Chia sẻ với:
Gia tăng giá trị sản phẩm để nâng cao lợi nhuận
Tình hình ngành thủy sản thế giới
Theo đánh giá của Globefish, trong năm 2013 tổng sản lượng thủy sản thế giới tiếp tục tăng, đạt khoảng 160 triệu tấn, trong đó sản lượng nuôi trồng vượt sản lượng đánh bắt; tiêu thụ trên đầu người bình quân đạt 20kg/năm. Mặc dù nguồn cung từ nuôi tăng nhưng số loài khai thác tự nhiên đưa vào làm thực phẩm trực tiếp cho con người nhiều hơn và sản xuất bột cá giảm.
Thương mại thủy sản tăng trưởng vừa phải cả về giá trị và khối lượng. Tình hình thị trường nói chung tiếp tục khó khăn, nhất là một số thị trường truyền thống ở các nước phát triển. Giá một số loài nuôi tăng nhẹ, chủ yếu do thiếu nguồn cung mà không phải do nhu cầu cao.
Chỉ số giá thủy sản của FAO cho thấy giá tiếp tục giữ ở mức cao, mặc dù đã giảm so với mức đỉnh hồi cuối năm 2012. Khó khăn về nguồn cung cá hồi nuôi và tôm nuôi đã đẩy giá lên nhưng giá các loài cá thịt trắng, cá ngừ và các loài cá nổi khác đều giảm. Các loài nuôi như cá chẽm giá xuống thấp do nguồn cung vượt xa so với nhu cầu trước mắt của thị trường.
Đánh giá triển vọng, Globefish cho rằng các thị trường thủy sản tiếp tục bị ảnh hưởng của sự bất ổn kinh tế ở các thị trường truyền thống. Tại Nhật Bản, đồng yên suy yếu đã khiến thủy sản NK đắt đỏ hơn; NK thủy sản các loại của Mỹ trong năm 2013 cũng chỉ tăng nhẹ gần 1% về khối lượng. Các nước đang phát triển có vẻ khả quan hơn do nhu cầu trong nước tăng.
Thuế NK vào các nước phát triển thường thấp hoặc bằng O, vì vậy, việc tiếp cận thị trường chủ yếu phụ thuộc vào khả năng đáp ứng các tiêu chuẩn bắt buộc của các nước NK; tuy nhiên điều này cũng rất khó khăn, do sự bùng nổ các tiêu chuẩn tự nguyện gắn với tính bền vững, khả năng truy xuất nguồn gốc và chứng nhận, những yếu tố này làm đội giá thành phẩm và mang lại rất ít lợi nhuận cho người sản xuất.
Tiêu thụ thủy sản của Trung Quốc sẽ tăng mạnh. Hiện nước này là nhà NK thủy sản lớn thứ tư thế giới (sau EU, Nhật và Mỹ) nhưng lại là quốc gia riêng rẽ XK thủy sản lớn nhất. Tiêu thụ tính trên đầu người dự kiến sẽ tăng lên mức 31/kg/năm.
EU-28 về lâu dài vẫn tiếp tục tăng trưởng và giữ vị trí là thị trường thủy sản số một thế giới, do dân số tăng và tiêu thụ ổn định ở mức 23kg/người/năm.
Mỹ sẽ tiếp tục tăng trưởng và vượt qua Nhật Bản, do dân số tăng và tiêu thụ ổn định. Còn Nhật Bản, về lâu dài tiêu thụ thủy sản sẽ giảm. TheoFelix Dent (FAO) NK thịt đang dần nhiều hơn so với NK thủy sản. Tiêu thụ thủy sản vẫn cao - 57kg/người/năm - nhưng đang giảm dần.
