Cá Giống Trường Phát Cá Giống Trường Phát
Giải pháp bảo vệ thủy sản trong mùa nắng nóng

Giải pháp bảo vệ thủy sản trong mùa nắng nóng

Home Tin Tức Giải pháp bảo vệ thủy sản trong mùa nắng nóng
Giải pháp bảo vệ thủy sản trong mùa nắng nóng
04/06/2021
37 Lượt xem

Chia sẻ với:

Giải pháp bảo vệ thủy sản trong mùa nắng nóng

Nhằm ứng phó kịp thời trước tác động của thời tiết, hạn chế đến mức thấp nhất rủi ro trong nuôi trồng thủy sản (NTTS), ngành nông nghiệp, các địa phương và các hộ nuôi trên địa bàn tỉnh đang chủ động thực hiện nhiều biện pháp chăm sóc, bảo vệ các đối tượng thủy sản nuôi, nâng cao hiệu quả sản xuất.

Từ tháng 04/2021 đến nay, thời tiết diễn biến phức tạp, xuất hiện đợt nắng nóng cao kết hợp với mưa dông làm ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng, phát triển của các đối tượng thủy sản nuôi.

Ngày 06/04/2021, trên địa bàn xã Quảng Nham (Quảng Xương) đã xảy ra hiện tượng tôm thẻ chân trắng thả nuôi 1 tháng tuổi bị chết với diện tích 3 ha, số lượng tôm chết khoảng 10 triệu con. Hiện tượng này đã gây ảnh hưởng đến năng suất và sản lượng nuôi thủy sản nói chung cũng như làm thiệt hại lớn đến kinh tế của người nuôi.

Trước tình hình trên, để ứng phó kịp thời với diễn biến bất thường của thời tiết, các hộ NTTS trên địa bàn tỉnh đang thực hiện các giải pháp để bảo vệ thủy sản nuôi trong mùa nắng nóng. Rút kinh nghiệm từ những vụ nuôi trước, mỗi khi bước vào vụ mới, anh Nguyễn Đình Thiện, xã Hoằng Yến (Hoằng Hóa) chú trọng khâu cải tạo ao đầm, xử lý nguồn nước để chủ động nguồn nước sạch trước khi cho vào ao nuôi.

Anh Thiện cho biết: Vụ xuân hè này, anh đã đầu tư xây dựng 7 ao nuôi tôm công nghiệp, với tổng diện tích 3 ha. Đến nay, anh đã thả được 4 triệu con giống tôm thẻ chân trắng. Trong quá trình nuôi, anh luôn duy trì mực nước hợp lý trong ao để hạn chế những bất lợi do nắng nóng gây ra và thường xuyên kiểm tra ao nuôi để kịp thời điều chỉnh các thông số môi trường cho phù hợp.

Đồng thời, cho ăn với khẩu phần và chế độ ăn hợp lý theo kích cỡ, mật độ tôm nuôi giảm 15 - 30% lượng thức ăn trong những ngày nắng nóng. Định kỳ 10 - 15 ngày/lần bổ sung vitamin C, khoáng vi lượng. Sử dụng men tiêu hóa trộn vào thức ăn, thời gian mỗi đợt từ 5 - 7 ngày để tăng cường sức đề kháng, giúp tôm lột xác đồng loạt và nhanh cứng vỏ. Sử dụng các loại chế phẩm sinh học định kỳ 10 - 15 ngày/lần để xử lý nước và đáy ao nuôi, lượng dùng theo hướng dẫn của nhà sản xuất. Duy trì ổn định pH trong giới hạn cho phép bằng vôi bột với liều lượng 1,5 - 2 kg/100m3 nước (hòa nước tạt đều khắp ao). Định kỳ 2 tuần/lần rải vôi xung quanh bờ ao để ngăn nước mưa mang phèn và chất bẩn từ trên bờ ao xuống, nhất là các ngày có mưa dông. Nâng cao mực nước ao nuôi để giảm biến động nhiệt độ nước, sau mưa có thể tháo bớt nước tầng mặt tránh cho tôm bị sốc do PH thay đổi đột ngột.

