Cá Giống Trường Phát Cá Giống Trường Phát
Giải pháp tăng năng suất tôm - cua - cá

Giải pháp tăng năng suất tôm - cua - cá

Home Tin Tức Giải pháp tăng năng suất tôm - cua - cá
Giải pháp tăng năng suất tôm - cua - cá
21/02/2014
35 Lượt xem

Chia sẻ với:

Giải pháp tăng năng suất tôm - cua - cá

Nuôi tôm quảng canh cải tiến kết hợp cua - cá thường là thu tỉa thả bù. Do diện tích nuôi lớn (từ 10.000 - 20.000 m2), thả bù từ 2 - 3 lần/năm có một số hạn chế như khó khăn trong khâu quản lý các yếu tố môi trường, kích cỡ tôm - cua - cá không đồng đều nên bị hao hụt do đối tượng nuôi ăn thịt lẫn nhau, mật độ thả tôm sú thấp (3 con/m2), tỷ lệ sống chỉ khoảng 15 - 30% dẫn đến năng suất không cao... 

Chúng tôi xin giới thiệu một số giải pháp cải tiến kỹ thuật để tăng năng suất tôm của mô hình tôm sú - cua - cá.

Đầu tiên chúng ta nên thay đổi hình thức nuôi "thu tỉa thả bù" sang hình thức "thả một lần thu hoạch dứt điểm"; điều chỉnh hệ thống ao nuôi có diện tích khoảng 5.000 - 6.000 m2 để dễ quản lý và xử lý các yếu tố môi trường; thiết kế ao lắng nước chiếm diện tích từ 20 - 30% diện tích ao nuôi để chủ động trong khâu cấp nước; nâng cao mật độ thả tôm sú từ 3 con/m2 lên 5 con/m2, cua từ 1 con/10 m2 lên 2 con/10 m2.

Đối với cá nên thả rô phi đơn tính với mật độ 1 con/10 m2; định kỳ 10 - 15 ngày/lần nên sử dụng một liều vi sinh (liều lượng tùy theo từng chủng loại sản phẩm), kết hợp sử dụng vôi CaCO3 hoặc dolomite từ 10 - 15 kg/1.000 m3 nước để ổn định các yếu tố môi trường; bổ sung thức ăn công nghiệp cho tôm sú khi tôm đạt 45 - 50 ngày tuổi để đáp ứng đủ nhu cầu thức ăn cho tôm sú.

I. Thời vụ thả nuôi

Đối với hình thức thả một lần - thu hoạch dứt điểm: Vụ 1 thả nuôi tôm sú bắt đầu tháng 2 - 4 dương lịch; vụ 2 từ cuối tháng 8 đến nửa đầu tháng 9 DL. Mật độ thả tôm 5 con/m2, cua 2 con/10 m2, cá phi đơn tính 1 con/10 m2.

Tôm giống là một trong những yếu tố quan trọng quyết định đến sự thành công của vụ nuôi. Tôm giống tốt sẽ cho tỷ lệ sống cao, tăng trưởng nhanh, kháng bệnh tốt. Cần áp dụng các bước chọn giống như sau:

* Chọn bằng cảm quan (quan sát ngoại hình): Là bước rất quan trọng đầu tiên mà người nuôi cần thực hiện, nếu tôm giống được chọn đạt được bước này thì mới thực hiện các bước tiếp theo. Người nuôi nên chọn giống ở các trại có uy tín về chất lượng, cỡ mẫu, kích cỡ tôm…

* Chọn giống qua xét nghiệm: Sau khi đạt yêu cầu qua các bước kiểm tra trên, con giống cần phải được kiểm tra qua xét nghiệm PCR hoặc mô học để phát hiện và loại bỏ những mẫu bị nhiễm mầm bệnh đốm trắng (WSSV), bệnh còi (MBV), teo gan (HPV), bệnh đầu vàng (YHD), vi bào tử trùng…

* Phương pháp thả: Thả giống đúng kỹ thuật cũng góp phần tăng tỷ lệ sống của đàn tôm. Nên thả tôm vào lúc sáng sớm hoặc chiều mát. Không nên thả tôm vào lúc trời mưa, thời tiết xấu. Thả tôm vào đầu hướng gió, tại nhiều điểm để tôm dễ phân tán đều khắp vuông.

Có 2 cách thả tôm sau:

Cách 1: Các bọc tôm mới chuyển về cần thả nổi trên mặt nước trong khoảng 30 phút để cân bằng nhiệt độ, sau đó mở bọc cho tôm bơi ra từ từ nhằm tránh tôm bị sốc, hạn chế lội xuống ao làm đục nước.

Cách 2: Thường áp dụng cho trường hợp độ mặn của nước trong bọc tôm và độ mặn của nước vuông chênh lệch nhau lớn hơn 5‰. Tôm mới chuyển về cần một thời gian thuần hoá ngay tại vuông để tôm thích nghi dần với độ mặn của nước vuông và các yếu tố môi trường khác.

Cần chuẩn bị một số thùng hoặc thau lớn khoảng 50 lít và máy sục khí. Đổ các bọc tôm vào thau, khoảng 10.000 con/thau, đồng thời cho thêm nước vuông vào từ từ để tôm thích nghi dần. Sau 30 phút nghiêng thau cho tôm bơi ra ngoài.

Chọn và thả cua giống: Nên chọn cua giống được sinh sản nhân tạo vì cua giống nhân tạo thường có kích cỡ đồng đều, không bị lẫn tạp, tốc độ tăng trưởng và tỷ lệ sống không thua kém cua tự nhiên.

