Cá Giống Trường Phát Cá Giống Trường Phát
Đại sứ và tham tán thương mại với nhiệm vụ tìm kiếm và mở rộng thị trường

Đại sứ và tham tán thương mại với nhiệm vụ tìm kiếm và mở rộng thị trường

Home Tin Tức Đại sứ và tham tán thương mại với nhiệm vụ tìm kiếm và mở rộng thị trường
Đại sứ và tham tán thương mại với nhiệm vụ tìm kiếm và mở rộng thị trường
30/01/2014
42 Lượt xem

Chia sẻ với:

Đại sứ và tham tán thương mại với nhiệm vụ tìm kiếm và mở rộng thị trường

Các hội nghị tập trung đánh giá về những thành tựu đã đạt được trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế và đặt ra yêu cầu triển khai những biện pháp nâng cao hiệu quả công tác kinh tế đối ngoại, trong đó nhấn mạnh vai trò và nhiệm vụ của các đại sứ và tham tán thương mại trong nhiệm vụ thúc đẩy kinh tế đối ngoại và thu hút đầu tư cũng như tìm kiếm và phát triển thị trường. Trong từng hội nghị đều có sự tham gia và chỉ đạo của nhiều lãnh đạo cao cấp như Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và các bộ trưởng, thứ trưởng các bộ ngành tham gia.

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh nêu rõ: “Tích cực triển khai chủ trương kinh tế đối ngoại của Đảng và Chính phủ, nâng cao hiệu quả hội nhập quốc tế và kinh tế đối ngoại, thiết thực phục vụ cho tái cơ cấu kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng bền vững, mở rộng thụ trường nước ngoài cho XK, thu hút đầu tư trực tiếp từ nước ngoài vào Việt Nam”. Ông nhấn mạnh: “Bộ Ngoại giao sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương và các bộ, ngành liên quan kiện toàn bộ máy cơ quan đại diện tại nước ngoài, đảm bảo các cơ quan này phát huy tốt nhất vai trò là tai mắt của đất nước trong hội nhập quốc tế”.

Cơ quan đại diện với nhiệm vụ tìm kiếm và phát triển thị trường  mới

Phát biểu tại Hội nghị Tham tán Thương mại 2013, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đánh giá: “Năm 2014 tới là năm gần cuối kỳ của kế hoạch 5 năm nên rất quan trọng và hết sức khó khăn vì vậy cần phải có sự đột phá  và phải đổi mới manh mẽ hơn nữa  về chính sách, về tư duy nếu không chúng ta sẽ vẫn bị những khốn khó và những khuyết điểm mà năm nào cũng có ở các ngành kinh tế.

Các thương vụ có vai trò quan trọng trong mở thị trường, xúc tiến thương mại và làm cầu nối cho các DN. Những việc này còn có thể làm tốt và làm tốt hơn.

Các cán bộ thương vụ, các cơ quan đại diện phải là các nhà tư vấn chính sách cho Chính phủ, trước hết cho Bộ Công Thương về sự cần thiết  phải đổi mới tư duy, đổi mới cách suy nghĩ. Mặc dù không có tiền lệ, không sao chép của các nước, nhưng ít nhất cán bộ của ta phải nghiên cứu từ góc nhìn của người vừa hiểu sâu tình hình trong nước, đồng thời lại đứng chân trên thị trường nước ngoài để có thể đưa ra những tư vấn phù hợp.

Ví dụ về công ty nhà nước thì chúng ta cần phải tái cơ cấu như thế nào để giúp các DN, đương nhiên việc đề xuất phương án phải là người trong nước nhưng với vai trò của các quan đại diện ở nước ngoài và như một người có trách nhiệm tư vấn chính sách cho Bộ trưởng cho Chính phủ. Các cán bộ đại diện gồm tham tán và đại sứ, trước hết là những nhà kinh tế, những nhà chính trị và nhà ngoại giao đồng thời cũng phải là những nhà khoa học khi tư vấn chính sách cho Chính phủ, Bộ”.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại hội nghị (ảnh Internet)

Phó Thủ tướng cũng chia sẻ những trăn trở về những vấn đề còn chưa được giải quyết trong năm. Ông nói: “Chúng ta có quyền tự hào về những cái được nhưng cũng

phải nhìn nhận nghiêm túc trong 133,5 tỷ USD ước XK, tăng khoảng 15,6% so với năm 2912, thì có bao nhiêu trong đó thực tế là do các DN tự xúc tiến XK, ví dụ như Samsung, Intel….

