Xác định vụ lúa trên đất nuôi tôm là mô hình sản xuất bền vững, vụ mùa năm nay, bà con nông dân huyện Cái Nước tiếp tục duy trì sản xuất mô hình này. Theo đó, việc sản xuất thí điểm giống lúa chất lượng cao được bà con chú trọng.
Vụ mùa năm nay, huyện Cái Nước đề ra chỉ tiêu gieo cấy vụ lúa trên đất nuôi tôm là 500 ha, tập trung ở các xã sản xuất lúa - tôm trọng điểm như: Thạnh Phú, Phú Hưng, Hưng Mỹ và Hoà Mỹ. Ðến nay, có hơn 400 hộ dân đăng ký với chính quyền địa phương sản xuất vụ lúa trên đất nuôi tôm với diện tích hơn 500 ha.
Bà con nông dân hiện đang khẩn trương rửa mặn, xuống giống vụ lúa tôm theo lịch thời vụ được ngành chuyên môn khuyến cáo. Ðiểm mới trong sản xuất vụ lúa tôm năm nay, nhiều hộ dân xã Phú Hưng tích cực cải tạo đất, sên vét đất bùn trên kênh mương đổ lên bề mặt vuông tôm để kênh mương thông thoáng, giúp khâu lấy nước phục vụ sản xuất được dễ dàng; đồng thời tạo lớp đất bùn trên bề mặt vuông tôm do không có điều kiện cày xới. Cách làm này sẽ giúp cây lúa phát triển nhanh, đẻ nhánh sớm sau khi gieo sạ. Ông Châu Hồng Thập (ấp Phú Thạnh, xã Phú Hưng) cho biết: “Trước khi bước vào vụ lúa - tôm, tôi huy động các thành viên trong gia đình sên vét kênh mương đổ lên ruộng và khoả bằng, giúp khâu rửa mặn được dễ dàng, thuận lợi và cây lúa sau khi gieo sạ phát triển tốt hơn so với những nơi không sên vét”.
Cùng với việc hướng dẫn bà con đẩy nhanh tiến độ cải tạo đất và rửa mặn để xuống giống vụ lúa trên đất tôm, huyện còn hỗ trợ bà con nông dân 2 tấn lúa giống ST25 để sản xuất thí điểm 20 ha tại 2 xã Thạnh Phú và Phú Hưng. Ðây là giống lúa nhóm A, có thời gian sinh trưởng trên dưới 100 ngày, đạt tiêu chuẩn xuất khẩu và thích nghi với vùng đất nhiễm mặn. Qua đó khuyến khích bà con nông dân thay đổi cơ cấu giống lúa, từng bước nâng cao chất lượng và hiệu quả mô hình sản xuất lúa - tôm.
Việc thí điểm này được bà con nông dân tích cực hưởng ứng. Ông Nguyễn Văn Mol, Tổ trưởng Tổ hợp tác sản xuất Bào Sơn (ấp Láng Cùng, xã Thạnh Phú) vui mừng cho biết: “Năm nào nông dân nơi đây cũng duy trì sản xuất vụ lúa - tôm, chủ yếu sử dụng giống OM 5451 hoặc OM 18. Nhưng năm nay được ngành chuyên môn huyện đầu tư sản xuất thí điểm giống lúa ST25, giống này bà con nông dân vùng trên sản xuất rất hiệu quả, cho năng suất cao, gạo ngon cơm và đạt tiêu chuẩn xuất khẩu, nên giá bán trên thị trường cao hơn so với những giống lúa thông thường. Do đây là lần đầu tiên gieo trồng giống lúa chất lượng cao, tổ tuyên truyền đến các thành viên phải rửa mặn thật kỹ mới tiến hành xuống giống, đảm bảo sản xuất thành công mô hình thí điểm giống lúa mới”.
Ông Nguyễn Văn Dũng, Trưởng ấp Phú Thạnh, xã Phú Hưng, cho biết: “Vụ lúa - tôm là mô hình sản xuất bền vững, năm nay bà con nông dân nơi đây tiếp tục duy trì. Ðể nâng cao hiệu quả mô hình, địa phương tuyên truyền bà con nông dân gieo sạ đồng loạt để tiết kiệm chi phí bơm tát nước, hạn chế rủi ro, thiệt hại do chim, chuột và có thể đưa cơ giới vào thu hoạch dễ dàng hơn”.
Thực tiễn nhiều năm cho thấy, sản xuất lúa tôm kết hợp là mô hình hiệu quả và mang tính bền vững, nơi nào làm tốt khâu rửa mặn, thời tiết thuận lợi thì sẽ đạt hiệu quả cao. Vì vậy, việc duy trì sản xuất vụ lúa trên đất nuôi tôm, gắn với thực hiện thí điểm giống lúa chất lượng cao trên vùng đất nhiễm mặn sẽ tạo bước đột phá, giúp nông dân nâng cao hiệu quả sản xuất trong những năm tiếp theo.