Cá Giống Trường Phát Cá Giống Trường Phát
Đực hóa cá xiêm bằng hormone 17α

Đực hóa cá xiêm bằng hormone 17α

Home Tin Tức Đực hóa cá xiêm bằng hormone 17α
Đực hóa cá xiêm bằng hormone 17α
07/12/2022
66 Lượt xem

Chia sẻ với:

Đực hóa cá xiêm bằng hormone 17α

Điều chỉnh giới tính vật nuôi thuỷ sản là một trong những hướng đi mới và ngày càng quan trọng trong việc quyết định năng suất và hiệu quả kinh tế của một số mô hình nuôi thuỷ sản.

Có nhiều phương pháp để chuyển đổi giới tính của vật nuôi thuỷ sản theo mong muốn của người nuôi, trong đó phải kể đến phương pháp sử dụng hormone sinh dục tác động lên quá trình biệt hoá giới tính ở giai đoạn nhỏ của đối tượng nuôi.  

Cá lia thia hay cá xiêm đá (Betta splendens) là một loài cá cảnh nước ngọt đặc trưng được nuôi làm cảnh hoặc giải trí thông qua hình thức chọi cá. Cá lia thia có hình thái đẹp và nhiều màu sắc sặc sỡ, đặc biệt là các con cá đực trưởng thành có tia vây lớn, dài và màu sắc tuyệt đẹp. Do đó, người nuôi thường chọn những con cá đực để nuôi làm cảnh và giải trí thông qua hình thức chọi cá, chính vì thế giá bán cá đực thường cao hơn nhiều so với cá cái. Trong sinh sản tự nhiên, cá lia thia có tỷ lệ đực: cái thông thường là 1:1. Để tăng tỷ lệ cá đực trong đàn, nhiều nghiên cứu đã tiến hành đực hóa bằng cách bổ sung hormone 17α - MethylTestosterone (17α - MT) vào trong thức ăn để tác động đến giới tính của cá. 

Nghiên cứu của Bùi Văn Mướp, trường đại học Tiền Giang cho thấy hormone 17α – MethylTestosterone có khả năng đực hóa cá lia thia và mang lại lợi ích kinh tế cho người nuôi. 

Cá xiêm (Betta splendens) 1 ngày tuổi được đực hóa bằng cách ngâm trong túi polyethylene chứa 17α-methyltestosterone (17α-MT) ở các nồng độ 2,5; 5,0 và 7,5 mg/L có bơm oxy (thể tích oxy:thể tích nước bằng 2:1), mật độ 150 con/L trong 4 giờ. Nguồn nước khi đưa vào xử lý hormone 17α-MT có pH là 8,20; nhiệt độ 28oC; NH4+ và NO2- đều bằng không. 

Môi trường nước là một trong những yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến sự sống và phát triển của thủy sinh vật. Các yếu tố môi trường trong thí nghiệm nhìn chung rất thuận lợi cho quá trình ương cá, các bể luôn được si phông và thay nước nên nguồn nước luôn được duy trì ở mức tốt. 

Kết quả cho thấy, tỷ lệ đực và đực hóa tăng khi tăng nồng độ hormone, với nồng độ 2,5 mg 17α-MT/L cá đạt tỷ lệ đực, tỷ lệ đực hóa là 88,89% và 78,26%. Nồng độ 5,0 mg 17α-MT/L và nồng độ 7,5 mg 17α-MT/L đạt tỷ lệ đực, tỷ lệ đực hóa là 100% và không khác biệt về tăng trưởng chiều dài và khối lượng của cá xiêm.

 

Khi dùng hormone để xử lý chuyển giới tính thì một số hormone sinh dục có độc tính. Khi chúng được dùng ở liều cao để đạt tỷ lệ giới tính kỳ vọng cao thì tỷ lệ sống của cá thí nghiệm lại thấp.  

Tỷ lệ sống 60 ngày sau khi nở là 54 - 89,89%, tỷ lệ sống giảm khi tăng nồng độ hormone 17α-MT trong nước ngâm. Kết quả cho thấy, nồng độ 2,5 mg 17α-MT/L là liều tối ưu để áp dụng chuyển đổi cá xiêm đực. 

Nồng độ 2,5 mg 17α-MT/L cá đạt tỷ lệ sống, hiệu suất đực hóa cao nhất là (86,22%, 76,81%). Với nhiều ưu điểm như đơn giản, chi phí thấp và có thể áp dụng ở mọi nơi nên có thể sản xuất cá xiêm đực bằng cách áp dụng phương pháp ngâm cá trong hormone 17α-MT với nồng độ 2,5 mg/L để đạt hiệu quả kinh tế tối ưu cho người nuôi. 

Kết quả từ nghiên cứu giúp chúng ta nhận định một số ảnh hưởng của phương pháp sử dụng hormone trong sản xuất cá đơn tính đồng thời có cái nhìn tích cực hơn đối với các sản phẩm có sử dụng hormone sinh dục nhất là đối với sản phẩm thuỷ sản. 

Tìm kiếm