Cá Giống Trường Phát Cá Giống Trường Phát
Mô hình Aquaponic hiệu quả cao: Nuôi cá lóc- trồng rau muống

Mô hình Aquaponic hiệu quả cao: Nuôi cá lóc- trồng rau muống

Home Tin Tức Mô hình Aquaponic hiệu quả cao: Nuôi cá lóc- trồng rau muống
Mô hình Aquaponic hiệu quả cao: Nuôi cá lóc- trồng rau muống
23/01/2022
44 Lượt xem

Chia sẻ với:

Mô hình Aquaponic hiệu quả cao: Nuôi cá lóc- trồng rau muống

Aquaponics được biết đến là một mô hình thân thiện với môi trường, được ứng dụng ở nhiều nơi trên thế giới, nhằm mục tiêu phát triển ngành nuôi trồng thủy sản, nông nghiệp theo hướng “xanh”, bền vững, thích ứng được với biến đổi khí hậu.

Mô hình này là sự kết hợp giữa trồng rau và nuôi cá trong một hình tuần hoàn. Nước thải nuôi cá sẽ được vận chuyển để tưới cây, trong lượng nước thải này chứa rất nhiều chất dinh dưỡng để cây phát triển mà không cần phải bón thêm phân. Cây đóng vai trò như một máy lọc sinh học, giúp cải tạo lại nước và lượng nước này sẽ lại được đưa trở lại để nuôi cá. Nhưng mô hình này gặp phải nhiều vấn đề, đặc biệt là chi phí để sản xuất theo hướng thương phẩm thì lợi nhuận không đạt được hiểu quả cao. 

Nhóm nghiên cứu đến từ trường Đại học Da-Yeh, Đại học Tôn Đức Thắng và Đại học Trà Vinh, thực hiện tại tỉnh Trà Vinh, được đăng trên tạp chí Aquacultural Engineering, đã báo cáo kết quả của nghiên cứu về việc cải thiện và nâng cao hiệu quả kinh tế cho nuôi cá lóc kết hợp rau muống trong mô hình Aquaponics. 

Nghiên cứu được tiến hành trong 150 ngày, đối tượng được sử dụng trong nghiên cứu là cá lóc và rau muống. Thí nghiệm gồm 2 nghiệm thức, nghiệm thức thứ nhất là cá lóc nuôi kết hợp với rau muống theo công nghệ Aquaponics. Nghiệm thức đối chứng bao gồm cá lóc và rau muống được nuôi trồng theo kiểu truyền thống. Mỗi nghiệm thức sẽ được lặp lại 3 lần.

 

Nghiên cứu được thực hiện trên cá lóc giai đoạn giống, với kích cỡ khoảng từ 3.82g đến 5.36g, được nuôi trong ao nổi với diện tích là 3 x 4m, mực nước nước rơi vào khoảng 1.2m, thể tích của ao là 1440L. Mỗi nghiệm thức có mật độ khoảng khoảng 70 con/m2. Mỗi ao sẽ được thiết kế thiết bị đưa nước ra vào, được kết nối với bể lọc nằm ngay bệnh cạnh mỗi ao. Bể lọc này bao gồm các lớp lọc: Lớp thứ nhất là sỏi 4 x 6, lớp thứ hai là sỏi 1 x 2, lớp cuối cùng là nắp chai và các mảnh lưới nhỏ được trộn với cát. Mỗi lớp sẽ được đặt trong một túi lưới để dễ dàng sắp xếp, vệ sinh và vận chuyển. 