Khi lựa chọn cua giống thả nuôi phải chọn cơ sở SX giống có uy tín, chất lượng, cua giống phải có kích cỡ đồng đều, cơ thể khỏe mạnh, không thương tích, hoạt động linh hoạt, không dị hình. Tốt nhất nên thả cua cỡ 0,5 - 1 cm (còn gọi là cua hạt tiêu, hạt dưa đến hạt me).

Sau khi vận chuyển cua giống về, thả ở nhiều điểm khác nhau trong vuông, thả cua trên mép nước để cua tự bò xuống nước. Đây cũng là cách kiểm tra tình trạng sức khỏe và để cua tự thích nghi với môi trường mới, những con khỏe mạnh nhanh chóng bò xuống nước bơi đi.

Những con yếu, hoạt động kém nên thu lại cho vào giai để cua có thời gian phục hồi rồi mới thả xuống vuông. Cua sẽ tự phân tán trong vuông và tìm chỗ trú ẩn. Nên thả cua vào lúc sáng sớm hoặc chiều mát, không thả cua khi thời tiết xấu.

*Thức ăn cho tôm, cua: Giai đoạn đầu không cần cho thức ăn bổ sung, chỉ cần gây màu nước đạt yêu cầu để tạo nguồn thức ăn tự nhiên. Giai đoạn sau 45 ngày nuôi cần bổ sung thêm thức ăn công nghiệp cho tôm sú (nên chọn số thức ăn từ 3 - 4, liều lượng cho ăn từ 2 - 4% tổng trọng lượng tôm sú nuôi trong ao, cho ăn 2 lần/ngày).

Trước khi bổ sung thức ăn cho tôm sú thì phải tiến hành thuốc cá bằng Saponine với liều lượng từ 5 - 7 kg/1.000 m3 nước, kết hợp bổ sung thêm cá tạp cho cua. Để tăng sức đề kháng cũng như khả năng tăng trưởng của tôm sú và cua biển thì trong quá trình cho tôm sú ăn nên trộn thêm vitamin C, khoáng vi lượng, tỏi tươi với liều lượng từ 7 - 10 gr/kg thức ăn.

II. Quản lý môi trường

Định kỳ 10 - 15 ngày/lần nên sử dụng một liều vi sinh (liều lượng tùy theo từng chủng loại sản phẩm), kết hợp sử dụng vôi CaCO3 hoặc dolomite từ 10 - 15 kg/1.000 m3 nước để ổn định các yếu tố môi trường.

Trường hợp có mưa lớn kéo dài từ 2 - 3 ngày làm cho mực nước trong ao nuôi tăng 10 - 20 cm thì cần phải xả bỏ lớp nước mặt và bón vôi dolomite với liều lượng 10 kg/1.000 m3 nước để tránh phân tầng độ mặn và ổn định các yếu tố môi trường.

Cần duy trì màu nước thích hợp với độ trong từ 25 - 30 cm, nước có màu vàng nâu hoặc xanh vỏ đậu. Nếu màu nước nhạt cần bón bổ sung phân NPK hoặc DAP với lượng 0.5 - 1 kg/1.000 m3/lần, lặp lại 2 - 3 ngày cho đến khi màu nước đạt yêu cầu.

Nếu màu nước quá đậm thì thay nước từ 20 - 30% lượng nước trong vuông (xả nước vào buổi chiều và cấp nước vào ban đêm), có thể thay trong nhiều ngày liên tục. Cần kiểm tra kỹ nguồn nước và theo dõi tình hình dịch bệnh xung quanh trước khi thay nước.

Định kỳ theo dõi các yếu tố môi trường nước: độ pH, độ kiềm, khí độc… và nên có sổ nhật ký theo dõi việc thả tôm, cua, việc sử dụng vôi và hóa chất khác…

Mực nước trên trảng luôn giữ tối thiểu 0,5 m để đảm bảo ổn định môi trường đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho tôm, cua hoạt động.

Kể từ tháng nuôi thứ 2 định kỳ thay nước theo con nước cường hàng tháng, để đảm bảo nước trong vuông có chất lượng tốt và bổ sung thêm nguồn thức ăn tự nhiên.

Có thể trồng thêm năng tượng (cỏ lông tượng), đước theo hàng hoặc theo cụm nhỏ chiếm khoảng 30% diện tích mặt trảng để tạo nơi trú ẩn và cung cấp thức ăn tự nhiên cho tôm, cua. Để hạn chế cỏ lông tượng phát triển dầy đặc khắp vuông và giúp đước sống được trên trảng khi giữ mức nước cao nên trồng bằng cách đắp mô (rộng 0.5 m, cao 0.2 - 0.3 m).

Thường xuyên kiểm tra bờ bao, cống… để kịp thời khắc phục các chổ mọi, rò rỉ, sạt lở…

III. Quản lý sức khỏe tôm, cua, cá

Trong quá trình nuôi, cần định kỳ 15 ngày/lần kiểm tra tình trạng sức khỏe của các đối tượng nuôi. Đối với tôm, cá kiểm tra bằng cách đặt lú hoặc chài, đối với cua dùng rập hoặc câu. Cần quan sát kỹ hình dạng bên ngoài, cân đo trọng lượng và kích thước nhằm kịp thời xử lý khi thấy xuất hiện các dấu hiệu nhiễm bệnh.

Nếu cải tạo vuông nuôi ban đầu tốt, chọn và thả con giống đạt yêu cầu, quản lý môi trường ổn định trong suốt quá trình nuôi, đó là biện pháp tốt nhất vừa giảm chi phí, vừa phòng bệnh cho các đối tượng nuôi có hiệu quả đối với mô hình nuôi tôm - cua - cá kết hợp. 

Theo Nông nghiệp Việt Nam

Tìm kiếm