Sự phát triển nhanh chóng của ngành nuôi trồng thủy sản đã gắn liền với sự xuất hiện ngày càng nhiều của dịch bệnh.Việc sử dụng rộng rãi các chất điều trị hóa học (thuốc trừ sâu, thuốc kháng sinh và vắc xin) để diệt trừ các vật trung gian truyền bệnh và mầm bệnh đã dẫn đến sự kháng thuốc trong nhiều hệ thống nông nghiệp và môi trường nuôi trồng thủy sản. Song song đó, nhiều mầm bệnh có thể thích nghi với phương pháp điều trị mới vì khả năng sinh sản cao và vòng đời ngắn. Hơn nữa, việc chuyển vật nuôi đến các bể xử lý chuyên biệt hoặc chuyển sang bể nuôi khác để cắt vòng đời của ký sinh trùng hay sử dụng hóa chất trong bể nuôi thường khó thực hiện và kém hiệu quả. Do đó, phòng ngừa và quản lý tốt môi trường nuôi cũng như tăng cường sức đề kháng của vật nuôi là vấn đề then chốt cần đáp ứng trong điều kiện hiện tại.
Hiện nay, có nhiều phương pháp tiếp cận thay thế đã được phát triển và khuyến nghị áp dụng bao gồm thay nước và làm sạch bể thường xuyên; sử dụng tia cực tím (UV) và Ozone (O3) khử trùng nước, phá vỡ cấu trúc gen và khả năng sao chép của vi khuẩn, vi rút, nấm; tắm nước ngọt có tác dụng diệt trừ ký sinh trùng biển; xử lý nhiệt - tiêu diệt ký sinh trùng bằng cách nhúng vật chủ vào nhiệt độ trên phạm vi chịu nhiệt của mầm bệnh; sử dụng tia laze phát hiện và diệt kí sinh trùng trên bề mặt da cá.
Ký sinh trùng có thể phản ứng với các chất dẫn dụ và tín hiệu khác nhau để tìm và lây nhiễm lên vật chủ. Một phương pháp đầy hứa hẹn, thân thiện với môi trường để giám sát và quản lý mầm bệnh là mồi bẫy - sử dụng các chất dẫn dụ làm "mồi", dựa vào đặc điểm hoạt động ở các giai đoạn sống cụ thể của mầm bệnh để bẫy và ngăn chặn mầm bệnh gây hại, đặc biệt là ký sinh trùng trong nuôi trồng thủy sản. Một ví dụ điển hình là “bẫy đèn” - đại diện cho một phương pháp hiệu quả, chi phí thấp, không xâm lấn, thân thiện với môi trường để theo dõi sự bùng phát và đa dạng của rận biển ký sinh trên cá hồi. Tuy nhiên, việc phát triển và nghiên cứu các bẫy ký sinh trùng hiệu quả vẫn còn sơ khai.
Mục đích của nghiên cứu này là để kiểm tra các chất dẫn dụ tiềm năng trên hai loài ký sinh phổ biến: sán lá đơn chủ Neobenedenia girellae và trùng lông Cryptocaryon irritans. Cả hai loài ký sinh này đều có vòng đời ngắn, khả năng sinh sản cao, phân bố rộng, ngoài các tác động cơ học do cơ quan bám hút gây ra chúng còn có các tuyến đơn bào có thể tiết ra độc tố gây gây viêm, loét, hoại tử da tạo cơ hội cho vi khuẩn, vi rút và nấm xâm nhập gây nên các bệnh nhiễm trùng thứ cấp. Các phương pháp quản lý, điều trị, phòng ngừa hiện tại đối với những loài này tốn nhiều công sức và thường không hiệu quả. Vì vậy, cần phát triển các phương pháp quản lý mới, thích ứng để giảm cường độ lây nhiễm của ký sinh trùng trên vật nuôi.