Có bao nhiêu thứ lẽ ra phải làm được nhưng Việt Nam chúng ta đã làm không tốt. Ví dụ như cá tra, gần như chỉ có Việt Nam làm, nhưng tại sao lại để gặp khó? Và lúa gạo nữa! Hiện nay, Bộ Công Thương và Chính phủ đang phải vật lộn để làm quy hoạch các đầu mối XK trong nước. Liên kết giữa các tỉnh như thế nào? Liên kết giữa các nhà khoa học như thế nào? Có liên kết với các thị trường nước ngoài hay không? Như vậy, chúng ta thấy được phối hợp trong nước còn khó khăn như thế nào, mặc dù nó rất cần thiết. Cán bộ thương vụ ở nước ngoài không thể làm được gì, nếu không có sự phối hợp chặt chẽ ở trong nước khi làm nhiệm vụ cầu nối, vì cầu nối là phải có cả hai đầu. Các cán bộ thương vụ cũng phải bàn bạc kỹ về vấn đề này.  Ở đây (cá tra và lúa gạo) chúng ta thấy một nỗi đau không chỉ về mặt kinh tế mà nghĩ sâu xa về hình ảnh đất nước, tự mình không vượt qua được mình, tự mình làm hại sản phẩm của mình mà đứng đằng sau đó còn là cả nhiều triệu người nông dân. Rất mong muốn các cán bộ đại diện ở nước ngoài phải chung tiếng nói để thúc đẩy sự phối hợp trong nước”.

Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng nêu rõ các tham tán công sứ, tham tán thương mại phụ trách các thương vụ và chi nhánh thương vụ Việt Nam tại nước ngoài cần luôn quan tâm và phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, DN trong nước để khai phá và mở đường tiếp cận vào thị trường mới, nhằm thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ của Bộ Công Thương trong năm 2014, góp phần vào việc thực hiện thành công các mục tiêu trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của Chính phủ, trong đó mục tiêu tăng trưởng XK là một nhiệm vụ trọng yếu.

Trao đổi tại hội nghị, các tham tán thương mại đều cho rằng việc xúc tiến thương mại chỉ đạt hiệu quả cao khi các DN chủ động và tích cực cung cấp thông tin đầy đủ và kịp thời để quảng bá giới thiệu, đồng thời cũng cần nghiên cứu kỹ thông tin về thị trường muốn hợp tác và tích cực tham gia các hội chợ và triển lãm thương mại. Một vấn đề quan trong khác là các DN luôn phải đảm bảo sự ổn định về chất lượng và khả năng chung cấp hàng hóa của mình.

Nắm bắt cơ hội và thu hút đầu tư

Đại sứ Việt Nam tại thị trường lớn Nhật Bản, ông Đoàn Xuân Hưng, cho biết Việt Nam đang có cơ hội và đang trên đà thuận lợi thúc đẩy kinh tế đối ngoại với Nhật Bản: “Chỉ trong vòng hai năm 2012-2013, tổng vốn đầu tư trực tiếp của Nhật đăng ký vào Việt Nam đạt hơn 11 tỷ USD, trong khi cả 25 năm vừa qua mới được 33 tỷ USD. Về thương mại cũng rất tốt, đến nay đã đạt khoảng 25 tỷ USD, năm 2012 đạt 25 tỷ USD. Hy vọng sau ký kết Hiệp định xuyên Thái Bình Dương và hoàn tất cộng đồng kinh tế ASEAN, cơ hội thương mại giữa hai nước sẽ tăng lên rất nhiều”.

Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản Đoàn Xuân Hưng phát biểu tại Hội nghị ngoại giao thương mại 2013

Ông cho biết thêm: “Hiện nay, số lượng DN Nhật Bản đăng ký vào Việt Nam rất đông do tình hình quan hệ với nước láng giềng căng thẳng. Các DN Nhật Bản đã và đang làm ăn ở Trung Quốc ngại đầu tư tiếp còn người mới không muốn vào. Do vậy họ có xu hướng chuyển sang nước ta. Ngay cả Myanma, nhiều DN Nhật đổ xô vào, nhưng để có thể làm ăn ổn định thì cũng phải mất 4-5 năm vì vậy thời gian này chính là thời cơ tốt, nhưng không dài đối với Việt Nam. Chúng ta phải chuẩn bị sẵn sàng để tranh thủ khoản đầu tư của DN Nhật Bản”.

Đại sứ Đoàn Xuân Hưng cũng lưu ý rằng người Nhật Bản rất tôn trọng lòng tin, Việt Nam cũng cần có sự tin cậy vì vậy nếu các địa phương, các tổ chức đã có cam kết, có thể cam ít nhưng phải tích cực và quyết liệt thực hiện bằng được. Đại sứ và các cán bộ đại diện sẽ rất mất uy tín nếu địa phương nào để xảy ra tình trạng thất hứa.

Hiện nay Việt Nam đang có cơ hội rất lớn trong hợp tác nông nghiệp với Nhật Bản. Họ sẵn sàng hợp tác toàn diện trong vấn đề nông nghiệp. Nếu Việt Nam làm nên những thay đổi lớn trong nông nghiệp thì đất nước sẽ có sự ổn định và an ninh chính trị vững bền hơn, tạo điều kiện cho công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước mạnh mẽ. Đại sứ đề nghị tổ chức một hội nghị ngoại giao thương mại chung nhằm thúc đẩy kinh tế đối ngoại khu vực, trước mắt là cụm Đông Bắc Á, gồm Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan và Hồng Kông, đây là cụm có ý nghĩa rất cụ thể về kinh tế đối ngoại đối với Việt Nam.

Trên địa bàn thị trường Liên minh châu Âu (EU), đại sứ Phạm Sanh Châu đề nghị phải có những đột phá mới. Ông nói: “EU là một đối tác rất quan trọng đối với sự phát triển của Việt Nam bởi EU là một thị trường lớn nhất, với 16.600 tỷ USD, thứ 2 là Mỹ và sau đó rất xa mới là Trung Quốc. Việc cấp thiết hiện nay là Việt Nam phải kết thúc đàm phán và ký kết FTA với EU trong năm 2014. Đây là cơ hội cuối cùng đối với chúng ta, nếu không ta phải đợi đến năm 2018. Năm sau (2014) vào tháng 11, Chính phủ EU sẽ thay đổi và không có sự tái nhiệm nữa. “Dấu ấn” ViệtNam  sẽ không còn và bộ máy chính quyền mới sẽ tiếp cận với chúng ta từ đầu. Hiện nay, EU đang đàm trên 120 FTA, vì vậy năng lực và tài lực của EU đang bị cuốn vào các FTA này, nhưng vì coi trọng Việt Nam nên EU quyết định sẽ đầu tư và quyết tâm với Việt Nam”.

