Chia sẻ với:
Năm 2013: Xuất khẩu cá ngừ giảm vì thiếu nguyên liệu
Năm 2013, do thời tiết không thuận lợi, nhiều mưa bão, thêm vào đó chi phí cho chuyến biển cao do xăng dầu tăng giá nên hoạt động khai thác thuỷ sản ở các vùng biển xa của ngư dân gặp nhiều khó khăn. Chất lượng cá sau thu hoạch lại không đủ phẩm cấp để XK dưới dạng hàng có giá trị cao nên giá bán cá ngừ đại dương giảm mạnh khiến nhiều tàu bị lỗ vốn. Sản lượng khai thác cá ngừ đại dương năm 2013 giảm, chỉ đạt 13 nghìn tấn, giảm 15% so với năm 2012.
Năm qua, trong khi XK các sản phẩm cá ngừ chế biến vẫn tăng khả quan, XK các sản phẩm cá ngừ có giá trị cao mã HS03 lại giảm. Kết quả cả năm 2013, XK cá ngừ mã HS03 đạt 257 triệu USD, giảm 22%, chiếm 52% tổng XK cá ngừ. Trong khi đó, sản phẩm cá ngừ mã HS16 đạt 233 triệu USD, tăng 20% và chiếm 48%.
Mỹ, EU, Nhật Bản, ASEAN, Israel, Tunisia, Canada và Mexico tiếp tục là nhóm 8 thị trường NK cá ngừ chính của Việt Nam, chiếm tới gần 86% tổng giá trị NK cá ngừ của Việt Nam.
Trong bức tranh chung XK cá ngừ, mặc dù quá nửa số thị trường XK chính của Việt Nam có tốc độ tăng trưởng dương. Nhưng do 3 thị trường Mỹ, Nhật Bản và ASEAN sụt giảm NK nên khiến tổng giá trị XK sang các thị trường cũng giảm.
Thị phần của các thị trường thay đổi so với năm 2012: Mỹ - giảm tới hơn 7%; Nhật Bản giảm 1,5%, trong khi tỷ trọng giá trị XK sang EU tăng 4%.
Mỹ: Tổng giá trị XK cá ngừ trong cả năm 2013 chỉ đạt 187,4triệu USD giảm 23,4% so với cùng kỳ. XK cá ngừ tươi/sống/đông lạnh và chế biến sang Mỹ đều giảm so với năm trước. XK cá ngừ tươi/sống/đông lạnh/khô mã HS03 trong năm đạt 95,7 triệu USD, giảm gần 35% so với năm trước. Còn XK cá ngừ chế biến đạt 91,7 triệu USD, giảm hơn 6,1%.
EU: XK cá ngừ của Việt Nam sang EU vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng tốt. Nhưng trong quý IV/2013, khi các thị trường này bước vào mùa lễ hội lớn nhất trong năm, XK sang 3 thị trường NK chính trong khối là Đức, Italia và Tây Ban Nha lại có sự sụt giảm so với cùng kỳ. Điều này cho thấy vị trí của các sản phẩm cá ngừ Việt Nam đang có dấu hiệu bị lung lay. Tổng giá trị XK cá ngừ sang đây đạt 140,733 triệu USD tăng 24,4% so với năm 2012.
Năm 2013 do những khó khăn về nguyên liệu đã khiến các DN phải chuyển đổi cơ cấu XK các sản phẩm cá ngừ sang đây. Tổng giá trị XK cá ngừ mã HS 03 sang EU đạt 67,9 triệu USD, giảm 7,4%, trong khi các sản phẩm chế biến lại tăng hơn 81%, đạt hơn 73 triệu USD.
Nhật Bản: Tổng giá trị XK trong cả năm 2013 chỉ đạt 42 triệu USD, giảm 22% so với năm 2012. XK cá ngừ chế biến sang đây có sự tăng trưởng tốt, đạt hơn 6,6 triệu USD, tăng gần 11% so với năm 2012. Tuy nhiên, sự tăng trưởng này cũng không đủ bù đắp sự sụt giảm của mặt hàng XK chủ lực sang đây - cá ngừ tươi/sống/đông lạnh/khô (mã HS 03) – giảm hơn 26%, đạt 35,3 triệu USD.
ASEAN: Trong nửa đầu năm 2013, XK cá ngừ của Việt Nam sang các nước ASEAN có sự tăng trưởng ổn định, nhưng càng về cuối năm lại có xu hướng giảm khiến cả năm 2013 chỉ đạt 35,5 triệu USD, giảm 3,6%. Năm qua, ASEAN đang có xu hướng tăng cường NK các sản phẩm cá ngừ chế biến khác của Việt Nam, năm 2013 giá trị XK mặt hàng này tăng gần 9% so với năm 2012. Trong khi XK cá ngừ Cá ngừ sống/tươi/đông lạnh/khô (thuộc mã 03) (trừ cá thuộc mã 0304), cá ngừ thuộc mã 0304 (trừ sản phẩm chả cá và surimi) và cá ngừ đóng hộp (thuộc mã 16) giảm, lần lượt là 16%, 2,5% và 48%.
Nhìn chung năm 2013, XK cá ngừ của Việt Nam gặp nhiều khó khăn: lượng cá ngừ tồn kho tại các thị trường lớn tăng; yêu cầu vệ sinh tại các thị trường ngày càng khắt khe hơn; nguồn nguyên liệu trong nước để XK dưới dạng các sản phẩm có giá trị cao thiếu, khiến DN phải NK nguyên liệu từ bên ngoài nhưng thuế NK lại tăng, thủ tục NK vẫn còn rất phức tạp...
Dự báo, năm 2014, nguồn nguyên liệu cá ngừ phục vụ cho XK vẫn thiếu. Cả năm 2014, tổng kim ngạch XK cá ngừ dự báo đạt 550 triệu USD tăng khoảng 4% so với năm 2013.
vasep.com.vn