Chia sẻ với:
Hướng đến nền nông nghiệp công nghệ cao
Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với bảo vệ môi trường là hướng đi tỉnh Cà Mau đang quyết tâm đạt được nhằm phát triển bền vững. Theo đó, nhiều mô hình khung trên một số lĩnh vực chủ lực của tỉnh được hình thành, tạo đà.
Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Nguyễn Tiến Hải (bên phải) khảo sát mô hình nuôi tôm công nghệ cao của Công ty cổ phần thuỷ sản N.G Việt Nam.
Sau gần 20 năm với biết bao thăng trầm, kể từ khi xuất hiện trên đồng đất Cà Mau, con tôm đã tìm được hướng đi với nhiều hứa hẹn tạo đột phá cho nghề nuôi thuỷ sản của tỉnh. Đó là loại hình siêu thâm canh, loại hình nuôi công nghệ cao đang mang lại hiệu quả tích cực và có tốc độ tăng diện tích khá nhanh hiện nay.
Phát huy lợi thế
Là tỉnh có diện tích nuôi thuỷ sản lớn nhất nước, với khoảng 300.000 ha, trong đó có đến gần 280.000 ha nuôi tôm. Với ưu thế này, trong đề án “Nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và phát triển bền vững nghề nuôi tôm tỉnh đến năm 2020, tầm nhìn 2030”, tỉnh cũng đã mạnh dạn đặt ra mục tiêu với nhiều con số ấn tượng. Cụ thể, đến năm 2020 sản lượng tôm nuôi 265.000 tấn, kim ngạch xuất khẩu 1,8 tỷ USD; năm 2025 là 320.000 tấn, 2,5 tỷ USD từ xuất khẩu và định hướng đến năm 2030 sản lượng tôm nuôi đạt 400.000 tấn với kim ngạch xuất khẩu 3 tỷ USD.
Thời tiết từ đầu năm đến nay được đánh giá là chưa thuận tiện cho nghề nuôi tôm, tuy nhiên, sản lượng tôm nuôi vẫn tăng, bình quân hơn 6,2% so với cùng kỳ năm trước. Từ đó cho thấy, nghề nuôi tôm của tỉnh đang có hướng đi đầy triển vọng.
Ông Trần Văn Thức, Phó giám đốc Sở NN&PTNT, nhận định, có 2 loại hình nuôi là quảng canh cải tiến và siêu thâm canh hiện nay cho thu nhập khá, năng suất ổn định. Đặc biệt, có nhiều mô hình nuôi tôm theo hình thức siêu thâm canh như: nuôi tôm lót bạt ứng dụng quy trình công nghệ cao, nuôi tôm công nghiệp có hố xi-phông, nuôi tôm công nghiệp 2 giai đoạn… cho kết quả cao.
Với hiệu quả mang lại, hiện nay diện tích nuôi tôm siêu thâm canh đang tăng nhanh, đã có 649 ha với 550 hộ tham gia. Đồng thời, diện tích nuôi tôm quảng canh cải tiến cũng tăng nhanh, hiện có 98.145 ha. Huyện Phú Tân là một trong những huyện có diện tích nuôi tôm công nghiệp siêu thâm canh lớn của tỉnh. Chủ tịch UBND huyện Phú Tân Võ Trường Giang vui mừng cho biết, đến nay một số chỉ tiêu kinh tế - xã hội của huyện vượt so với kế hoạch. Trong đó tiêu biểu là sản lượng tôm đạt trên 81%. Có được sản lượng tương đối khá như thế là nhờ vào 120 ha của 90 hộ nuôi tôm theo mô hình siêu thâm canh.
Thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, bên cạnh con tôm, nhiều mặt hàng khác của tỉnh cũng đang được tập trung triển khai với nhiều giải pháp nhằm nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Theo đó, Trung tâm Giống nông nghiệp tỉnh sẽ là đơn vị đảm đương trách nhiệm thực hiện 3 mô hình nông nghiệp công nghệ cao là lúa giống; rau, củ, quả và cây ăn trái có múi.