Một số thay đổi trên thị trường NK thủy sản Việt Nam
Đầu năm 2014 đã có hai sự kiện khá thuận lợi cho XK. Ngày 9/1/2014, Cơ quan quản lý An toàn thực phẩm và Kiểm dịch động thực vật Ucraina (SVPS) đã ra thông báo kết quả đợt thanh tra hồi tháng 12/2013 và chính thức cho phép 10 DN chế biến thủy sản được XK cá tra vào Ucraina. Tuy tiêu thụ không nhiều thủy sản của nước ta, nhưng Ucraina cũng là một đầu ra đáng quan tâm ở Đông Âu. Tiếp đó, ngày 21/1/2014, Bộ Y tế Lao động và Phúc lợi Nhật Bản đã thông báo chính thức nâng giới hạn dư lượng tối đa của ethoxyquin (chất chống oxy hóa sử dụng trong thức ăn tôm) trong tôm NK lên 0,2 ppm, tăng 20 lần so với mức 0,01ppm trước đó. Nhật Bản cũng đã quyết định dỡ bỏ quy định kiểm tra ethoxyquin đối với 100% lô tôm NK từ Việt
Tuy nhiên, mới đây Cơ quan Giám sát Nông nghiệp Nga (Rosselkhoznadzor) đã ra quyết định tạm ngưng NK một số mặt hàng thủy sản, trong đó có cá tra từ Việt
Bên cạnh đó, việc Mỹ thông qua Dự luật Nông trại với điều khoản chuyển thanh tra cá nheo từ Cơ quan quản lý Dược phẩm và Thực phẩm (FDA) sang Bộ Nông nghiệp, với dự kiến áp dụng toàn bộ quy trình kiểm soát ATTP trong chuỗi sản xuất cá tra tương tự như sản xuất cá nheo của Mỹ là trở ngại rất lớn cho ngành cá tra nước ta. Mới đây, chương trình Seafood Watch thuộc tổ chức Monterey Bay Aquarium cũng đang thực hiện những đánh giá về tác động môi trường để xếp hạng một số loài nuôi. Tôm sú và tôm thẻ chân trắng nuôi của ta cũng đang nằm trong diện bị “quan tâm” một cách tiêu cực.
Gia tăng giá trị để cải thiện giá và hạn chế rào cản chống bán phá giá
Với giá trị XK hơn 6,7 tỷ USD trong năm 2013, Việt Nam củng cố vững chắc hơn vị trí thứ 4 của mình trong top 10 nước XK thủy sản hàng đầu trên bản đồ thương mại thế giới.
Liên tiếp vượt qua những đỉnh cao về kim ngạch XK, có đóng góp lớn cho ngành nông nghiệp trong vai trò là bệ đỡ của nền kinh tế, nhưng ngành XK thủy sản vẫn đang đứng trước nhiều thách thức lớn trong cuộc cạnh tranh toàn cầu, về thị trường, chất lượng, giá thành và mẫu mã sản phẩm.
Xu hướng tiêu thụ thực phẩm thế giới đang chuyển mạnh sang các loại sản phẩm chế biến sẵn, tiện dụng, trong đó có nhiều sự đổi mới về bao bì, kích cỡ gói sản phẩm và cách thức sử dụng tối giản bên cạnh yêu cầu về nhãn mác bền vững. Khi ngày càng có nhiều nhà cung cấp mới khác trong khu vực như Ấn Độ, Bănglađét, Pakistan,… có các chủng loại hàng hóa tương tự Việt Nam, cũng XK dưới dạng nguyên liệu nhưng với giá rất cạnh tranh, DN ngành chế biến và XK thủy sản nước ta không thể tiếp tục chỉ tập trung gia tăng khối lượng, mà phải tăng cường tỷ trọng hàng chế biến GTGT.
Làn sóng nâng cấp cơ sở vật chất, áp dụng chương trình quản lý chất lượng quốc tế và đổi mới công nghệ cũng như phương thức quản lý trong ngành chế biến thủy sản trong những năm cuối 1997 - 2002 đã tạo ra một bước ngoặt về thị trường, về giá trị XK và sự thay đổi vượt bậc về trình độ sản xuất và chất lượng sản phẩm.Nhưng đến nay, tình hình và nhu cầu thị trường đã có rất nhiều biến chuyển. Để duy trì lợi nhuận và phát triển bền vững, ngành chế biến XK phải tạo nên một làn sóng mới về phát triển mặt hàng chế biến sẵn, GTGT mới có thể chạy đua hiệu quả trên thương trường quốc tế.
