Sản lượng hàu toàn cầu được báo cáo trong năm 2018 là khoảng 650.000 tấn, trị giá 1.37 tỷ đô la Mỹ. Tuy nhiên, giống như tất cả các hệ thống nuôi trồng thủy sản khác, sản lượng hàu Thái Bình Dương có thể bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi các bệnh truyền nhiễm.
Từ năm 2008, nhiều nỗ lực khoa học nhằm tìm hiểu, kiểm soát và ngăn chặn bệnh truyền nhiễm trên hàu đã được thúc đẩy bởi sự xuất hiện và lây lan toàn cầu của vi rút Ostreid herpes 1 (OsHV-1). OsHV-1 đặc biệt gây bệnh ở hàu non. Thông thường, hàu ở giai đoạn trong trại giống có nguy cơ dễ bị nhiễm bệnh nhất và tỷ lệ chết >80%. Để giảm nhẹ ảnh hưởng của bệnh, một số khuyến nghị được đưa ra bao gồm đa dạng hóa và hợp nhất doanh nghiệp, các chương trình chọn giống hàu kháng bệnh và các thay đổi khác để nuôi trồng tốt hơn.
Công bố gần đây trên tạp chí Môi trường Quốc tế về loại bỏ mầm bệnh bao gồm OsHV-1 khỏi nước biển bằng siêu lọc, được quan tâm vì khả năng ứng dụng công nghiệp của nó trong các trại sản xuất giống nơi có hàng triệu ấu trùng và hàu non nhạy cảm. Những quan sát trước đây về dịch tễ học của OsHV-1 đã cung cấp thông tin nghiên cứu về các phương pháp xử lý nước để bảo vệ các cơ sở nuôi trồng thủy sản.
Năm 2012, người ta đã ghi nhận tỷ lệ chết của hàu C. gigas tại các trại ương ở Úc không nhất quán với sự phân bố đồng đều của OsHV-1 trong cột nước và đề xuất rằng vi rút bám vào các hạt hoặc sinh vật phù du - được sử dụng ở đây theo nghĩa chung mô tả sự tập hợp đa hình, di động của hầu hết các động vật nhỏ bé, thực vật và các hạt khác mà hàu ăn. Trong một mô hình gây nhiễm bệnh tại phòng thí nghiệm, hàu tiếp xúc với OsHV-1 thông qua cùng chung sống (tức là OsHV-1 thải ra từ hàu bị nhiễm bệnh vào nước biển) có tỷ lệ chết cao hơn nếu chúng được cho ăn vi tảo so với hàu không được cho ăn. Thật vậy, vi rút hoại tử cấp tính do herpesvirus ở biển (AVNV), đã được chứng minh là một biến thể của OsHV-1 và có liên quan đến vi tảo.
Trong các nghiên cứu trên, bên cạnh việc tiếp xúc với vi rút thông qua ăn các hạt vectơ, có thể có ảnh hưởng dinh dưỡng đến kết quả gây bệnh ở hàu được cho ăn so với hàu không được cho ăn. Điều tra các yếu tố sinh lý dinh dưỡng cho thấy tảo khuê trong chế độ ăn của C. gigas góp phần vào việc dự trữ năng lượng làm giảm nguy cơ chết vật chủ do vi rút gây bệnh. Cần phải nghiên cứu sâu hơn về tiến trình gây bệnh của OsHV-1 để hiểu rõ hơn tương tác giữa mức độ phơi nhiễm và các yếu tố dinh dưỡng, vì cả hai đều có thể được điều chỉnh để có lợi cho sản xuất nuôi trồng thủy sản.