Cá Giống Trường Phát Cá Giống Trường Phát
Một số lưu ý trong kỹ thuật ương cá giống cá nước ngọt

Một số lưu ý trong kỹ thuật ương cá giống cá nước ngọt

Home Tin Tức Một số lưu ý trong kỹ thuật ương cá giống cá nước ngọt
Một số lưu ý trong kỹ thuật ương cá giống cá nước ngọt
01/02/2023
71 Lượt xem

Chia sẻ với:

Một số lưu ý trong kỹ thuật ương cá giống cá nước ngọt

Hiện tại, việc triển khai các mô hình ương cá giống nước ngọt còn gặp nhiều khó khăn. Sau quá trình ương 2 – 3 tháng, nhiều loài cá như cá rô đồng, cá lóc, cá tra…cho tỷ lệ sống thấp, thông thường ≤ 20 % tuỳ loài.

Trong quá trình ương, thông số môi trường nước luôn biến động, hàm lượng khí độc tăng cao, ao nhiều váng bọt, nước keo nhớt, có mùi hôi, tanh. Tảo độc như tảo lam phát triển quá mức, nở hoa, gây ô nhiễm ao ương.

Cá con dễ nhiễm các bệnh như ký sinh trùng, gan thận mủ, vi khuẩn gây bệnh ghẻ lở loét, thối đuôi, xù vảy, nấm nhớt, lồi mắt…Cá giống phân đàn, di tật nhiều. Khi chuyển qua nuôi thương phẩm, cá nuôi có sức đề kháng kém, tăng trưởng chậm, cá dễ nhiễm bệnh, tỷ lệ sống thấp. 

Nguyên nhân ảnh hưởng xấu đến ương cá 

Khi ương cá giống từ giai đoạn trứng, cá bột…do kích thước cá con quá nhỏ, cá bột di chuyển khó khăn nếu để mức nước ao ương ban đầu quá cao (1 – 1,2 m). Mức nước cao, gây ra áp suất rất lớn, cá con phải dùng lực rất lớn để thắng lực cản của nước mới di chuyển được. Do vậy, cá con tiêu hao rất nhiều năng lượng cho hoạt động di chuyển. Sức khoẻ yếu dần sau di chuyển, là cản trở lớn trong quá trình tìm kiếm thức ăn, săn bắt mồi.  

Trong môi trường ương, do giai đoạn chuẩn bị, không cải tạo, xử lý ao ương, nguồn nước ao ương kỹ. Không bón vôi, hoặc bón không đúng loại vôi, bón không đủ liều, không phơi nắng sau bón vôi đủ thời gian theo kỹ thuật khuyến cáo… 

Chất hữu cơ, bùn đáy, không được sên vét, loại bỏ triệt để ra khỏi ao ương. Nguồn nước lấy vào ao ương không qua lọc, lắng, và xử lý không kỹ, xử lý không đúng và đầy đủ hoá chất, hoá chất dùng không đúng liều khi xử lý…Nhiều chất lơ lửng, phù sa, vào ao, kết hợp bùn đáy, chất hữu cơ, tạo điều kiện thuận lợi về dinh dưỡng cho tảo lam phát triển mạnh trong ao ương.  

Tảo lam phát triển, tiết ra chất độc, gây hại cho cá con. Ban ngày, tảo quang hơp, làm pH trong ao biến động, gây sốc cho cá con. Ban đêm, tảo hô hấp, làm ao thiếu oxy, thiếu dưỡng khí cho cá con.  

 

Các loài địch hại như bọ gạo, bắp cày, nòng nọc của các loài ếch nhái, cá dữ, rắn, chim cò…xuất hiện nhiều trong ao ương, trực tiếp tấn công cá con, gây ra hao hụt lớn, tỷ lệ sống cá con thấp sau thời gian ương.  

