Cá Giống Trường Phát Cá Giống Trường Phát
Đặc điểm tuyến sinh dục của cá dìa

Đặc điểm tuyến sinh dục của cá dìa

Home Tin Tức Đặc điểm tuyến sinh dục của cá dìa
Đặc điểm tuyến sinh dục của cá dìa
15/11/2022
62 Lượt xem

Chia sẻ với:

Đặc điểm tuyến sinh dục của cá dìa

Việc hiểu biết quy luật phát triển của tuyến sinh dục của cá dìa trong chu kỳ sinh sản và ảnh hưởng của các yếu tố lên quá trình tạo giao tử là rất quan trọng cho công tác quản lý đàn cá bố mẹ.

Hiểu rõ về đặc điểm tuyến sinh dục của cá dìa (siganus guttatus Bloch, 1787) giúp người nuôi có thể dự báo và xây dựng chiến lược sản xuất giống nhân tạo thích hợp. Ngoài ra, việc can thiệp hay điều khiển các tác nhân bên ngoài như môi trường hay hormone ngoại sinh có thể góp phần đáng kể trong việc nâng cao tỷ lệ thành thục và tỷ lệ đẻ, phục vụ công tác sản xuất giống nhân tạo.

Kích thước đàn cá nghiên cứu bố mẹ

Cá dìa bố mẹ có chiều dài toàn thân (TL) dao động từ 19 – 34 cm. Chiều dài trung bình lớn nhất là 31,33 ± 1,87 cm và nhỏ nhất là 20,86 ± 1,68 cm. Khối lượng thân (BW) cá dao động từ 130 – 800 g. Khối lượng trung bình lớn nhất là 606,67 ± 104,04 g và nhỏ nhất là 154,29 ± 29,92 g. Trong thời gian nghiên cứu, kích thước đàn cá bố mẹ không thay đổi nhiều. 

Đối với cá dìa, cùng một thời gian và điều kiện sinh trưởng, cá cái thường có chiều dài và khối lượng tối đa lớn hơn cá đực. Tỷ lệ khối lượng trên chiều dài của cá cái thường lớn hơn cá đực. Điều này có thể nhận định rằng vào giai đoạn sinh sản cơ thể cá cái trong giai đoạn tích lũy, tích trữ năng lượng nên có xu hướng tăng lên về mặt khối lượng. 

 

Sự phát triển của buồng trứng trong chu kỳ sinh sản 

Vào mùa sinh sản, những chất dự trữ tích lũy ở các cơ quan được huy động để tổng hợp thành protein nuôi dưỡng các tế bào sinh dục phát triển, tức là nhu cầu dinh dưỡng và năng lượng cho quá trình thành thục và tạo giao tử ở cá tăng lên. Trong thời kỳ tạo giao tử, sự sinh trưởng của tuyến sinh dục tăng lên liên tục, trong khi đó sự sinh trưởng của tế bào sinh dưỡng hầu như dừng lại. Thậm chí sau khi cá ngừng ăn, nhưng tuyến sinh dục vẫn tiếp tục tích lũy lipid và protein. Vì vậy, trước khi bước vào thời kỳ sinh sản, cơ thể cá phải tích lũy năng lượng, chuẩn bị cho quá trình sinh sản. 

 

a: Buồng trứng giai đoạn II; b: Buồng trứng giai đoạn III; c: Buồng trứng giai đoạn IV; d: Buồng trứng giai đoạn V

Kết quả quan sát tổ chức buồng trứng ở giai đoạn II, ta nhận thấy noãn sào rỗng, vì các noãn bào đang trong quá trình sinh trưởng nguyên sinh chất, chưa đạt kích thước cực đại. Nằm chính giữa noãn bào là nhân với kích thước lớn và xung quanh là tế bào chất. 

Đối với giai đoạn III, ta thấy sự lớn lên của noãn bào gồm quá trình tăng thể tích nguyên sinh chất và quá trình tích lũy dinh dưỡng. Noãn sào gồm những noãn bào có chứa không bào, hạt noãn hoàng và những giọt mỡ. Nhân vẫn nằm ở tâm. 