Ông Phạm Sanh Châu, đại sứ Việt Nam tại Bỉ và EU

Về nâng cao giá trị thương mại, ông cho rằng chúng ta phải đổi mới và quyết liệt đổi mới công nghệ, trong đó áp dụng công nghệ cao trong nông nghiệp là vấn đề cần thiết nhất ở giai đoạn này. Về tận dụng nguồn ODA (Hỗ trợ Phát triển Chính thức) từ EU, ông cho biết trong khi các nước khác đang giảm ODA với Việt Nam, thì riêng Liên minh châu Âu lại tiếp tục tăng ODA cho Việt Nam trong giai đoạn 2014-2020. Hiện nay EU  sẵn sàng cân nhắc và xem xét tăng đầu tư vào cơ sở hạ tầng. Vì vậy ta phải chuẩn bị để tận dụng đầu tư ở những mục tiêu mà ta mong muốn. Ông cũng kiến nghị rằng hiện nay nhiều địa phương đang đẩy mạnh xúc tiến đầu tư, nên đã xuất hiện sự cạnh tranh trong khi nguồn lực phía bạn có hạn. Vì thế, chính phủ cần có một cơ chế tổng thể để có thể phân bổ hợp lý cho các đối tác và lựa chọn tỉnh để ưu tiên.

Phối hợp đấu tranh với những rào cản thương mại

Ông Nguyễn Hải Tịnh - Tham tán thương mại tại Hà Lan phát biểu:“Giúp phát hiện và cảnh báo các rào cản thương mại và các biện pháp hạn chế NK mà nước ngoài đang và có thể áp dụng đối với hàng NK, trong đó có hàng của Việt Nam. Đề xuất kịp thời các biện pháp xử lý kịp thời hoặc đưa ra kiến nghị cần thiết để tháo rỡ rào cản. Tham gia đàm phán với nước sở tại để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho hàng hóa Việt Nam thâm nhập thị trường. Điều tra tư cách pháp nhân các đối tác và hỗ trợ giải quyết tranh chấp, giúp các đoàn trong nước sang đàm phán và nghiên cứu thị trường”.

Tham tán thương mại tại Hà Lan Nguyễn Hải Tịnh

Tham tán công sứ tại Nhật Bản Nguyễn Trung Dũng cho biết, các cơ quan chức năng của Nhật đang xem xét nâng mức dư lượng ethoxyquin trong tôm NK từ Việt Nam từ 0,01ppm lên 0,2ppm. Đây là kết quả đấu tranh bền bỉ có sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan quản lý chức năng và cơ quan đại diện Việt Nam ở Nhật Bản cùng các DN Việt Nam. Hiện chưa có quyết định cuối cùng, vì vậy ViệtNam cần tiếp tục theo dõi và thúc đẩy. Ông Dũng cho rằng các cơ quan quản lý Việt Nam và các DN cần phải tiếp tục có các biện pháp quản lý tốt chất lượng sản phẩm XK - biện pháp căn bản để đấu tranh có hiệu quả.

Ông Nguyễn Trung Dũng, Tham tán Công sứ tại Nhật Bản

Đứng chân trên địa bàn thị trường rộng lớn và sôi động nhất là Mỹ, ông Đào Trần Nhân - tham tán Công sứ tại Hoa Kỳ - đã có sự chia sẻ rất toàn diện và cụ thể tại Hội nghị Ngoại giao 28 về tiềm năng và thách thức của thị trường, trong đó vấn đề tranh chấp thương mại. Mỹ là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam nhưng cũng có nhiều tranh chấp lớn. Mỹ sử dụng rất tích cực nhiều công cụ làm rào cản thương mại, trong đó có rào cản kỹ thuật về vệ sinh ATTP, bao  bì, nhãn mác; các biện pháp phòng vệ bằng thuế quan như thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp để gây cản trở đối với NK các mặt hàng của Việt Nam, nhất là con tôm và cá tra.

