Tuy là huyện vùng cao biên giới nhưng Phong Thổ (tỉnh Lai Châu) lại được thiên nhiên ưu ái ban tặng nhiều nguồn nước mát lạnh. Đây là tiềm năng để huyện khai thác phát triển, nuôi trồng thủy sản, nhất là nuôi cá nước lạnh phục vụ nhu cầu thị trường.
3 năm trở lại đây, huyện Phong Thổ được nhiều người biết đến là nơi nuôi cá nước lạnh như: cá hồi, cá tầm ngon, thịt chắc, thơm. Đây là những loại cá có giá trị kinh tế cao, bình quân mỗi ki-lô-gam cá tầm, cá hồi bán ra thị trường dao động từ 170-240 nghìn đồng.
Chúng tôi đến thăm khu vực nuôi cá tầm của gia đình anh Sùng A Phông (ở bản Sin Suối Hồ, xã Sin Suối Hồ). Thời điểm này, anh đang tất bật với công việc xây thêm bể nuôi cá hồi.
Nghỉ ngơi chốc lát, anh Phông tâm sự: “Trước đây, tôi thấy người dân ở bản Chu Va (huyện Tam Đường) tận dụng nguồn nước lạnh nuôi cá hồi, cá tầm cho thu nhập cao. Khi đi tham quan thực tế, về so sánh với nguồn nước ở địa phương cũng gần như thế, nước rất mát (tầm 18oC), thế là tôi nảy sinh ý tưởng thử nuôi cá tầm...".
Đầu năm 2020, anh Phông vay ngân hàng 150 triệu đồng, xây bể có diện tích khoảng 100 m2; đầu tư đường ống dẫn nước từ khe về bể; rồi tôi đi học hỏi kinh nghiệm chăm sóc, nuôi cá hồi của người dân, hợp tác xã (HTX) ở Sa Pa (tỉnh Lào Cai), bản Chu Va (huyện Tam Đường) và nhập giống cá tầm ở đó về nuôi.
Hàng ngày, anh cho cá ăn đúng bữa, đúng liều lượng và loại cám; thường xuyên dọn bể; thay nước liên tục, tạo môi trường sạch cho cá phát triển. Sau hơn 1 năm chăm sóc cá, từ đầu năm tới nay, anh bán được hơn 200 triệu đồng.
Hiện tại trong bể anh Phông còn hơn 1 tạ cá hồi sắp được xuất bán. Thấy lợi nhuận cá tầm mang lại cao, thị trường đầu ra cũng ổn định, anh đang xây tiếp 2 bể, mỗi bể khoảng 100 m2 để nuôi cá hồi; tiếp tục nuôi lứa cá tầm mới.
Được biết, trên địa bàn huyện Phong Thổ hiện có nhiều đơn vị, HTX và người dân đang nuôi cá tầm, cá hồi như: Xí nghiệp nuôi cá nước lạnh của Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 356; HTX nông nghiệp vùng cao Phong Thổ (xã Tung Qua Lìn); khu vực nuôi cá nước lạnh của Đồn Biên phòng Vàng Ma Chải (xã Pa Vây Sử); HTX Dương Yến (thị trấn Phong Thổ); các hộ dân của xã Sin Suối Hồ.
Theo lời chia sẻ của đồng chí Vương Thế Mẫn - Chủ tịch UBND huyện Phong Thổ, trong lĩnh vực thủy sản, huyện có nhiều tiềm năng, lợi thế về nuôi cá nước lạnh. Hiện nay, huyện chỉ đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với chính quyền các xã, thị trấn trên địa bàn rà soát, lập quy hoạch các vùng có thể nuôi cá nước lạnh.
Huyện khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để Nhân dân trên địa bàn khai thác tiềm năng nuôi cá nước lạnh; mở rộng diện tích, nhân số lượng đàn nuôi. Các phòng chuyên môn phối hợp hỗ trợ các hộ có nhu cầu nuôi cá nước lạnh về kỹ thuật chăm sóc, phòng bệnh cho cá; tìm đầu mối cung cấp cá giống chất lượng.
Huyện kêu gọi các đơn vị, doanh nghiệp liên kết tiêu thụ sản phẩm cá nước lạnh. Hỗ trợ các HTX xây dựng sản phẩm cá nước lạnh theo chương trình OCOP (chương trình mỗi xã một sản phẩm).
Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, hiện nay trên địa bàn huyện Phong Thổ có 3 sản phẩm cá nước lạnh đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao của HTX Dương Yến, đó là: Ruốc cá hồi Dương Yến, cá hồi phi lê Dương Yến, cá tầm cắt khúc Dương Yến.
Từ khi có nhãn hiệu, các sản phẩm của HTX được tăng cường quảng bá trên mạng xã hội, kênh thông tin truyền thông, hội chợ, hội nghị. Nhờ đó, nhiều người tìm đến và đặt mua hơn. Hiện tại, vừa nuôi cá hồi, cá tầm với diện tích 500m2 (sản lượng bình quân mỗi năm trên 20 tấn) kết hợp với kinh doanh nhà hàng; bán các mặt hàng sản phẩm OCOP, doanh thu của đơn vị đạt trên 3 tỷ đồng/năm.
Chính quyền địa phương các xã, thị trấn trong huyện Phong Thổ còn khuyến khích nhân dân cải tạo ao hồ, tích cực phát triển nuôi trồng đánh bắt thủy sản theo hướng hàng hóa thị trường thay vì hình thức tự cung tự cấp như trước.
Chị Hoàng Thị Sáng (ở bản Mấn 1, xã Nậm Xe) chia sẻ: Vợ chồng tôi xuất thân từ nhà nông. Vì thế, tận dụng đất đồi của gia đình, năm 2015, vợ chồng tôi đào hơn 100 m2 ao nuôi các loại cá: rô phi, trắm, chép để có thêm thu nhập. Hàng ngày, tôi chặt chuối về thái làm thức ăn cho cá, kết hợp với cám ngô, sắn. Nhờ đó, mỗi năm, ngoài phục vụ nhu cầu thực phẩm cho gia đình, vợ chồng tôi bán được gần 30 triệu đồng; có thêm khoản thu nhập trang trải cuộc sống, nuôi con ăn học.
Được biết, toàn huyện Phong Thổ có diện tích nuôi trồng thủy sản 43 ha, trong đó, 667 hộ tham gia nuôi cá ao; 35 bể nuôi cá nước lạnh của hộ dân, đơn vị, HTX với tổng thể tích bể 3.587 m3. Từ đầu năm đến nay, tổng sản lượng nuôi trồng và đánh bắt thủy sản ước đạt gần 100 tấn (cá nước lạnh ước đạt 35 tấn).
Tin rằng, thời gian tới, huyện Phong Thổ (tỉnh Lai Châu) tiếp tục khai thác tiềm năng để phát triển thủy sản, nhất là nuôi cá nước lạnh. Đó không chỉ giải quyết được việc làm cho lao động nông thôn, tăng thu nhập cho bà con; mà còn khẳng định được thương hiệu riêng cho huyện với những sản phẩm nông nghiệp có giá trị kinh tế cao.