Sang giai đoạn IV, cấu trúc noãn sào trở nên chặt chẽ hơn vì các noãn bào đã thành thục, đạt kích thước cực đại. Trong các noãn bào này, nhân bắt đầu di chuyển về cực động vật, noãn hoàng dồn về cực thực vật, màng nhân mờ và biến mất hoàn toàn. Bên cạnh đó, noãn sào còn có các noãn bào đang ở thời kỳ trước.

Bước vào giai đoạn V, buồng trứng to, kích thước noãn bào đạt cực đại, nhân di chuyển ra ngoại biên. Trứng chín là trứng có túi mầm tan biến và sự rụng trứng là sự tách và vỡ nang trứng để đẩy trứng ra ngoài, rơi vào xoang buồng trứng hoặc xoang thân. Các tế bào trứng trở nên trong suốt.

Sự phát triển của tinh sào trong chu kỳ sinh sản 

Sự phát triển tinh sào của cá dìa đực ở giai đoạn I, đặc trưng của giai đoạn này đó là tinh sào chỉ có tinh nguyên bào lớn riêng biệt nằm trong các bào nang, tinh bào chưa phát triển. Nhìn bên ngoài, tinh sào là những dải mỏng giống noãn sào ở giai đoạn I, chính vì thế rất khó để phân biệt đực cái. Giai đoạn này chỉ xuất hiện ở những cá thành thục lần đầu. Trong nghiên cứu này chưa tìm được giai đoạn này. 

 

A: Tinh sào giai đoạn II, B: Tinh sào giai đoạn III, C: Tinh sào giai đoạn IV, D: Tinh sào giai đoạn V. 1: Bào nang, 2: Tinh nguyên bào, 3: Tinh bào cấp I, 4: Tinh bào cấp II, 5: Tinh tử, 6: Mô liên kết, 7: Tinh trùng, 8: Tinh trùng được hòa loãng bởi tinh dịch

Bước sang giai đoạn II, Tinh sào tăng lên về kích thước, các tinh nguyên bào phân chia mạnh dẫn đến sự xuất hiện của các tinh bào thời kỳ I. Bên cạnh những tinh nguyên bào đang phân chia, trong tinh sào vẫn xuất hiện những tinh nguyên bào chưa phân chia. 

Khi quan sát tinh sào giai đoạn III, tinh sào tăng lên về mặt thể tích. Trong các ống sinh tinh có đầy đủ các bào nang chứa các tinh nguyên bào, tinh bào cấp I , cấp II, tinh tử. Khoảng trống giữa các ống tinh hẹp. Cuối giai đoạn này, trong tinh sào đã xuất hiện một số tinh trùng chín muồi. 

Đối với giai đoạn IV, kích thước tinh bào đạt tối đa. Tinh trùng chín xuất hiện trong các bào nang và có xu hướng đi ra khỏi bào nang. Các tinh nguyên bào lớn đang phân chia giảm nhiễm Ngoài ra lúc này, trong tinh sào còn có các tinh bào sơ cấp, tinh bào thứ cấp và các tinh tử nằm trên thành các ống sinh tinh dự trữ cho lần phát dục tiếp theo. 

Giai đoạn V, đây là giai đoạn tinh sào đang ở thời kỳ sinh sản. Tinh sào lúc này có màu trắng sữa. Bên trong ống sinh tinh chứa đầy các tế bào tinh trùng chín muồi. Bụng cá mềm, vuốt nhẹ sẽ thấy sẹ trắng chảy ra. Tinh dịch được tiết ra để hòa loãng tinh trùng. 

Đặc trưng của giai đoạn VI là ngay sau khi cá đực sinh sản, tinh sào giảm kích thước đáng kể do tinh trùng đã được phóng thích ra ngoài. Sau giai đoạn này, tinh sào sẽ trở về giai đoạn II. Các tinh tử ở giai đoạn cuối quá trình tạo tinh, tinh bào đang phân chia, các tinh bào sơ cấp, tinh bào thứ cấp được tìm thấy ở gần ống sinh tinh, chuẩn bị cho quá trình sinh sản tiếp theo. 

Tìm kiếm