Cá chình (Anguilla marmorata) là một trong những loài nuôi đặc sản có giá trị kinh tế cao. Tuy nhiên, đây cũng là loài nuôi rất khó thích nghi trong môi trường nuôi nhốt như bể xi măng. Vì vậy, để việc nuôi cá chình đem lại hiệu quả kinh tế cao, chúng ta cần lưu ý một số vấn đề cơ bản trong kỹ thuật nuôi như sau:
1. CHỌN ĐỊA ĐIỂM, XÂY DỰNG BỂ NUÔI
1.1. Chọn địa điểm
- Chọn vị trí yên tĩnh, ít người qua lại, có bóng mát.
- Nơi có địa thế hơi cao, quang đãng, tránh bão, lụt.
- Nguồn nước phong phú, chất lượng nước tốt, giao thông thuận tiện.
1.2. Xây dựng bể nuôi
- Bể xi măng có diện tích từ 10 m2 trở lên, bên trong láng nhẵn, độ sâu trên 1,5 m. Mực nước nuôi trong bể luôn duy trì từ 1,1 – 1,2 m.
- Thành bể cao hơn mức nước cao nhất 0,5 m, có gờ ngang 10 cm. Ống cấp nước cách mặt bể 50 cm, có nước chảy ra vào thường xuyên.
- Xây dựng hệ thống cấp, thoát nước độc lập, có ống xả tràn, các ống phải có lưới chắn.
- Bố trí thêm một bể nhỏ khoảng 5 m2 để lựa chọn giống, phân cỡ, phòng trị bệnh.
- Tạo nơi trú ẩn cho cá bằng ống nhựa (hoặc ống tre), miếng đanh hoặc đổ một lớp cát dày 20 cm và thả bèo chiếm ¼ diện tích bể.
- Phải có dòng nước chảy trong ao; nếu nước bể nuôi ở dạng tĩnh nên phải lắp thêm giàn phun mưa để tạo thêm oxy mỗi buổi sáng.
- Trên bể bố trí mái che để giảm bức xạ, xung quanh có che chắn không cho ánh nắng rọi vào nhiều.
2. CHUẨN BỊ BỂ NUÔI
Các bước chuẩn bị bao gồm:
- Tháo cạn:
+ Trường hợp bể mới nuôi lần đầu (bể mới xây) cần đưa nước vào vài lần để rửa và kiểm tra nồng độ pH của nước (đối với bể xây phải rửa thật sạch, có thể dùng cây chuối cắt thành khúc nhỏ để ngâm bể cho hết mùi xi măng).
+ Trường hợp bể đã nuôi trước đó thì tiến hành tháo cạn nước, rửa sạch bể.
+ Tạc đều vôi bột nơi thành và đáy bể (1 kg vôi bột + 10 lít nước) hoặc chlorin 10 ppm (1 gam trong 1 m3 nước) để diệt mầm bệnh và điều chỉnh độ pH.
+ Phơi nắng 1 – 2 ngày, đưa nước vào đầy bể và ngâm 4 – 5 tiếng, sau đó tháo cạn nước để cấp nước mới vào thả giống.
- Dẫn nước: trước khi thả cá 2 ngày, cho nước vào bể nuôi đúng mức nước quy định và kiểm tra các điều kiện môi trường đạt yêu cầu mới thả.
+ Nhiệt độ nước: 25 – 280C.
+ pH: 7 – 8 là thích hợp
+ Oxy hòa tan trên 4 mg/lít.
3. CHỌN VÀ THẢ GIỐNG
3.1. Chọn và thả giống
- Giống cá kích cỡ đồng đều (≥ 100 gam/con) , màu sắc tươi sáng, vận động linh hoạt, không bị xây xát và mất nhớt.
- Mật độ thả nuôi dao động từ 6 – 10 con/m2.
- Trước khi thả giống nên tiến hành sát trùng cá giống bằng dung dịch muối có nồng độ 20 – 30‰ trong thời gian 5 – 10 phút hoặc thuốc tím 10 – 20 g/m3 trong 15 – 30 phút để loại trừ kí sinh và sát trùng vết thương do xây xát trong quá trình đánh bắt và vận chuyển.
3.2. Thuần dưỡng trước khi thả
Giống nuôi chủ yếu được khai thác từ nguồn giống tự nhiên nên cần có bể để thuần dưỡng, phân cỡ và phòng trị bệnh trước khi đưa vào nuôi thương phẩm. Quá trình thuần dưỡng được tiến hành theo các bước sau:
- Bể thuần dưỡng để nơi thoáng mát và yên tĩnh, tránh ánh nắng trực tiếp.
