Chia sẻ với:
Inđônêxia: Nhà sản xuất, XK tôm và cá ngừ hàng đầu thế giới
Với hơn 17.000 hòn đảo lớn nhỏ và khoảng 81.000 km đường bờ biển, diện tích có tiềm năng nuôi thủy sản là 26,6 triệu héc ta, Inđônêxia có mọi điều kiện cần thiết để phát triển các lĩnh vực khai thác, nuôi trồng và chế biến XK thủy sản.
Sản xuất không ngừng phát triển
Ngành thủy sản đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế quốc dân Inđônêxia. Năm 2009, tổng sản lượng thủy sản đạt hơn 9,8 triệu tấn, trong đó, khoảng 50% là sản phẩm nuôi trồng. Hải sản đóng góp hơn 4 tỷ USD (tương đương 1 %) vào GDP quốc gia. Ngành thủy sản thu hút khoảng 7 triệu lao động, cả trực tiếp và gián tiếp, riêng lĩnh vực nuôi trồng sử dụng 40% tổng số đó. Cả nước có hơn 500 nhà máy chế biến thủy sản.
Thủy sản nuôi đa loài ở cả ba vùng nước ngọt, mặn và lợ, với các sản phẩm chủ yếu là tôm, cá mú, cá chép, cá măng biển, cá tra, cá chẽm, cá rô phi vằn, cua bể và tảo biển... Sản lượng thủy sản nuôi trồng ngày càng tăng, trong giai đoạn 2003 – 2009 tăng 285% từ 1,224 triệu tấn lên 4,7 triệu tấn. Sang năm 2010, sản lượng thủy sản nuôi trồng đạt 6,28 triệu tấn, tăng lên 6,98 triệu tấn vào năm 2011 và tăng vọt lên 9,45 triệu tấn vào năm 2012.
Sản lượng thủy sản nuôi trồng Inđônêxia 2003-2009, tấn |
||||
Sản phẩm |
2003 |
2009 |
2003-2009 (%) |
2009 (%) |
Tôm |
192.912 |
338.060 |
75% |
7% |
Rong tảo biển |
233.156 |
2.963.556 |
1,171% |
63% |
Cá mú |
8.637 |
8.791 |
2% |
0% |
Cá chép |
192.912 |
249.279 |
29% |
5% |
Cá măng biển |
227.854 |
328.288 |
44% |
7% |
Cá trê |
58.614 |
144.755 |
147% |
3% |
Cá tra |
12.904 |
109.685 |
750% |
2% |
Cá tai tượng |
22.666 |
46.452 |
105% |
1% |
Nhuyễn thể |
2.869 |
15.857 |
453% |
0% |
Cua bể |
3.172 |
7.516 |
137% |
0% |
Cá rô phi |
71.947 |
323.389 |
349% |
7% |
Cá chẽm |
5.508 |
6.400 |
16% |
0% |
Cá khác |
164.568 |
166.734 |
1% |
4% |
Tổng |
1.224.192 |
4.708.565 |
285% |
100% |
Nguồn: MMAF (2011) |
Ngành khai thác thủy sản của Inđônêxia cũng đạt nhiều thành công. Năm 2012, Inđônêxia khai thácđược 5,81 triệu tấn hải sản, tăng từ mức 5,41 triệu tấn năm 2011 và 5,38 triệu tấn năm 2010.
Hiện nay, chính phủ Inđônêxia quyết định sẽ đầu tư nhiều hơn nữa vào xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển kỹ năng và công nghệ mới cho cả 2 lĩnh vực quan trọng này.
Mục tiêu của Bộ Nghề cá và Hàng hải Inđônêxia (MMAF) là nâng sản lượng thủy sản từ 17,49 triệu tấn năm 2013 lên 20,05 triệu tấn năm 2014, bao gồm 6,08 triệu tấn hải sản khai thác và 13,97 triệu tấn thủy sản nuôi, trong đó tôm và cá ngừ tiếp tục là các sản phẩm chủ lực. Phấn đấu đạt mức tăng trưởng GDP ngành thủy sản 7,25%, cao hơn 0,77 % so với mức tăng năm 2013.
Trở thành nước sản xuất tôm lớn trên thế giới
Hiện nay, dịch bệnh EMS tàn phá nhiều nhà sản xuất tôm lớn trên thế giới như Trung Quốc, Thái Lan, Malaixia và Việt Nam,… khiến nguồn cung tôm toàn cầu trở nên khan hiếm, giá tôm tăng tới 50% trên thị trường quốc tế. Tuy vậy, một số nước, trong đó có Inđônêxia, đã hưởng lợi từ tình trạng này và “phất” lên nhanh chóng. Với 1,2 triệu ha mặt nước tiềm năng cho nuôi tôm, trong đó diện tích có hiệu quả chiếm tới 773.000 ha, Inđônêxia có thể vượt qua các đối thủ láng giềng như Thái Lan, Việt Nam và Malaixia để trở thành nước sản xuất và XK tôm hàng đầu trên thế giới.
