Nuôi cá cảnh là một việc tuy không khó, nhưng đòi hỏi phải có đủ kiến thức để duy trì bể cá luôn khỏe mạnh. Một trong những khó khăn mà người yêu cá thường gặp phải là tình trạng cá cảnh bị chết bất thường và không rõ nguyên nhân.
Vì sao cá cảnh lại chết?
Trước tiên, là do vấn đề về ăn uống. Khi mới nuôi, người nuôi thấy cá đớp lia lịa tưởng đói nên cho ăn thật nhiều mà không biết rằng hầu hết các loại cá đều có tập tính chung là đớp mồi. Cá thường không phân biệt được việc mình đã no hay chưa để dừng lại, vì thế nên bị đầy bụng và chết.
Tiếp đến là vấn đề nguồn nước, nếu dùng nước máy nuôi cá sẽ khiến cá chết vì cá cảnh không tồn tại được trong môi trường nước Clo. Bên cạnh đó, việc thay nước quá thường xuyên và thay hết nước trong bể sẽ khiến cá bị sốc do không thích nghi kịp với môi trường mới.
Người nuôi cá cảnh cũng cần phải chú ý đến nhiệt độ của nước, nồng độ PH, độ cứng của nước thích hợp với cá để chúng có thể sinh trưởng, phát triển trong điều kiện tốt nhất.
Bên cạnh đó, còn có những nguyên nhân khác, không tạo vi sinh cho bể cá (vi sinh giúp phân giải thức ăn dư thừa, phân thải, cặn bã, khử khí độc, điều hòa phát triển tảo…), không có hệ thống sục khí, hệ thống lọc kém, giống cá mua về rất yếu và đã nhiễm bệnh,..
Hơn hết, cần phải lưu ý đến các chỉ số chất lượng nước sử dụng trong quá trình vận chuyển cần tương đồng với chỉ số chất lượng nước trong bể cá, có thể bổ sung Vitamin C hoặc B cho cá. Không nên vận chuyển cá với số lượng quá nhiều trong cùng một bịch , tùy thuộc vào thời gian vận chuyển, thông thường đối với cá Dĩa có kích thước từ 8 – 10 cm, thường đóng 1 bịch/con. Nên vận chuyển cá vào những lúc thời tiết mát như buổi sáng sớm, chiều mát hoặc ban đêm nhằm hạn chế tối đa quá trình hoạt động của cá, giảm quá trình hô hấp và trao đổi chất cho cá.
Trong quá trình vận chuyển cá, cần hạn chế việc phát sinh và tích lũy các loại khí độc trong suốt quá trình bằng cách sử dụng nước sạch, nước mới (đã kiểm tra các chỉ số môi trường tương đồng với nước trong bể).
Tăng cường sục khí trước khi vận chuyển, giúp tăng cường quá trình trao đổi chất để cá thải hết phân ra ngoài môi trường trước khi đóng cá. Bảo đảm cung cấp đủ oxy trong quá trình vận chuyển và thường xuyên theo dõi bọc cá, tránh để oxy rò rỉ ra bên ngoài.
Những lưu ý để có được bể cá khỏe mạnh
Trước khi tiến hành vận chuyển cá đi xa từ 3 – 5 ngày, cần tăng cường bổ sung các loại men tiêu hóa, vitamin, khoáng để tăng cường sức đề kháng cho cá cũng như giúp hạn chế stress cho cá trong quá trình vận chuyển.
Tùy thuộc khoảng cách vận chuyển mà người nuôi có lựa chọn ngưng cho cá ăn trước 24h hoặc 48h trước lúc đóng cá vào bịch. Việc ngưng cho cá ăn trước khi vận chuyển giúp hạn chế cá bị các bệnh về đường ruột và các loại khí độc phát sinh trong bịch cá trong quá trình vận chuyển.
Nên tắm cho cá bằng loại dung dịch muối ăn nồng độ từ 2 đến 3 % trong khoảng thời gian từ 7 đến 10 phút. Muối ăn có tác dụng ức chế quá trình hoạt động các vi sinh vật vừa có tác dụng phòng bệnh cho cá.
Trước khi thả cá vào bể, cần vệ sinh bể mới thật kỹ, kiểm tra các chỉ số môi trường nước trong bể mới phù hợp cho từng loại cá. Đặt bao đựng cá trong bể, vẫn bịt kín miệng bao và thả trôi khoảng 10 – 20 phút. Thời gian này sẽ giúp cá làm quen với nhiệt độ nước trong hồ. Sau đó, mở miệng bao để cá từ từ bơi ra ngoài.
Không đột ngột bắt cá từ bao thả trực tiếp vào bể mới, sẽ làm cá bị stress, bỏ ăn. Bắt đầu cho cá ăn vào ngày thứ hai kể từ ngày thả cá vào bể mới, lần đầu cho ăn, cần cho ăn ở mức ít nhất có thể, để cá dần quen và thích nghi, do cá bị bỏ đói trong quá trình vận chuyển, nếu đột ngột cho ăn lại quá nhiều sẽ gây khó tiêu, dễ bị đường ruột.
Trong quá trình cho ăn, thường xuyên theo dõi các biểu hiện bất thường của cá, để kịp thời điều chỉnh lượng thức ăn cho phù hợp.