Hiện nay, thủy sản dạng nguyên liệu vẫn chiếm một tỷ trọng khá cao trong XK. Cụ thể, trong ba mặt hàng có giá trị XK cao nhất năm 2013 thì mặt hàng tôm thuộc mã HS 03 - tôm các loại tươi/sống/đông lạnh/khô - chiếm trên 67%, trong khi mã HS 1605 - tôm chế biến các loại - chỉ chiếm chưa đến 33%. Tỷ trọng XK cá tra chế biến chiếm phần rất không đáng kể, chỉ có hơn 0,6%, với 11 triệu USD so với 1,750 tỷ USD XK cá tra tươi/đông lạnh (chủ yếu là philê). Ngành cá ngừ đạt được tỷ lệ tốt nhất, nhưng cũng không quá bán, đó là 48% giá trị XK cá ngừ chế biến/52% giá trị XK cá dưới dạng nguyên liệu.
Thực tế, ngành chế biến và XK thủy sản chưa có một chiến lược riêng về đầu tư nghiên cứu phát triển sản phẩm, yếu tố rất quan trọng để tăng cường sản phẩm GTGT. Công việc này chủ yếu chỉ do một số ít DN tự triển khai, còn phần lớn vẫn thụ động đáp ứng theo đơn hàng và chạy theo xu hướng chung của thị trường.
Sản phẩm thủy sản Việt Nam rất dồi dào và phong phú, luôn đứng trong tốp 10 nhà XK thủy sản lớn nhất trên thị trường quốc tế, nhưng chưa tạo ra nét riêng biệt nổi bật cho quốc gia, như Thái Lan với các nhãn hiệu cá ngừ hộp và tôm; Philippin với cá ngừ tươi, đông lạnh và đồ hộp, Na Uy với cá hồi; Ôxtrâylia với bào ngư và tôm hùm đá, v.v...
Việc xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm XK chủ lực đã được các cơ quan nhà nước chủ trương triển khai từ nhiều năm nhưng chưa có kết quả. Tuy nhiên, các DN cũng không quá trông chờ vào nhà nước. Nhiều DN như Minh Phu Seafood Corp., Vinh Hoan Corp., Quoc Viet Co., Ltd, Stapimex, Agifish, Fimex, Thuan Phuoc Corp., Havico, Cafatex, Camimex, Sea Minh Hai, Havuco, Trung Son, Đại Thành, Godaco, Sotico, Highlandragon, Hai Nam Co., Ltd vv….đã tạo dựng được uy tín và thương hiệu riêng cho sản phẩm của mình trên các thị trường quốc tế
Trong tình trạng luôn thiếu nguyên liệu và giá lại cao, các DN đều xác định phải tổ chức lại và nâng cao năng lực sản xuất hàng GTGT, nhằm nâng cao giá sản phẩm, tránh lãng phí nguyên liệu và tạo nhiều cơ hội việc làm cho người dân, điều quan trọng nữa là nâng cao tính an toàn thực phẩm và hạn chế một phần rủi ro về chất lượng sản phẩm.
Vai trò của các ngành công nghiệp phụ trợ, tạo ra nguồn cung cấp ổn định, những sản phẩm như nước sốt, gia vị, bao bì, nhãn mác, phương thức bao gói,... chất lượng cao và giá thành hợp lý đang là một thách thức không nhỏ, vì cho đến nay vẫn phải nhập khẩu.
Việc tăng cường sản xuất sản phẩm GTGT đòi hỏi sự hỗ trợ và đồng hành của các cơ quan chức năng thuộc ngành thủy sản và Bộ Công Thương trong xúc tiến bán hàng và quảng bá sản phẩm. Công tác này phải được đổi mới để giúp DN tiếp cận được các hệ thống phân phối và bán lẻ tại các thị trường nhằm mở rộng đầu ra cho các sản phẩm chế biến sâu, gia tăng giá trị của nước ta, nhằm mang lại lợi nhuận hợp lý cho nhà chế biến XK và sau đó cho người sản xuất nguyên liệu.
Phương Mai