Loài cá sỉnh được người dân ở đây thường gọi là cá hồi Tây Bắc. Ở bản Phán Thượng, xã Nghĩa Lợi, thị xã Nghĩa Lộ (Yên Bái) có bố con ông Lò Văn Pổn vẫn còn đi bắt cá sỉnh theo kiểu truyền thống trèo mảng ngược dòng đuổi bắt cá.
Mường Lò được mọi người biết đến là vùng lòng chảo có đồng lúa lớn thứ hai vùng Tây Bắc. Mường Lò có dòng Nậm Thia, Nậm Tộc trong lành khơi nguồn từ những đỉnh núi cao chảy về đã mang lại cho cánh đồng Mường Lò nguồn thủy sản tự nhiên vô tận. Loài cá sỉnh được người dân ở đây thường gọi là cá hồi Tây Bắc. Cá sỉnh được sinh ra trên những ngọn thác cao và 2 năm sau khi vùng vẫy dưới những dòng suối nơi hạ nguồn nó lại ngược dòng về nơi sinh ra để đẻ trứng tiếp tục giữ giống loài.
Săn cá "lộc trời ban" trên lưng chừng núi
Bây giờ những người đi bắt cá sỉnh ở Mường Lò rất hiếm bởi vì loài cá này càng ngày càng ít đi, khó bắt, nhiều người đi bắt cá vì nhớ mùi vị của cá trong các bữa ăn hay để chế biến làm sản vật tặng cho người thân. Ở bản Phán Thượng, xã Nghĩa Lợi, thị xã Nghĩa Lộ (tỉnh Yên Bái) có bố con ông Lò Văn Pổn vẫn còn đi bắt cá sỉnh theo kiểu truyền thống trèo mảng ngược dòng đuổi bắt cá.
Ông Pổi kể hồi xưa khi còn nhỏ ông thường theo bố đi đánh "Vát". Cây "Vát" là một loại cây ra quả mà dân tộc Thái, dân tộc Mường ở Nghĩa Lộ trồng rất nhiều. Hạt "Vát" được người già trong bản cho rằng nó là một loại thuốc độc. Hạt "Vát" chảy nhựa đặc màu xanh như mủ. Khi đánh cá, lấy hạt "Vát" giã nát trộn với tro bếp, trộn một lúc vài thúng rồi mang ra đầu nguồn con suối thả xuống, nước suối đục lên, cá Sỉnh bị trúng độc cay mắt ngoi lên mặt nước ngớp ngớp, thế là vớt cá cho vào giỏ…Có hôm cá sỉnh ngớp trắng cả một vùng suối.
Bây giờ cá suối, nhất là cá sỉnh-lộc trời ban ít lắm phải đi mảng vượt núi cả đêm để rình cá, thế là 2 giờ sáng, tôi lên mảng của bố con ông Lò Văn Pổn- người có kinh nghiệm nhất trong bản ngược suối Thia để đi săn cá sỉnh. Bè mảng ghép lại từ 5 - 6 cây tre già, dụng cụ bắt cá là lưới chài. Mỗi bè đi săn cá chỉ có 2 người, thường là hai cha con nhưng lần này tôi được "ưu ái" cho đi cùng nhưng với một điều kiện ngồi yên lặng và không làm gì cả.
Ông Pổn cho biết: Để bắt được cá sỉnh không phải dễ dàng, bởi đây là loài cá rất khỏe, thích sống nơi nước chảy xiết, sợ tiếng động lạ…. người đi bắt cá phải thao tác nhuần nhuyễn, người ngồi sau điều khiển mảng, người trước lựa dòng chảy quan sát nơi Cá sỉnh ăn để quăng chài.
Sau một tiếng vượt dòng Nậm Thia, chúng tôi đến một dòng chảy to và xiết. Với kinh nghiệm của ông Pổn, đây là nơi cá sỉnh thích sống nhất. Qua 3 lần tung chài, con cá sỉnh đầu tiên cũng được bố con ông Pổn bắt lên. Cá sỉnh trông gần giống loài cá trôi Ấn Độ nhỏ, điều khác biệt ở chỗ nó có môi đen xanh và dầy, mình thon dài, đầu nhỏ... Vẩy cá sỉnh trắng, lăn tăn như hoa bạc, hai bên lườn ánh xanh. Con cá sỉnh nào to nhất cũng chỉ bằng bốn ngón tay,
Ông Pổn cho biết: Loài cá sỉnh này về mùa sinh đẻ thường ngược về nguồn để cùng giao duyên, đẻ trứng sinh nở bảo toàn nòi giống.
Nhờ dòng nước xiết đã đẩy lũ cá con dạt về nơi dòng chảy yếu hơn để lớn lên, điều này khẳng định cá sỉnh có nhiều ở dòng Nậm Thia là thế.
Để đãi khách quí, ông Pổn đã đãi tôi món "Pa Kính Pỉnh" ngay trên bờ suối. Cá sỉnh tươi thoa muối kẹp bằng gắp tre nướng trên than hồng, khi nào mỡ cá xèo xèo bốc mùi ngầy ngậy trên than, cá vàng đều, mang xuống chấm với muối, chanh, hạt sẻn, gừng. Món ăn ngon mà tôi từng được ăn bấy lâu nay.
Cá sỉnh-Sản vật trong đời sống văn hóa dân tộc Thái
Tục ngữ Thái có câu: "Cáy măn mọk má ha, Báu to pa pỉnh tộp ma sú" nghĩa là: "Gà tơ tần đem đến, không bằng cá pỉnh tộp đem cho". Người ta đánh giá món cá nướng này sang trọng không chỉ bởi giá trị ẩm thực của nó mà còn bởi sự ước lượng chuẩn xác và bàn tay khéo léo của người làm ra nó.
Khi đứa con mới đẻ, người mẹ lấy đôi đũa mới gắp miếng cá nướng chấm vào miệng con trẻ, làm như vậy có nghĩa là bé sinh ra hưởng miếng cơm cá mà lớn khôn. Đối với đồng bào Thái, "Cơm trắng, miếng cá bạc" là biểu tượng cho sự no đủ, hạnh phúc.
Gia đình ông Chu Văn Luật - thôn Đêu 3 - xã Nghĩa An (TX Nghĩa Lộ, tỉnh Yên Bái) luôn phải hợp đồng với những người đánh bắt cá sỉnh. Ông cho biết, trong mâm cơm đãi du khách bao giờ cũng phải có món cá sỉnh nướng với cái tên "Pa Pỉnh Tộp", đây là món ăn quý trọng, mến khách, hẹn gặp lại không bao giờ quên!