Trong 5 tháng đầu năm nay, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản như Thuận Phước, Nam Việt, Sao Ta, Sông Tiền… đã ghi nhận tín hiệu tích cực trong xuất khẩu. Trong đó Thực phẩm Sao Ta đạt doanh số 5 tháng đầu năm khoảng 75 triệu USD, tăng 32% so với cùng kỳ, Thuận Phước ghi nhận tăng khoảng 25% doanh thu so với cùng kỳ, còn Vĩnh Hoàn doanh số tăng tới 61%…
Bà Nguyễn Thị Ánh - Giám đốc Công ty Thủy sản Sông Tiền (SOTICO) - chia sẻ, so với năm 2020 các đơn hàng xuất khẩu của SOTICO đã cải thiện đáng kể. Đáng mừng hơn là các thị trường truyền thống như EU, Trung Quốc đều có tín hiệu tốt hơn sau khi các quốc gia này mở rộng tiêm chủng vắc xin Covid-19 cho người dân.
“Mặc dù đơn hàng tăng nhưng chúng tôi lại phải đối mặt với làn sóng dịch mới nên buộc phải chia ca hoạt động để đảm bảo an toàn chống dịch. Việc này dẫn tới hiệu quả sản xuất bị chậm lại, ảnh hưởng tới quá trình giao hàng, đó là chưa kể nguy cơ lây nhiễm sẽ khó tránh khỏi nếu xuất hiện ca F0, F1… trong nhà máy. Với những áp lực này, chúng tôi đang chủ động liên hệ với doanh nghiệp cung ứng vắc xin Covid-19 để tìm nguồn tiêm cho công nhân” - bà Ánh cho biết.
Cũng như SOTICO, bà Nguyễn Thị Thủy - Giám đốc Kinh doanh Công ty CP Nam Việt - cho biết, công ty hiện có 6.000 công nhân hoạt động tại các nhà máy ở Cần Thơ, An Giang. Để đảm bảo an toàn sản xuất và sức khỏe cho người lao động, lãnh đạo công ty đã thường xuyên khích lệ và yêu cầu họ thực hiện đúng các quy định 5K của Bộ Y tế, đồng thời thực hiện giãn cách trong nhà máy cho công nhân. Tuy vậy, đây chỉ là giải pháp tình thế nên Nam Việt đang trông chờ sự hỗ trợ của Chính phủ trong việc tiếp cận nguồn vắc xin Covid-19 nhanh chóng.
Mong muốn của hai doanh nghiệp nói trên cũng là ý kiến chung của nhiều doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản hiện nay. Bởi lẽ theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), toàn ngành thủy sản Việt Nam có hơn 4 triệu lao động trên toàn chuỗi, riêng khu vực chế biến là hàng trăm ngàn lao động, tập trung phần lớn tại đồng bằng sông Cửu Long, Nam bộ và Nam Trung bộ. Nhiều nhà máy sử dụng từ 500 - 3.000 người, một số nhà máy lớn sử dụng 5.000 - 10.000 lao động, mật độ lao động cao. Trong 3 năm trở lại đây, ngành thủy sản đã góp phần đảm bảo việc làm và sinh kế cho nông-ngư dân tại nhiều địa phương, đóng góp quan trọng về kim ngạch xuất khẩu của đất nước với khoảng 8,5 - 8,8 tỷ USD/năm. Song hiện nay với diễn biến khó lường của dịch bệnh Covid-19 đã ảnh hưởng nặng tới hoạt động của doanh nghiệp, đặc biệt tại các khu công nghiệp và các nhà máy có sử dụng nhiều lao động.
“Thế giới đánh giá Việt Nam là quốc gia điển hình về thành công trong phòng chống dịch và giữ vững sản xuất ổn định. Tuy nhiên, nếu chúng ta không tiếp tục duy trì được điều này, thành quả của cả hệ thống chính trị, của nền kinh tế, của doanh nghiệp và người lao động sẽ có nguy cơ bị phá vỡ. Khi một doanh nghiệp chỉ cần bị giãn cách, cách ly không sản xuất từ 14-21 ngày thì coi như kế hoạch sản xuất, kinh doanh một năm tan vỡ, hậu quả vô cùng to lớn. Doanh nghiệp đứng trước nguy cơ đóng cửa, phá sản và người lao động bị mất việc làm. Nếu rủi ro, thiệt hại toàn ngành có thể lên tới hàng tỷ USD và ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình kinh tế cũng như uy tín ngành hàng của Việt Nam”- VASEP phân tích.
Trong bối cảnh đó, cuối tháng 5 vừa qua, VASEP đã gửi công văn đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép VASEP - đại diện cho các doanh nghiệp thủy sản thành viên được đăng ký mua 500.000 liều vắc xin Covid-19 mà Chính phủ đang đặt mua theo kế hoạch, chương trình của Chính phủ. Toàn bộ chi phí mua 500.000 liều vắc xin Covid-19 và tổ chức tiêm, Hiệp hội cùng các doanh nghiệp thành viên sẽ chủ động đóng góp đầy đủ ngay theo kế hoạch của Chính phủ.