- Tránh gây chấn động trong thời gian thuần dưỡng.
- Trong 2 – 3 ngày đầu, không cho ăn tạo điều kiện thích nghi với môi trường nuôi nhốt.
- Thay nước 1 – 2 lần/ngày.
- Theo dõi hoạt động và mức độ ăn mồi của cá để phòng trị bệnh kịp thời, loại bỏ những con bệnh, con yếu, tuyệt đối không sử dụng những con có dấu hiệu bệnh làm con giống để nuôi thương phẩm.
- Sau 10 – 15 ngày, cho cá giống vào bể nuôi thương phẩm.
4. CHĂM SÓC VÀ QUẢN LÝ
4.1. Cho ăn
- Thức ăn cho cá chình chủ yếu là cá tạp, cá biển, trùn, ốc,…bên cạnh đó bổ sung thêm muối khoáng, vi lượng, vitamin.
- Cho cá ăn ngày 2 lần, chủ yếu vào ban đêm; lượng thức ăn bằng 5% trọng lượng chình nuôi. Cho ăn qua sàn ăn để thuận lợi cho việc quản lý thức ăn dư thừa.
- Sau 1 – 2 giờ cho ăn, kiểm tra sàn cho ăn, nếu sau 1 giờ mà cá ăn hết thì nên tăng lượng thức ăn.
- Cá thường ăn mạnh vào những ngày nắng tốt, và giảm ăn vào những ngày trời âm u có mưa, lặng gió.
4.2. Chăm sóc quản lý
- Quản lý tốt nguồn nước, định kỳ 7 – 10 ngày nên thay nước với liều lượng không quá 20% nước trong bể, ổn định pH bằng cách bón vôi.
- Môi trường bể nuôi cần đảm bảo các chỉ tiêu sau:
+ pH: Khống chế ở 7,5 – 8,5.
+ Nhiệt độ thích hợp từ 25 – 280c.
+ Oxy hòa tan: Cần duy trì từ 4 mg/l trở lên.
+ Độ trong: Điều chỉnh độ trong thích hợp ở 30 – 40 cm.
- Thường xuyên vệ sinh bể nuôi, hằng ngày dùng bàn cào gom phân thải, thức ăn thừa lắng ở đáy lại và xả ra ngoài.
- Kiểm tra sàn cho ăn hàng ngày để điều chỉnh lượng thức ăn. Giặt sàn sau khi kiểm tra.
- Cứ sau mỗi tháng phân cỡ một lần, tách con lớn, con nhỏ nuôi riêng để cá phát triển đồng đều và chóng lớn.
Trước khi phân cỡ để cá nhịn từ 1 ngày, để cá bài tiết hết thức ăn trong bụng, dùng sàng nhẵn để phân loại cá, dùng vợt không dùng tay bắt cá.
5. PHÒNG BỆNH
Trong quá trình nuôi, để giảm thiểu rủi ro, cần lưu ý một số vấn đề sau đây:
- Khâu tuyển chọn giống: chọn giống những nơi uy tín chất lượng; cá phải đáp ứng những tiêu chỉ tiêu sau: nhanh nhẹn, đồng cỡ, nhớt nhiều, không bị xây xát và dị tật, không bị mắc câu,...
- Bể xi măng phải được xử lý kỹ trước khi thả giống, phải đảm bảo các yếu tố môi trường.
- Sau khi thả giống thường xuyên định kỳ xử lý nước 1 tháng/lần cho bể: như vikon 0,5 kg/1.000 m3 nước hoặc thuốc tím 1,5 kg/1.000 m3. Sau đó dùng Zeolite từ 5 – 10 kg/1.000 m2 kết hợp cấy men vi sinh để ổn định môi trường.
- Sử dụng thức ăn tươi sống không ôi thiu, kết hợp với vitamin C để tăng cường sức đề kháng cho cá.
6. THU HOẠCH
Tùy theo nhu cầu của thị trường mà quyết định thời gian thu hoạch hợp lý. Thông thường, cá chình sau 12 tháng nuôi có thể đạt kích cỡ trên 1 kg/con.
Cách tiến hành thu hoạch như sau:
- Chọn thời điểm thu hoạch vào sáng sớm hay chiều mát.
- Trước khi thu hoạch, cho cá nhịn ăn một ngày.
- Cá thu hoạch được nhốt trong bể nước sạch có sục khí, hoặc giai để cho cá khỏe, chịu đựng được mật độ cao thuận tiện cho việc vận chuyển sống đến thị trường tiêu thụ.