Giá tăng nhưng thủy sản thương phẩm không còn nhiều
Bà Nguyễn Thị Hoa - chủ đìa nuôi cá tại phường Cam Thuận (TP. Cam Ranh) cho biết: Dịch Covid-19 đã khiến việc tiêu thụ cá mú chưa năm nào khó như năm nay, giá cá xuống đáy trong một thời gian dài, có thời điểm chỉ còn 85.000 - 90.000 đồng/kg. Khi ấy, trên địa bàn TP. Cam Ranh tồn đến 1.000 tấn cá mú thương phẩm do phần xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc bị “tắc”, một lượng lớn cá tiêu thụ trong nước gần như “đóng băng” do nhà hàng, khách sạn đóng cửa. 2 tuần qua, giá cá đã tăng trở lại, hiện nay ở mức 120.000 - 130.000 đồng/kg xuất bán tại đìa nuôi, trong khi giá trung bình của loại cá này khoảng 170.000 - 190.000 đồng/kg. Tuy giá lên nhưng người nuôi kém vui vì lượng cá trong các đìa nuôi không còn nhiều.
Tiêu thụ dễ dàng và giá tăng cao hơn cả trong các loại thủy sản nuôi hiện nay là tôm hùm xanh. Ngày 4-10, nhiều chủ bè nuôi tôm trong vịnh Cam Ranh đã tranh thủ xuất bán tôm với giá 720.000 - 750.000 đồng/kg. “Giá tôm hùm xanh xuống đáy, ở mức 420.000 đồng/kg tôm loại 1 và lên xuống liên tục cho đến đầu tháng 9. Hiện nay, giá tôm đã tăng lên mức hơn 700.000 đồng/kg, đây cũng là mức giá chung tại các vùng nuôi tôm hùm xanh trên địa bàn tỉnh. Với mức giá này, người nuôi bắt đầu có lãi. Tuy nhiên, lượng tôm nuôi hiện nay chủ yếu là tôm tơ, tôm đạt kích cỡ thương phẩm rất ít. Như gia đình tôi, hiện chỉ còn chưa đến 1 tấn tôm thương phẩm”, ông Trần Hoài Trung (phường Cam Linh, TP. Cam Ranh) nói.
Trong khi đó, sau thời gian dài xuống thấp, giá ốc hương thương phẩm trên địa bàn tỉnh cũng đã tăng cao trở lại, đạt mức 190.000 - 200.000 đồng/kg đối với ốc loại 1, cao hơn khoảng 50.000 - 60.000 đồng/kg so với thời điểm các tháng sau Tết. Khi ốc hương tăng giá, nhiều hộ tại các vùng nuôi trọng điểm như: Vạn Ninh, Ninh Hòa, Cam Ranh đã thả nuôi trở lại. Đến nay, tổng diện tích ốc hương thương phẩm toàn tỉnh đã đạt hơn 600ha, đạt hơn 80% so với kế hoạch nuôi ốc hương năm 2020.
Đại diện một số đơn vị chuyên thu mua các loại thủy sản tại Cam Ranh, Vạn Ninh cho biết: Thời gian gần đây, giá nhiều mặt hàng thủy sản tăng trở lại là nhờ thị trường đang có dấu hiệu ấm lên. Việc xuất khẩu các mặt hàng tôm hùm xanh, ốc hương, cá mú sang thị trường Trung Quốc đang được phục hồi, tiêu thụ trong nước cũng không còn ảm đạm như trước. Ngoài ra, sản lượng thủy sản đạt kích cỡ thương phẩm không nhiều cũng góp phần đẩy giá lên cao, lượng cá trong các đìa nuôi chỉ còn khoảng 1/3 so với cách đây khoảng 3 tháng, trong khi đó, lượng tôm, ốc đạt kích cỡ thương phẩm còn chưa đến 1/5. Ngoài các mặt hàng trên, các loại cá như: Chim vây vàng, chẽm, bớp… cũng bắt đầu tăng giá.
Thận trọng mùa mưa bão
Theo những người nuôi thủy sản tại các địa phương, tuy giá các mặt hàng thủy sản đã tăng nhưng chưa được như kỳ vọng, bởi với mức giá hiện nay, người nuôi có lãi rất thấp, thậm chí hòa vốn hoặc thua lỗ. Tuy nhiên, người nuôi vẫn quyết định xuất bán do lo ngại mùa mưa bão đã đến gần, nguy cơ thiệt hại rất lớn. “Tuy giá cá có thể sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới nhưng gia đình tôi vẫn quyết định xuất bán gần 20 tấn cá mú trước mùa mưa bão. Nếu giữ lại, chỉ cần mưa lớn, nước bạc về nhiều thì sẽ mất trắng. Như mùa mưa bão mấy năm trước, ao đìa sạt lở, nước trong ao bị ngọt hóa, cá thất thoát, chết nhiều khiến người nuôi thua lỗ nặng”, ông Phạm Văn Toàn (phường Cam Thuận) nói.
Theo ông Võ Khắc Én - Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản, toàn tỉnh hiện có hơn 57.000 lồng nuôi tôm hùm, hơn 9.000 lồng nuôi cá biển, hơn 4.547ha ao đìa nuôi tôm, cá, các loại nhuyễn thể khác. Tính đến hết tháng 9 năm nay, người nuôi trong tỉnh đã thu hoạch hơn 8.450 tấn thủy sản các loại, trong đó có hơn 2.940 tấn tôm, hơn 3.040 tấn cá và hơn 2.460 tấn thủy sản khác. Hiện nay, sản lượng thủy sản đạt kích cỡ thu hoạch vẫn còn rất lớn, trong khi mùa mưa bão đang đến gần, vì vậy, người nuôi cần hết sức thận trọng.
Chi cục Thủy sản Khánh Hòa khuyến cáo người nuôi áp dụng quy trình nuôi an toàn sinh học, truy xuất nguồn gốc con giống để sản phẩm đủ điều kiện xuất khẩu chính ngạch ra thị trường nước ngoài. Bên cạnh đó, để chủ động ứng phó với mưa bão, người nuôi cần sớm thu hoạch thủy sản đạt kích cỡ thương phẩm; các ao, bè nuôi chưa thu hoạch cần được gia cố lồng bè, bờ bao nhằm hạn chế hư hỏng, gây thất thoát. Trong quá trình nuôi, cần thường xuyên kiểm tra các yếu tố môi trường nước để điều chỉnh kịp thời các thông số môi trường phù hợp; sử dụng thức ăn đảm bảo chất lượng, định kỳ bổ sung vitamin, khoáng chất, men vi sinh cho vật nuôi. Riêng đối với nuôi tôm nước lợ, cần tuân thủ lịch thời vụ, không nên thả giống từ tháng 10 đến tháng 12…