Ông Đào Trần Nhân nêu thí dụ cụ thể: “Các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài nói chung và thương vụ nói riêng phải là cơ quan đại diện cho quyền lợi của Nhà nước Việt Nam của các DN Việt Nam, kiên quyết đấu tranh, vận động, kể cả vận động hành lang giành lấy quyền được tham gia, quyền được xây dựng các qui tác và luật lệ chung có lợi cho lợi ích quốc gia cho dân tộc Việt Nam. Ví dụ như Chương trình giám sát cá da trơn trong Dự luật Nông trại 2008 (Farm Bill 2008) của Mỹ. Để bảo hộ người nuôi cá tại các bang nuôi trồng thủy sản lớn của Mỹ, các nhóm lợi ích đã vận động Chính phủ Mỹ đưa Chương trình giám sát cá da trơn vào Dự luật Nông trại và chuyển việc giám sát cá da trơn đang do Cục quản lý Thực Phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) quản lý về cho Bộ Nông nghiệp Mỹ. Bộ Nông nghiệp Mỹ đã đưa ngay tiêu chuẩn mới gọi là “Tiêu chuẩn tương đồng” áp dụng cho tất cả các khâu từ nuôi trồng đến chế biến và XK cá da trơn trong đó có cá tra và basa của Việt Nam XK sang Mỹ. Tiêu chuẩn này thực chất là hàng rào kỹ thuật để ngăn cản các nước XK cá da trơn vào Mỹ. [...]. Nhận thức rõ điều này, trong quá trình phía Mỹ xây dựng dựng Dự luật Nông trại 2008, chúng ta đã kiên quyết đấu tranh bác bỏ Chương trình giám sát cá da trơn của Mỹ, đòi phía Mỹ phải đưa việc giám sát cá da trơn trở về cho cơ quan FDA của Mỹ quản lý như trước đây."

Ông Đào Trần Nhân, Tham tán công sứ Việt Nam tại Mỹ

Tại nhiều cuộc tiếp xúc cấp cao với các quan chức các bộ ngành của Mỹ như Bộ Ngoại giao, Bộ Thương mại và Đại diện Thương mại, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nhiều lần trực tiếp nêu ý kiến phản đối của Chính phủ Việt Nam đối với Chương trình giám sát cá da trơn của Mỹ. Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh và Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng cũng đã gửi công hàm cho hàng loạt các quan chức cao cấp ở các bộ, ngành của Mỹ và các nghị sĩ quốc hội Mỹ, nêu rõ Chương trình giám sát cá da trơn thực chất là hàng rào bảo hộ trá hình của Mỹ, không có luận cứ khoa học, vi phạm các quy định của WTO về tự do thương mại, khẳng định Việt Nam có thể sẽ áp dụng biện pháp trả đũa đối với hàng nông sản XK của Mỹ vào Việt Nam, nếu phía Mỹ vẫn khăng khăng đưa vào thực hiện Chương trình giám sát cá da trơn.

Đại sứ nước ta tại Mỹ Nguyễn Quốc Cường đã viết bài trên một số báo lớn của Mỹ để kêu gọi dư luận Mỹ, Đại sứ quán và thương vụ cung cấp thông tin cho các phóng viên của Mỹ viết tin, bài bình luận có lợi cho ta trên các báo Mỹ, vận động các đại sứ của các nước có chung quyền lợi XK da trơn vào Mỹ như Thái Lan, Inđônêxia viết thư gửi chính phủ và quốc hội Mỹ.

"Mỹ là thị trường NK lớn nhất mặt hàng tôm, cá tra, cá ngừ của Việt Nam; ngành thủy sản Việt Nam hiện nay đang nuôi sống hàng triệu lao động từ đánh bắt, nuôi trồng và chế biến đến XK, do vậy ý nghĩa xã hội, ý nghĩa an ninh chính trị của hai mặt hàng tôm, cá đối với chúng ta là không hề nhỏ. Trước đây có quan điểm cho rằng tại sao với Mỹ ta cứ suốt ngày nói chuyện tôm cá, chỉ cần xây dựng quan hệ đối tác chiến lược với Mỹ thì tự nhiên phía Mỹ sẽ tự động từ bỏ hết các vụ kiện tôm, cá với ta. Thương vụ không thống nhất với quan điểm này. Chúng tôi cho rằng nhiệm vụ trọng tâm của cơ quan đại diện và thương vụ là phải bảo vệ quyền lợi chính đáng cả trước mắt và lâu dài, bảo vệ DN, góp phần tăng nhanh XK”- ông Đào Trần Nhân khẳng định.

Thái Phương tổng hợp

Tìm kiếm