Do ảnh hưởng dịch bệnh xảy ra vào hồi tháng 03/2021 khiến một số diện tích ngao nuôi ở huyện Quảng Xương và thị xã Nghi Sơn bị chết, các hộ nuôi ngao tại các vùng triều đã tập trung xử lý môi trường, cải tạo bãi nuôi đảm bảo các tiêu chuẩn cho ngao sinh trưởng và phát triển.

Ngao giống được chọn từ cơ sở uy tín, sạch bệnh, có kiểm dịch theo quy định. Đến hết tháng 05/2021, các hộ nuôi ngao ở các bãi triều của các huyện Hậu Lộc, Quảng Xương và thị xã Nghi Sơn đã thả nuôi được hơn 1.100 ha ngao giống. Các hộ nuôi tuân thủ mật độ thả ngao theo khuyến cáo của Chi cục Thủy sản, duy trì mật độ thả 180 - 200 con/m2 đối với cỡ giống thả nuôi 400 - 600 con/kg; dưới 250 con/m2 đối với cỡ nuôi từ 500 - 800 con/kg; 250 - 350 con/m2 đối với cỡ giống từ 800 - 2.000 con/kg.

Hiện các hộ nuôi đang chủ động theo dõi biến động của thời tiết và môi trường nước (nhiệt độ, độ mặn...), mật độ và tình trạng sức khỏe của ngao nuôi nhằm sớm phát hiện các biến động bất thường để có giải pháp xử lý kịp thời. Thực hiện san phẳng mặt bãi ngao nuôi, hạn chế để xuất hiện các vũng nước đọng lại trên bãi nuôi ngao, tránh hiện tượng đọng nước cục bộ. Kiểm tra bãi nuôi thường xuyên và vệ sinh bãi nuôi, giảm thiểu mùn và hữu cơ để ngăn ngừa sự phát triển dịch hại. Đối với diện tích nuôi ngao đạt kích cỡ thương phẩm tiến hành thu hoạch để giảm bớt mật độ nuôi; san thưa mật độ ngao dồn vào chân vây, vệ sinh vây, lưới tạo độ thông thoáng cho nước triều lên xuống cung cấp nguồn thức ăn cho ngao.

 Ông Nguyễn Xuân Hưng, Trưởng Phòng NTTS, Chi cục Thủy sản, cho biết: Nhằm hạn chế tác động của thời tiết đến sức khỏe các đối tượng thủy sản, người NTTS phải thường xuyên theo dõi diễn biến thời tiết trên các phương tiện thông tin đại chúng để chủ động các biện pháp quản lý môi trường, phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe các đối tượng thủy sản.

Tăng cường quản lý, giám sát chặt chẽ vùng, cơ sở nuôi. Khuyến cáo người dân không nên NTTS tại những nơi nguồn nước không đảm bảo chất lượng. Thả giống với mật độ phù hợp và chăm sóc đúng kỹ thuật để hạn chế thiệt hại do nắng nóng và các hiện tượng thời tiết bất thường gây ra.

Đối với diện tích nuôi tôm, cá, để hạn chế nắng nóng, người nuôi sử dụng lưới đen che phủ 2/3 diện tích mặt ao đảm bảo cao hơn mặt nước trên 2m theo hình mái chóp hoặc mái bằng cố định, những ao nuôi nước ngọt có thể thả bèo tây chiếm 1/3 diện tích mặt ao làm chỗ trú nắng cho cá, tăng cường sục khí, quạt nước, sử dụng chế phẩm vi sinh, men tiêu hóa, vitamin C, chất khoáng trộn vào thức ăn và vãi trực tiếp xuống ao nuôi để tăng sức đề kháng, cải thiện môi trường nước và phòng, chống dịch bệnh cho thủy sản. Khi có mưa lớn, cần tiến hành xả nước tầng mặt.

Đồng thời, tăng cường sục khí đảo nước tránh hiện tượng phân tầng gây thiếu oxy tầng đáy, phát sinh khí độc. Trong những ngày nắng nóng, cần giảm lượng thức ăn từ 30 - 40% hoặc cắt bỏ bữa ăn vào buổi trưa, khẩu phần ăn cần bổ sung thêm các vitamin, khoáng chất... để tăng sức đề kháng cho thủy sản nuôi.

Tìm kiếm