Vibrio spp. là một trong những bệnh vi khuẩn nghiêm trọng nhất của tôm nuôi với tỷ lệ chết lên đến 100%. Có một số cách kiểm soát bệnh Vibriosis như: sử dụng kháng sinh hay chế phẩm sinh học. Việc sử dụng kháng sinh trong nuôi trồng thủy sản đã mang lại những tác động tiêu cực đến sức khỏe con người và môi trường. Hạn chế của chế phẩm sinh học là đôi khi gây ra các phản ứng tiêu cực nếu không sử dụng đúng cách, cần có công nghệ tiên tiến để sản xuất chế phẩm sinh học và nó vẫn còn là thách thức.
Chính vì thế các nghiên cứu đã chỉ ra rằng việc sử dụng các acid hữu cơ như: acid formic là một chất diệt khuẩn hiệu quả đối với Salmonella và các loài Vibrio khác nhau, bao gồm: V. harveyi, V. parahaemolyticus, V. vulnificus, V. alginolyticus và V. cholerae.
Các acid hữu cơ có thể được sử dụng như chất kích thích tăng trưởng trong nuôi trồng thủy sản, hỗ trợ ức chế mầm bệnh trong đường ruột và cải thiện khả năng tiêu hóa của các chất dinh dưỡng như nitơ và phốt pho trong thức ăn. Các acid hữu cơ và muối của chúng cũng có thể góp phần tăng giá trị dinh dưỡng trong thức ăn, vì chúng là thành phần trong một số con đường trao đổi chất để tạo năng lượng như tạo ATP trong chu trình citric acid hoặc chu trình carboxylic-acids.
Nghiên cứu được tiến hành với 3 nhóm nghiệm thức và nhóm đối chứng:
- Nhóm nghiệm thức thứ nhất G1 hỗn hợp: 46% acid lactic, 18% acid fomic, 18% acid citric và 18% acid sorbic.
- Nhóm nghiệm thức thứ hai G2: 40% acid xitric, 40% acid fumaric và 20% acid sorbic.
- Nhóm nghiệm thức thứ ba G3: 100% acid fomic.
Kết quả phân tích vi sinh của thức ăn bổ sung hỗn hợp acid hữu cơ cho thấy các thông số vi sinh tương tự nhau ở tất cả các nghiệm thức: vi khuẩn hiếu khí 1x100 cfu/g, nấm men và nấm mốc giá trị <1x101 UP/g. Chế độ ăn với muối của acid hữu cơ đã cải thiện sự ép đùn thức ăn, tăng độ ổn định và giảm sự giãn nở của viên thức ăn. Việc sử dụng các acid hữu cơ (acid citric và lactic) có tác dụng tăng độ hấp dẫn và ngon miệng cho tôm.
Mười con tôm (8g) có các triệu chứng lâm sàng của bệnh Vibriosis được tiến hành thí nghiệm với 3 nghiệm thức (G1, G2, G3) được điều trị bằng acid hữu cơ. Nhóm đối chứng với 10 con tôm (8g) có biểu hiện bệnh Vibriosis không sử dụng hỗn hợp acid hữu cơ.
Kết quả cho thấy nghiệm thức đối chứng có tỷ lệ chết cao nhất 50% trong khi tôm sử dụng hỗn hợp acid hữu cơ nhóm G1 tỷ lệ chết thấp nhất 10%. Tôm thẻ chân trắng sau khi sử dụng hỗn hợp acid hữu cơ ở nhóm G1 có chỉ số sống sót cao nhất là 80%, trong khi tôm ở nhóm đối chứng có chỉ số sống sót thấp nhất. Nghiên cứu này đã chứng minh các acid hữu cơ như: acid axetic, butyric, propionic, acid formic và valeric có thể được sử dụng để ức chế sự phát triển của Vibrios.
Tôm thẻ chân trắng (4 con sống) ở nghiệm thức G1 có trọng lượng cao nhất 51g, trong khi 4 con tôm sống nhóm đối chứng có trọng lượng thấp nhất là 43g. Tôm nhiễm Vibrios sau khi sử dụng hỗn hợp acid hữu cơ ở nghiệm thức G1 không cho thấy sự hiện diện của Vibriosis. Việc ăn thức ăn có tẩm hỗn hợp acid hữu cơ giúp phục hồi hoàn toàn các dấu hiệu lâm sàng ở tôm bị nhiễm các loài Vibrio. Sự thành công của hỗn hợp acid hữu cơ G1 có thể là do phổ kháng khuẩn rộng của hỗn hợp acid hữu cơ. Mỗi acid hữu cơ có phổ hoạt động kháng khuẩn riêng do tính chất vật lý và hóa học cụ thể của chúng. Do đó, lợi thế của việc sử dụng hỗn hợp acid hữu cơ là có thể có phổ hoạt động kháng khuẩn rộng hơn chống lại nhiều loại vi khuẩn gây bệnh hơn và có tác dụng hiệp đồng tiềm năng đối với hiệu suất tăng trưởng và sử dụng chất dinh dưỡng. Hơn nữa, hỗn hợp acid hữu cơ có thể cho phép giảm thêm liều lượng sử dụng trong thức ăn do đó giảm chi phí.
Tóm lại, việc sử dụng hỗn hợp acid hữu cơ nhóm G1: 46% acid lactic, 18% acid fomic, 18% acid citric và 18% acid sorbic trong thức ăn đã kiểm soát lượng vi khuẩn Vibrio, giảm tỷ lệ chết và cải thiện sự tăng trưởng của tôm thẻ chân trắng.