Hải sản hiện là một trong những thực phẩm khó tiêu thụ nhất trên địa bàn tỉnh Nghệ An vào thời điểm này do ảnh hưởng từ dịch bệnh Covid-19.
Do dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, 5 địa phương ở Nghệ An giáp ranh tỉnh Hà Tĩnh buộc phải tạm dừng nhiều hoạt động không thiết yếu, trong đó có dịch vụ ăn uống công cộng (chỉ được phép bán mang về). Việc các nhà hàng, quán ăn, quán bia... tạm dừng hoạt động khiến việc tiêu thụ thực phẩm bị đình trệ, trong đó, hải sản là một trong những mặt hàng ế ẩm nhất thời điểm này.
Tại địa bàn huyện Quỳnh Lưu, với hơn 600 phương tiện khai thác hải sản xa bờ và khoảng hơn 300 thuyền bè chuyên đánh ghẹ, tôm tít, mực nháy.. cung cấp nguồn hải sản phong phú ra thị trường. Tuy nhiên, trong những ngày vừa qua, các mặt hàng hải sản ở Quỳnh Lưu luôn trong tình trạng khó tiêu thụ, ứ đọng lượng lớn.
Ngư dân Nguyễn Văn Hưng ở xã Tiến Thủy (Quỳnh Lưu) cho biết: “Thuyền tôi chuyên khai thác ở vùng lộng, chiều tối ra khơi và đến sáng ngày hôm sau về bờ.
Do khai thác gần bờ nên hải sản về tươi ngon, thương lái, chủ nhà hàng từ nhiều nơi trở về thu mua hết chỉ sau vài giờ. Tuy nhiên, những ngày qua, lượng thương lái thu mua giảm dần; tàu chúng tôi hôm nay đánh được 2 tạ mực nháy, 30 kg ghẹ chỉ mới bán được khoảng 1/3 số lượng, còn lại phải mang về nuôi trữ chờ khi có khách đặt mới bán được”.
Cùng chung cảnh ngộ, ngư dân Nguyễn Văn Độ ở xã Diễn Bích (Diễn Châu) chia sẻ: "Sau khi địa phương hết giãn cách xã hội, thuyền của tôi đã ra khơi trở lại, mặc dù sản lượng đánh bắt vẫn đảm bảo trên 3 tạ hải sản các loại mỗi ngày, tuy nhiên, khi thuyền trở về, hải sản bị ế ẩm nặng, buộc phải bán với giá rẻ, sau khi trừ chi phí xăng dầu, thì thuyền viên chẳng còn lãi nữa...".
Tại cảng Lạch Vạn - cảng cá lớn nhất Diễn Châu những ngày này cũng bớt cảnh chen chúc, nhộn nhịp như trước do lượng thương lái sụt giảm đột ngột.
Ông Nguyễn Văn Dũng - Phó Chủ tịch UBND xã Diễn Ngọc cho biết: "Trung bình mỗi khi tàu thuyền về bến, tại cảng có dao động trên dưới 1.000 người, tuy nhiên, 2 ngày qua chỉ từ 300 - 400 người, bao gồm cả thuyền viên, thương lái. Hải sản của bà con ngư dân cũng chỉ tiêu thụ chủ yếu trong địa bàn huyện, rất ít thương lái từ các địa phương khác đổ về...".
Không chỉ ngư dân gặp khó mà các tiểu thương hiện cũng đang "đau đầu" tìm cách tiêu thụ hải sản. Chị Hồ Thị Thoa ở xã Sơn Hải (Quỳnh Lưu) cho biết: “Thông thường, mỗi buổi sáng, vợ chồng tôi chở chuyến xe hải sản vào Vinh để nhập cho các nhà hàng, khu chợ nhưng do dịch bệnh, người dân hạn chế đi chợ mua thực phẩm, các nhà hàng cũng không hoạt động nên cuối chiều rồi mà hải sản tồn đọng rất nhiều, chúng tôi lại phải mang về".
Trước tình cảnh hải khó tiêu thụ, hiện ngư dân, thương lái và chủ các nhà hàng đang áp dụng nhiều biện pháp để có thể giải quyết được lượng lớn hải sản đang tồn dư, ứ đọng. Trong đó, việc giảm giá thành được nhiều người áp dụng. Theo khảo sát, giá hải sản hiện đã giảm mạnh so với thời điểm cuối tháng 5. Đơn cử như cá thu từ 210.000/kg xuống 160.000 đồng/kg, ghẹ loại 1 giá giảm từ 300.000 đồng/kg còn 200.000 đồng/kg... các hải sản khác cũng giảm từ 30 - 50%, tuy nhiên vẫn khó tiêu thụ.
Song song với việc giảm giá thành, hiện các cơ sở đang chủ động nâng cấp kho đông để có thể bảo quản hải sản số lượng lớn với hy vọng dịch bệnh sớm được kiểm soát để có thể kinh doanh trở lại.