Thông số môi trường thường xuyên biến động, tảo phát triển dày, làm pH biến động lớn giữa sáng, chiều, tối. Tảo nở hoa, suy tàn, lắng xuống đáy, tích luỹ hữu cơ. Hình thành quá trình phân huỷ hữu cơ, phân huỷ mạnh, sinh khí độc như NH3, NO2, H2S…với hàm lượng cao dần khi pH tăng cao, gây độc cho cá con.  

Mật độ ương nuôi quá dày, 2.000 – 3.000 cá bột/m2 như hiện nay, ảnh hưởng đến tăng trưởng, độ đồng đều, tỷ lệ sống cá ương.  

Cá tăng trưởng chậm, ADG tuần thấp, cá phân đàn thành nhiều size, tỷ lệ sống ≤ 20 %. Thức ăn tự nhiên trong ương nuôi cá bột, cá hương, cá giống, như DaphniaMoinaProtozoaRotifer, vi tảo, ấu trùng muỗi lắc, giun nhiều tơ… rất quan trọng, cần thiết, quyết định thành công mô hình, tỷ lệ sống cá con. Đặc biệt, giai đoạn cá bột, sau khi tiêu thụ hết noãn hoàng, bắt đầu sử dụng thức ăn ngoài, nhưng chưa ăn được thức ăn công nghiệp.  

 

Thức ăn tự nhiên, đa số có kích thước nhỏ, tươi, sống, phù hợp miệng, tập tính và khả năng bắt mồi của cá con. Ngoài ra, thức ăn tự nhiên cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng cần thiết cho phát triển, đảm bảo sức khoẻ và tồn tại của cá con.  

Nhiều người nuôi khi ương cá bột không gây nuôi thức ăn tự nhiên, hoặc gây nuôi thức ăn tự nhiên không đúng yêu cầu kỹ thuật. Thành phần nguyên liệu gây nuôi thức ăn tự nhiên không phù hợp, thời gian gây nuôi thức ăn tự nhiên không kịp thời với thời điểm hết khối noãn hoàng của cá con, cá con chết nhiều do thiếu thức ăn.  

Sức đề kháng của cá con và dịch bệnh tác động lớn đến tỷ lệ sống, tăng trưởng, độ đồng đều cá con. Sức đề kháng của cá con và việc dịch bệnh xâm nhập vào ao nuôi, được quyết định bởi các vấn đề đã phân tích trên.  

Về quy cách, tuỳ theo mỗi loài cá, quy cách cá bột, cá hương, cá giống, khác nhau. Cá bột, kích thước dao động từ 0,2 – 0,7 cm. Cá hương, kích thước dao động từ 1,2 – 3,0 cm. Cá giống, kích thước dao động từ 4 – 12 cm. 

Chuẩn bị ao ương  

Mức nước ban đầu dùng để ương cá bột phù hợp nhất từ 0,5 – 0,8 m, sau đó theo kích thước cá con, sự phát triển cá con, giai đoạn ương nuôi, mục đích ương nuôi…điều chỉnh mức nước ao nuôi cho phù hợp.  

Tuân thủ các bước cải tạo, xử lý ao ương. Đảm bảo sau khi sên bùn, xảm mọi, nạo vét đáy ao, gia cố bờ ao, cống, tiến hành dùng vôi sống CaO hoặc vôi tôi Ca(OH)2 bón với liều lượng 25 – 30 kg/100 m2. Sau khi bón vôi, cần phơi ao 5 – 7 ngày, mới tiến hành lấy nước vào ao ương, một số vùng nhiễm phèn cần hạn chế phơi ao, tránh hiện tượng xì phèn.  

 

Nước lấy vào ao ương phải qua túi lọc, lưới lọc, chắn cá tạp, địch hại, ngăn không cho vào ao ương. Sau khi lấy nước vào ao được 2 ngày, tiến hành sử dụng thuốc xử lý, tạt xuống ao diệt vi rút, vi khuẩn, nấm …có trong nguồn nước trước khi thả giống. 

