạn. Cá sinh trưởng nhanh nhất trước khi thành thục, khi vào giai đoạn thành thục cá sinh trưởng chậm lại và đến giai đoạn sinh sản thì cá hầu như không sinh trưởng. 

Biến động các giai đoạn thành thục sinh dục của cá 

Giai đoạn thành thục của noãn sào tập trung vào các tháng 3, 4, 5, 6 và tháng 9,10, 11 với tỷ lệ giai đoạn IV vào tháng 3 (53,85%), tháng 4 (46,15%), tháng 5 (71,43%), tháng 6 (29,41%), tháng 9 (70,58%), tháng 10 (62,5%) và tháng 11 (40%). Kết quả nghiên cứu này cho thấy cá cái sinh sản từ tháng 3 đến tháng 6 và từ tháng 9 đến tháng 11, vì tần số xuất hiện noãn sào giai đoạn IV rất cao. Các khoảng thời gian còn lại trong năm (tháng 1, 2, 6, 7, 8 và tháng 12) chỉ bắt gặp noãn sào giai đoạn I, II và III.

 

Tần số xuất hiện giai đoạn IV của tinh sào kéo dài từ tháng 3 đến tháng 6 và từ tháng 9 đến tháng 11, cao nhất là tháng 4 (83,34%), kế đến là tháng 10 (70%), tháng 9 (60%) và tháng 11 (17,65%). Tỷ lệ tinh sào giai đoạn IV thấp nhất vào tháng 7 (7,14%) và 8 (10%)

Mùa vụ sinh sản của loài cá này phù hợp với điều kiện tự nhiên của vùng nghiên cứu, cá bạc má là loài ăn động vật và thực vật phù du, khi mùa mưa bắt đầu cũng là lúc nguồn thức ăn trong tự  nhiên phong phú nhất, cung cấp nguồn dinh dưỡng cho quá trình thành thục sinh dục của cá. 

Theo Mansor (1997), mùa vụ sinh sản của một số loài cá tầng mặt phân bố trong khu vực biển Đông nói chung chịu ảnh hưởng về độ sâu của mực nước biển, về  hiện tượng pha trộn các dòng chảy theo hướng Tây Bắc và Đông Nam, khi các dòng chảy pha trộn với nhau sẽ tạo nên các vùng nước trồi với thức ăn tự nhiên rất phong phú làm ảnh hưởng đến mùa vụ sinh sản các loài cá phân bố trong khu vực đó.

Đặc điểm phát triển tuyến sinh dục cá bạc má 

Cá bạc má phân bố dọc theo vùng ven bờ biển Việt Nam, ở độ sâu từ 12-100 m. Cá bạc má di cư theo kiểu thẳng đứng ngày đêm khá rõ. Sản lượng cá đánh bắt được bằng lưới kéo đáy cao nhất vào lúc bình minh và giữa trưa, còn lưới kéo tầng cao nhất từ 20 đến 24 giờ đêm. Mùa sinh sản tự nhiên của cá bạc má kéo dài từ cuối mùa khô (tháng 3) cho đến cuối mùa mưa (tháng 12) với hai đỉnh sinh sản tập trung  vào khoảng tháng 3-6 và tháng 9-10. Chiều dài thành thục sinh dục lần đầu dao động từ 140 mm đến 200 mm. Nhiệt độ nước biển bề mặt thích hợp cho cá sinh sản 26-17,50C và độ mặn 30-34 ppt. 

Nghiên cứu nhằm cung cấp thêm những thông tin mới về một số đặc điểm sinh học của đối tượng này làm cơ sở  khoa học cho khai thác, bảo tồn và phát triển nguồn lợi loài cá này ở địa phương.

Tìm kiếm