14/01/2014
34 Lượt xem
Chia sẻ với:
Đẩy mạnh hợp tác nông nghiệp Việt Nam - Châu Phi
Nhận định này được đưa ra Diễn đàn đối tác phát triển hợp tác Nam – Nam về nông sản chế biến tổ chức tại TP.HCM hôm qua (9.1.2014).
Theo báo cáo tại diễn đàn, mối quan hệ thương mại giữa Việt Nam và châu Phi đang tăng nhanh theo từng năm. Đặc biệt đối với khu vực các nước thành viên thuộc cộng đồng kinh tế và tiền tệ Trung Phi (CEMAC) và Liên minh kinh tế và tiền tệ Tây Phi (UEMOA).
Các mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam sang 2 thị trường này là gạo và sản phẩm dệt may, thủy hải sản. Nhập khẩu chủ yếu là hạt điều, các sản phẩm gỗ, bông, sắt thép phế liệu. Trong 9 tháng đầu năm 2013 trao đổi thương mại giữa Việt Nam và các nước thuộc CEMAC đạt trên 235 triệu USD, trong đó Việt Nam xuất khẩu 126 triệu USD và nhập khẩu 109,5 triệu USD. Với UEMOA trao đổi thương mại đạt trên 708 triệu USD, trong đó xuất khẩu là 316 triệu USD và nhập khẩu là gần 393 triệu USD.
Ông Hoàng Đức Nhuận- Trưởng phòng Vụ Châu Phi, Tây Á, Nam Á – Bộ Công Thương cho biết : “Với dân số hơn 1 tỷ người, nhu cầu nhập khẩu các nước châu phi rất là đa dạng, nhất là các mặt hàng nông nghiệp như gạo, hồ tiêu, thủy hải sản. Hơn nữa các tiêu chuẩn nhập khẩu vào thị trường này cũng không quá khắt khe nên đây là cơ hội tốt cho các doanh nghiệp nước ta”.
Nhiều doanh nghiệp chế tạo các thiết bị nông nghiệp cũng rất hào hứng với thị trường tiềm năng này. Ông Trần Nhật Sang- Giám đốc Công ty Cao Phát chia sẻ: “ Châu Phi là nơi sản xuất hạt điều lớn nhất thế giới, nhưng máy móc của họ lại rất thô sơ, lạc hậu vì thế họ sẽ có nhu cầu rất lớn đối với các sản phẩm máy móc giúp nâng cao năng suất và đây là cơ hội cho chúng tôi”.
Các doanh nghiệp đến từ nhiều nước châu Phi có mặt tại diễn đàn cũng bày tỏ mong muốn thiết lập mối quan hệ làm ăn với các doanh nghiệp Việt Nam. Ngoài việc hợp tác kinh doanh, các doanh nghiệp châu Phi cũng bày tỏ mong muốn được trao đổi kinh nghiệm với các doanh nghiệp Việt Nam trong sản xuất, chế biến và bảo quản và nâng cao chất lượng các sản phẩm nông nghiệp.
Theo Dân Việt