Để triển khai kế hoạch này, UBND tỉnh chủ trương giao thêm 600 ha cho Trung tâm Giống nông nghiệp tỉnh để quy hoạch vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại xã Khánh Lâm, Khánh Hội, huyện U Minh. Ông Nguyễn Văn Hải, Trưởng trại giống nông nghiệp Khánh Lâm I, cho biết, trại quy hoạch 100 ha sản xuất rau, củ, quả; 100 ha sản xuất lúa giống và 100 ha sản xuất cây ăn trái. Để kế hoạch này đi vào thực tiễn, tỉnh đang mời gọi các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư, hợp tác bằng nhiều hình thức.
Tuyên truyền phải chi tiết và cụ thể
Để tạo bước đột phá trong sản xuất, đặc biệt là các ngành hàng chủ lực, tỉnh đã tổ chức hội nghị chuyên đề về chỉ đạo sản xuất vào cuối tháng 6 vừa qua. Tại hội nghị này, tỉnh đã xác định 10 nhiệm vụ, giải pháp quan trọng trong chỉ đạo sản xuất. Tiêu biểu như, để tạo điều kiện cho doanh nghiệp đầu tư, tỉnh chỉ đạo rà soát, chuẩn bị diện tích đất sạch. Trong giải pháp tạo quỹ đất sạch có phương án thí điểm thực hiện chính sách hỗ trợ tích tụ ruộng đất, hợp tác, liên kết đầu tư…
Song song đó là giải pháp hướng dẫn nông dân sản xuất theo hướng hợp tác chặt chẽ trong cộng đồng dân cư; liên kết sản xuất thông qua hợp tác xã, tổ hợp tác sản xuất… liên kết chặt chẽ với các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ đầu vào và tiêu thụ sản phẩm đầu ra thông qua mô hình liên kết chuỗi giá trị.
Không chỉ vậy, về nhiệm vụ và giải pháp trong chỉ đạo sản xuất thời gian tới, còn nhiều nội dung quan trọng khác cần sự đồng thuận của người dân. Tại hội nghị này, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ban, ngành và UBND các huyện, TP. Cà Mau, triển khai các nhiệm vụ, giải pháp này đến tận chính quyền cơ sở và Nhân dân.
Tuy nhiên đến nay, sau các chuyến kiểm tra, khảo sát ở một số huyện cũng như trong dân, Phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lê Văn Sử đánh giá, việc thực hiện ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh chậm so với kế hoạch. Trong khi đó, sản xuất thì có mùa vụ và mùa vụ thì không chờ ai.
Công tác tuyên truyền triển khai đến dân vô cùng quan trọng trong các nhiệm vụ, giải pháp chỉ đạo phát triển sản xuất thời gian tới. Nhiều nội dung trong nhiệm vụ, giải pháp này đòi hỏi phải có sự thông suốt và tham gia của người dân. Do đó, trong công tác tuyên truyền thời gian tới, Phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lê Văn Sử chỉ đạo, phải đi vào phương hướng, nhiệm vụ cụ thể và chi tiết, thậm chí phải tổ chức họp dân. Một số công việc phải trao đổi qua lại với dân, phải lắng nghe dân bàn, trao đổi ý kiến về những thuận lợi, khó khăn, vướng mắc trong quá trình sản xuất để có sự điều chỉnh, hướng dẫn kịp thời.
Ngoài ra, để mời gọi đầu tư vào ngành nông nghiệp công nghệ cao, tỉnh còn ban hành nhiều chính sách ưu đãi khác như: tập trung đầu tư kết cấu hạ tầng kỹ thuật, đáp ứng nhu cầu phát triển sản xuất; tăng cường quản lý và nâng cao chất lượng các dịch vụ cung ứng đầu vào; ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp, giá thuê đất… nhằm đạt mục tiêu nông nghiệp công nghệ cao đã đề ra.