Hiện, Bộ Nghề cá và Hàng hải của Inđônêxia đang triển khai chương trình công nghiệp hóa và mở rộng diện tích nuôi tôm, phục hồi các trại nuôi tôm ở một số khu vực bị bỏ hoang, đặt mục tiêu 608.000 tấn tôm năm 2013, tăng mạnh so với 415.703 tấn năm 2012.
Mỹ, Nhật Bản và EU là những thị trường XK tôm lớn nhất của Inđônêxia. XK tôm của Inđônêxia sang Mỹ chiếm gần 50% tổng XK tôm của nước này. Trong năm 2011, Inđônêxia là nước XK tôm lớn thứ 2 sang Mỹ, chỉ sau Thái Lan.
Cá ngừ
Inđônêxia có ngành khai thác cá ngừ lớn nhất thế giới, với sản lượng 994.822 tấn năm 2011, chiếm 18% tổng sản lượng khai thác cá ngừ trên thế giới. Ngư dân Inđônêxia chủ yếu khai thác ở 2 ngư trường chính: Khu vực Trung Tây Thái Bình Dương cung cấp 71% sản lượng và khu vực Đông Ấn Độ Dương 29% còn lại.
Ngoài những thị trường truyền thống như Mỹ, EU và Nhật Bản, hiện nay Inđônêxia bắt đầu thâm nhập những thị trường đầy tiềm năng ở Trung Đông và châu Phi. Bộ Nghề cá và Hàng hải Inđônêxia cho biết, cá ngừ hộp của Inđônêxia chiếm tới khoảng 50% thị trường cá ngừ đồ hộp của Arập Xêut.
Tại EU, những thị trường NK cá ngừ Inđônêxia quan trọng nhất bao gồm Đức (62%), Bỉ (15%), Anh (10%) và Italy (4%).
Mới đây, Trung tâm Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản Biển tại Buleleng (Inđônêxia) khởi động lại dự án nghiên cứu khai thác cá ngừ lớn nhất thế giới, sau khi bị tạm dừng do nguồn kinh phí không đảm bảo. Dự án tập trung nghiên cứu sự phát triển sinh học, các luồng di cư của cá ngừ và các phương pháp khai thác cá ngừ.Dự án trên hứa hẹn sẽ tạo ra một lộ trình phát triển ngành khai thác cá ngừ của Inđônêxia một cách bền vững đồng thời tạo ra nguồn dữ liệu và thông tin đầy đủ về ngành khai thác cá ngừ Inđônêxia.
Thị trường cá ngừ hộp Inđônêxia, 2006-2010 (đơn vị: Nghìn USD)
Nguồn: ITC 2011
(US: Mỹ ; Japan: Nhật Bản;Saudi Arabia: Ả rập Xê-ut; EU: Cộng đồng chung châu Âu; Thailand: Thái Lan; Others: Những thị trường khác)
Đa dạng hóa thị trường XK
Inđônêxia XK thủy sản sang hơn 210 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới, kim ngạch đạt 3,28 tỷ USD vào năm 2012 và được dự báo sẽ đạt 5 tỷ USD vào năm 2013. Các thị trường XK chính của Inđônêxia bao gồm Mỹ, Nhật Bản và châu Âu, với nhiều mặt hàng đa dạng như tôm, cá ngừ, cá ngừ vằn, cua, tảo biển, philê đông lạnh cá rô phi, cá tra và các loài thuộc họ cá mú, trong đó Mỹ là thị trường quan trọng nhất. Nửa đầu năm 2013, Inđônêxia XK thủy sản đạt 1,97 tỷ USD. Tôm hiện là mặt hàng XK chủ lực của Inđônêxia với 723,6 triệu USD, chiếm 36,7% tổng kim ngạch XK thủy sản.
Với mục tiêu đa dạng hóa thị trường XK, nước này đang hướng đến mở rộng thị trường sang Trung Đông và châu Phi, những khu vực có nhu cầu lớn về sản phẩm chế biến. Năm 2010, XK thủy sản sang châu Phi đạt 24.000 tấn, trị giá 58 triệu USD. Con số này tăng lên 29.000 tấn, trị giá 81 triệu USD năm 2011. XK sang Trung Đông năm 2010 đạt 14.000 tấn, trị giá 29 triệu USD. Mặc dù năm 2011 khối lượng XK giảm xuống còn 13.000 tấn nhưng giá trị tăng lên 30 triệu USD. Ước tính XK sang Trung Đông và châu Phi sẽ tăng lên khoảng 25% trong những năm tới.