Trong nghiệm thức nuôi theo kiểu truyền thống, lượng nước thay mới mỗi ngày rơi vào khoảng 20%. Ở tất cả nghiệm thức, nguồn nước được đưa vào sử dụng là nước sông, sử dụng 5ppm KMnO4 để xử lý trước khi đưa vào ao nuôi, duy trì lượng oxy hòa tan trong ao luôn ở mức 4mg/L bằng máy sục khí. Cá được cho ăn với các loại thức ăn viên có trên thị trường, tần suất 2 lần/ngày, buổi sáng vào lúc 7 giờ và buổi chiều vào lúc 5 giờ. Cá sẽ được cho ăn 6 ngày liên tục và bỏ đói 1 ngày để kích thích hiệu quả tiêu hóa thức ăn được tốt hơn. Các chỉ tiêu về cân nặng và chiều dài của cá sẽ được đo một lần vào mỗi tháng. Sau 150 ngày, hầu hết sẽ đạt được kích cỡ thương phẩm. Các chỉ tiêu như nhiệt độ và pH sẽ được đo vào buổi sáng lúc 7 giờ đến 8 giờ sáng, buổi chiều vào lúc 14 giờ đến 15 giờ và luôn duy trì ở mức phù hợp cho cá lóc phát triển. 

 

Rau muống được trồng trong 6 luống, với diện tích là 24 m2 (8 x 3m). Các luống rau được thiết kế với nhiều lớp màng lọc theo thứ tự từ trên xuống. Lớp thứ nhất là sỏi 4 x 6 cm; lớp thứ hai với sỏi 1 x 2 cm, và lớp thứ 3 là mụn dừa. Lớp mụn dừa này đóng vai trò như nền đất để rau muống phát triển. Trên luống tạo các lỗ nhỏ để gieo hạt giống, mỗi lỗ sẽ được gieo 3 hạt, khoảng cách giữa các lỗ là khoảng 4 đến 6 cm. Nước được tưới tự động từ 6 đến 10 lần/ngày. Toàn bộ các luống rau sẽ không sử dụng phân hay các loại hóa chất, tưới nước 2 lần trong ngày, vào lúc 8 giờ sáng và 4 giờ chiều, tưới cho đến khi nước chảy rút xuống được đáy luống. Sau 10 ngày rau sẽ thu hoạch và tiếp tục trồng đợt rau kế tiếp. Sau mỗi đợt thu hoạch và trồng mới, mụn dừa sẽ được xới lên và bổ sung thêm để giữ được độ xốp. 

Kết quả của nghiên cứu sau 150 ngày cho thấy, khi áp dụng mô hình Aquaponics, lượng nước dùng trong nuôi cá lóc tiết kiệm được đến 70% lượng thay trong suốt quá trình nuôi so với các mô hình nuôi truyền thống. Điều này sẽ giúp người nuôi ở các vùng bị xâm nhập mặn, thiếu nước ngọt giảm bớt được nỗi lo về nguồn nước sử dụng trong nuôi thủy sản. Về sản lượng cá nuôi trong mô hình aquaponics có tỷ lệ sống lên 99.76% so với 71.40% của mô hình nuôi truyền thống, FCR rơi vào khoảng 1,25 (aquaponics) và 2.25 (nuôi truyền thống) cùng với đó sản lượng lên đến gấp 3 lần: 366kg so với 130kg. Sản lượng rau muống của mô hình aquaponics cũng cho kết quả cao với 406,4kg so với 188kg ở phương thức canh tác thông thường. Tổng thu nhập từ nuôi cá lóc kết hợp với trồng rau muống cho mô hình aquaponics cho giá trị gấp 4 lần phương thức tuyền thống: 1219,42$ (tức 27.778.388 VND) so với 307,04$ (tức 6.994.371 VND).

Qua nghiên cứu này, nhóm nghiên cứu hy vọng bà con nông dân sẽ hiểu rõ hơn về mô hình và áp dụng mô hình vào thực tiễn với các loại rau và loài cá khác sẽ được hiệu quả cao. 

Nguồn: Tran Thi Ngoc Bich, Doan Quang Tri, Chen Yi-Chinga, Huynh Dang Khoa (5/2020). Productivity and economic viability of snakehead Channa striata culture using an aquaponics approach.

Tìm kiếm