Cá Giống Trường Phát Cá Giống Trường Phát
Hết thời giấu dịch bệnh thủy sản

Hết thời giấu dịch bệnh thủy sản

Home Tin Tức Hết thời giấu dịch bệnh thủy sản
Hết thời giấu dịch bệnh thủy sản
29/09/2021
38 Lượt xem

Chia sẻ với:

Hết thời giấu dịch bệnh thủy sản

Để đảm bảo xuất khẩu thủy sản năm 2021 cũng như cung ứng thực phẩm cho những tháng cuối năm, đặc biệt trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, cơ quan thú y thủy sản các địa phương đang đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người nuôi chủ động khai báo tình hình dịch bệnh trên thủy sản.

Dịch bệnh giảm 58%

Theo báo cáo của Cục Thú y (Bộ NNPTNT), trong 8 tháng đầu năm 2021, tổng diện tích nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại khoảng 16.253ha, giảm 58% so với cùng kỳ năm 2020 (39.438ha).

Trong đó, tổng diện tích nuôi tôm nước lợ bị thiệt hại 15.698ha, chiếm khoảng 2,2% tổng diện tích nuôi tôm của cả nước và chiếm 96,6% trong tổng diện tích thủy sản nuôi bị thiệt hại, giảm gần 58% so với cùng kỳ năm 2020 (tổng diện tích tôm bị thiệt hại là 37.272 ha).

Dịch bệnh trên tôm chủ yếu vẫn là bệnh đốm trắng và hoại tử gan tụy cấp tính, bệnh EHP cũng xuất hiện ở một số địa phương.

Trong thời gian qua, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhiều tỉnh áp dụng các biện pháp nghiêm ngặt để phòng chống dịch, đặc biệt là các tỉnh phía Nam thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 nên việc tổ chức kiểm tra thực địa, giám sát chủ động, chẩn đoán xét nghiệm, tổng hợp, báo cáo số liệu không được thực hiện liên tục và đầy đủ.

Cục Thú y nhận định, nguy cơ dịch bệnh tiếp tục lưu hành, lây lan và gây thiệt hại cho người nuôi tôm trong thời gian tới là rất cao nếu không áp dụng các biện pháp chủ động để kiểm soát dịch bệnh, đặc biệt là con giống và khâu chuẩn bị ao nuôi.

8 tháng đầu năm, để chủ động giám sát dịch bệnh trên tôm giống, Cục Thú y đã xây dựng kế hoạch giám sát các bệnh AHPND, WSD, IHHNV, EHP và bệnh do virus DIV1 tại các địa phương Bình Định, Phú Yên, Ninh Thuận, Bình Thuận. 

 Tuy nhiên, ảnh hưởng của dịch Covid-19, hiện mới chỉ tổ chức giám sát tại tỉnh Phú Yên (Công ty Đắc Lộc) và Bình Định (Tập đoàn Việt Úc). Đã thu 27 mẫu để xét nghiệm, kết quả 100% mẫu âm tính với các bệnh.

Đối với giám sát dịch bệnh trên tôm thương phẩm, Cục Thú y đã xây dựng kế hoạch giám sát các bệnh AHPND, WSD, IHHNV, EHP và bệnh do virus DIV1 tại các tỉnh Nghệ An, Quảng Bình, Thừa Thiên - Huế, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Kiên Giang.

 

Người nuôi cần chủ động khai báo

Theo ông Nguyễn Sĩ Lâm - Giám đốc Sở NNPTNT An Giang, ảnh hưởng của dịch Covid-19 đã làm việc tiêu thụ, xuất khẩu các sản phẩm thủy sản 9 tháng đầu năm gặp nhiều khó khăn. Trong đó, dịch bệnh xảy ra trên thủy sản đã làm thiệt hại trên 20ha.

Ông Lâm cho hay, điểm khó nhất hiện nay là khi thủy sản nuôi bị bệnh, chủ cơ sở chưa chủ động thông báo theo đúng quy định, do đó công tác cập nhật thông tin, xử lý dịch bệnh chưa được thực hiện kịp thời.

Một bất cập nữa được ông Lâm chỉ ra, đó là khi xuất bán thủy sản giống ra khỏi địa bàn tỉnh, nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh chưa tự giác khai báo kiểm dịch gây nhiều khó khăn trong quản lý, dẫn đến nguy cơ dịch bệnh xảy ra do không thực hiện kiểm dịch con giống là rất cao.

Tương tự, tại tỉnh Bến Tre, 9 tháng đầu năm, diện tích thiệt hại trên thủy sản hơn 434ha, xảy ra với tôm sú, tôm thẻ chân trắng và nghêu. Các bệnh trên tôm chủ yếu là đốm trắng, hoại tử gan tụy cấp tính và hoại tử cơ quan tạo máu và biểu mô dưới vỏ. Đối với nghêu, nguyên nhân là do môi trường nuôi bất lợi, nắng nóng kéo dài từ tháng 1 - 3.

Theo ông Nguyễn Văn Buội - Phó Giám đốc Sở NNPTNT Bến Tre, một trong những khó khăn, bất cập hiện nay làm cho dịch bệnh trên thủy sản xảy ra trên địa bàn tỉnh, đó là việc thu mẫu giám sát đối với tôm giống nhập tỉnh còn hạn chế, chủ yếu thu mẫu của các cơ sở sản xuất giống lớn, có uy tín, tự giác đến trạm đầu mối khai báo.

Còn đối với các cơ sở sản xuất con giống nhỏ lẻ khi nhập tỉnh hầu như không đến trạm khai báo, dẫn đến không phản ánh được toàn diện chất lượng con giống nhập tỉnh. Riêng đối với cá tra không giám sát được do chủ yếu vận chuyển bằng đường thủy.

Từ thực tế trên, Cục Thú y đề nghị cơ quan thú y thủy sản các địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người nuôi chủ động khai báo tình hình dịch bệnh, diện tích thiệt hại hoặc dịch bệnh kết hợp với hỗ trợ hóa chất phòng chống dịch; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong việc báo cáo dịch bệnh nhằm giảm đầu mối báo cáo qua cấp trung gian từ xã đến huyện và tỉnh.

Bên cạnh đó, thường xuyên rà soát, cập nhật số liệu về diện tích thủy sản thiệt hại và số liệu về diện tích tôm bị mắc bệnh, bảo đảm các số liệu chính xác, nhất quán; các thông tin, số liệu về thủy sản nhiễm bệnh cần phải gắn với kết quả xét nghiệm để bảo đảm tính chính xác.

Một số địa phương trọng điểm nuôi tôm, có diện tích tôm bị mắc bệnh nhiều như tỉnh Sóc Trăng, Bạc Liêu, Trà Vinh, Cà Mau... cần tiếp tục tăng cường công tác giám sát chủ động dịch bệnh, kết hợp với kết quả quan trắc môi trường, dữ liệu dự báo thời tiết, thủy văn... để cảnh báo nguy cơ dịch bệnh kịp thời và hướng dẫn người nuôi áp dụng biện pháp phòng bệnh chủ động.

Tìm kiếm