Hạn chế nhập khẩu, tăng tiêu thụ nội địa
Do thói quen tiêu dùng thủy sản của người dân và chính sách thúc đẩy tiêu thụ nội địa của chính phủ, nhu cầu thủy sản tại Inđônêxia liên tục tăng. Năm 2009, tiêu thụ thủy sản nội địa bình quân đạt 30,17 kg/người/năm, tăng trung bình 5,96% so với năm 2005, riêng từ năm 2008 - 2009 tăng 7,75%.
Năm 2010, Liên đoàn Nghề cá Inđônêxia công bố lượng tiêu thụ nội địa các mặt hàng thủy sản ít nhất là 9 triệu tấn/năm, gồm 6 triệu tấn tiêu dùng và 3 triệu tấn làm nguyên liệu để chế biến. Mức tối thiểu là 30,17 kg/người/năm. Hiện nay, mục tiêu của Bộ Hàng hải và Thủy sản Inđônêxia là đẩy mạnh nhu cầu tiêu thụ thủy sản trong nước lên mức 38 kg/người.
Bộ Nghề cá và Hàng hải Inđônêxia đã triển khai nhiều chương trình, như tăng khả năng cạnh tranh thông qua việc cải thiện năng suất, hiệu quả và chất lượng nhằm phục vụ tốt hơn nữa nhu cầu tiêu thụ nội địa đồng thời thực hiện chính sách cắt giảm hạn ngạch NK. Trên thực tế, trong một vài tháng có thời tiết xấu, sản lượng thủy sản khai thác biển không đáp ứng đủ nhu cầu sản xuất trong nước, chính phủ Inđônêxia mới cho phép NK thủy sản. Tuy nhiên, chính phủ nước này sẽ chỉ cho phép NK tối đa 20% tổng nhu cầu sản xuất thủy sản, 80% còn lại phải mua từ nguồn trong nước.
Bắt đầu từ quý IV /2010, Bộ Nghề cá và Hàng hải Inđônêxia đã thúc đẩy thực hiện Quyết định số 17/2010 về kiểm tra thủy sản NK nhằm bảo vệ người tiêu dùng. Cơ quan kiểm dịch (BKI) đặt tại sân bay quốc tế Soekarno Hatta, Cơ quan Kiểm tra An toàn Chất lượng thuộc Tổng Cục Kiểm soát Tài nguyên Biển và Thủy sản Inđônêxia đặt tại cảng Muara Baru là 2 cơ quan được giao tổ chức thực hiện quyết định và cấp giấy chứng nhận NK.
Hợp tác thủy sản Việt Nam - Inđônêxia
Trong những năm qua, quan hệ thương mại giữa Việt Nam và Inđônêxia ngày càng được đẩy mạnh. Hiện nay, Inđônêxia là đối tác thương mại lớn thứ tư của Việt Nam ở Đông Nam Á, tổng kim ngạch XNK giữa hai nước đã tăng 84%, từ 2,5 tỷ USD năm 2008 lên 4,6 tỷ USD năm 2012. Việt Nam và Inđônêxia đặt mục tiêu nâng kim ngạch thương mại song phương đạt 5 tỷ USD vào năm 2015 và phấn đấu đạt 10 tỉ USD vào năm 2018.
Riêng trong lĩnh vực thủy sản, Inđônêxia là thị trường XK lớn thứ 6 trong khối ASEAN của Việt Nam. 10 tháng đầu năm 2013, XK thủy sản sang Inđônêxia đạt hơn 3 triệu USD, các mặt hàng chính gồm cá khô, cá tra, cá ngừ, cua, ghẹ, giáp xác, phi lê cá và các loại thịt cá…
Cơ cấu sản phẩm thủy sản XK từ VN sang Inđônêxia, 2012
Gần đây, hợp tác về thủy sản ngày càng được thắt chặt hơn giữa 2 nước khi Bộ Nghề cá và Hàng hải Inđônêxia đã đồng ý để 40 tàu của Việt Nam sang hợp tác khai thác tại vùng biển giáp ranh giữa hai nước. Đại sứ Inđônêxia tại Việt Nam cũng khẳng định, nếu các DN Việt Nam có nhu cầu hợp tác đầu tư với Inđônêxia, có thể trực tiếp liên hệ để đặt nhà xưởng tại Inđônêxia hoặc liên kết với các DN chuyên ngành thủy sản của nước này.
Tuy nhiên, hiện nay, DN Việt Nam cũng đang vấp phải nhiều khó khăn khi XK cá tra sang thị trường nước bạn do quy định hạn chế hạn ngạch NK của Inđônêxia. Hi vọng, trong thời gian tới, Inđônêxia sẽ nới rộng hạn ngạch để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ ngày càng mạnh lên của người tiêu dùng trong nước và tạo thế cạnh tranh công bằng trong cộng đồng DN quốc tế.
Nguyễn Thị Hồng Hà tổng hợp