Gây màu nước và ương cá 

Dùng Iodine, liều 1 lít/5.000 m3 nước. Dùng phân vô cơ như Urea kết hợp NPK gây màu nước trước khi thả giống, liều mỗi loại 0,5kg/100m2, bà con có thể dùng 2 kg bột cá mịn 40% đạm + 2 kg bột đậu nành cho ao 1.000 m2, để cung cấp thức ăn tự nhiên cho cá.  

Mật độ ương 500 – 1.500 con/m2, tuỳ loài cá, điều kiện ao ương, trang thiết bị hỗ trợ, trình độ kỹ thuật, đảm bảo không gian đủ rộng cho cá con phát triển.  

Thức ăn cho cá 

Thức ăn cho cá con trong mười ngày đầu gồm lòng đỏ trứng vịt luộc tán nhuyễn và bột đậu nành pha loãng nấu chín, số lượng 5 lòng đỏ trứng vịt và 500g bột đậu nành cho 100.000 cá bột/ngày. Ngày cho ăn 4 - 6 lần hoặc 300g bột cá + 300g bột đậu nành + 300g cám gạo/100.000 bột/ngày. Sau đó cho cá con ăn thức ăn công nghiệp dạng bột ≥ 40 - 45% đạm. 

Thức ăn cho cá bột nên bổ xung Vitamin tổng hợp, Beta glucan, khoáng chất…Khẩu phần thức ăn, khởi điểm cho ăn 100g thức ăn/vạn cá/ngày, sau đó tùy khả năng bắt mồi của cá, tăng hoặc giảm khẩu phần cho ăn.  

Lượng thức ăn cung cấp cho cá con thay đổi theo sự phát triển của cá bột, tại thời điểm lấy thức ăn ngoài, khẩu phần ăn cho mỗi lần ăn khoảng 12 - 14% khối lượng thân, khẩu phần ăn tăng lên 22-26% khi cá đạt chiều dài 6-6,5mm và giảm còn 10% khi cá có chiều dài từ 7 mm trở lên. 

Chăm sóc và quản lý 

Quá trình theo dõi, chăm sóc, quản lý của người nuôi, cũng như việc chủ động điều tiết, phòng ngừa, xử lý ngay giai đoạn bệnh mới bắt đầu, quyết định sự thành công của biện pháp xử lý. 

 

Nên tăng lượng phân bón, giữ nước ao có màu xanh noãn chuối non hoặc vàng vỏ đậu xanh. Thường xuyên dùng vi sinh đánh xuống ao, chủ động giảm thiểu khí độc.  

Dùng vôi CaCO3, CaO, Zeolite, Yucca, vi sinh…điều tiết màu nước, giảm mật độ tảo, diệt tảo độc, giảm khí độc, làm sạch đáy ao ương.  

Thay nước là biện pháp hiệu quả, tiết kiệm chi phí, cải thiện sức khoẻ cá con. Chủ động thay 20 – 30% nước ao ương, kích thích cá phát triển.  

Nếu cá con trong quá trình ương phân đàn, cần chủ động chặt lồng, lọc cỡ, để cá phát triển đồng đều hơn. Việc phòng bệnh cho cá cần chủ động, thông qua giữ thông số môi trường ổn định, hạn chế khí độc bùng phát.  

Cho cá ăn vừa đủ, tránh cho ăn dư thừa, gây ô nhiễm nước. Theo dõi hoạt động bơi lội, di chuyển, đớp móng, ăn mồi...  

Định kỳ hàng tuần, bắt cá, kiểm tra mang, vảy, nội quan…chủ động diệt khuẩn, diệt ký sinh trùng, diệt nấm, khi dịch bệnh mới xâm nhập vào ao ương, khi sức khoẻ cá còn tốt, khi thông số môi trường còn khả năng kiểm soát. 

Tìm kiếm