Cá Giống Trường Phát Cá Giống Trường Phát
Ngành tôm: Mục tiêu giá trị xuất khẩu đạt 4 tỷ USD năm 2022

Ngành tôm: Mục tiêu giá trị xuất khẩu đạt 4 tỷ USD năm 2022

Home Tin Tức Ngành tôm: Mục tiêu giá trị xuất khẩu đạt 4 tỷ USD năm 2022
Ngành tôm: Mục tiêu giá trị xuất khẩu đạt 4 tỷ USD năm 2022
17/12/2021
55 Lượt xem

Chia sẻ với:

Ngành tôm: Mục tiêu giá trị xuất khẩu đạt 4 tỷ USD năm 2022

Vượt qua khó khăn năm 2021, ngành tôm tiếp tục phải thực hiện hàng loạt giải pháp để thực hiện mục tiêu xuất khẩu đạt giá trị 4 tỷ USD cho năm 2022.

Ngày 12/10, Bộ NN-PTNT tổ chức hội nghị trực tuyến “Giải pháp phát triển nuôi tôm tháng cuối năm 2021 và năm 2022” để đưa ra các giải pháp khắc phục khó khăn, tăng giá trị cho ngành tôm trong thời gian tới.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến chỉ đạo hội nghị với sự tham dự của Tổng cục Thủy sản, Cục Thú y, Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản cùng nhiều đơn vị, địa phương, hiệp hội và doanh nghiệp liên quan đến ngành tôm.

Vượt khó khăn để về đích

Theo Tổng cục Thủy sản, sản lượng tôm nuôi 11 tháng đầu năm 2021 đạt 902.7000 tấn, tăng 1,9% so với cùng kỳ năm 2020. Ước sản lượng tôm nuôi năm 2021 đạt 970.000 tấn, bằng 104,3% so với năm 2020.

Trong khi đó, ngành tôm đang phải đối mặt với nhiều thách thức như nguồn tôm giống, giá thành sản xuất cao, hạ tầng chưa đảm bảo, công nghệ chưa phù hợp hay công tác triển khai cấp mã số cơ sở nuôi còn chậm. Bên cạnh đó, còn một số khó khăn như thay đổi về quy định kiểm dịch ở các thị trường xuất khẩu và tình hình dịch Covid-19 còn nhiều diễn biến phức tạp.

Ông Trần Công Khôi, Phó Vụ trưởng Vụ Nuôi trồng thủy sản (Tổng cục Thủy sản) cho biết, mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức do ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19 nhưng diện tích tôm nước lợ thả nuôi ước đạt 740 nghìn ha, tăng 0,5% so với năm 2020; trong đó, tôm sú 630 nghìn ha, tôm thẻ chân trắng 110 nghìn  Ước sản lượng tôm nuôi năm 2021 đạt 970 nghìn tấn, tăng 4,3% so với năm 2020; trong đó, tôm sú 277,5 nghìn tấn, tôm thẻ chân trắng 642,5 nghìn tấn, còn lại là tôm khác. Kim ngạch xuất khẩu tôm 10 tháng năm 2021 đạt 3,2 tỷ USD, tăng 2% so với cùng kỳ năm 2020.

Là địa phương có thế mạnh về tôm nuôi, ông Vương Quốc Nam, Phó chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng cho biết, nhìn chung, mùa vụ nuôi tôm năm 2021 của tỉnh đã cơ bản thành công về kế hoạch diện tích, sản lượng và tỷ lệ thiệt hại chỉ xảy ra ở mức khoảng 6%. Toàn tỉnh cả năm thả nuôi đạt 53.000 ha, vượt 3,92% kế hoạch, tăng 2,49% so với cùng kỳ năm ngoái. Ước sản lượng tôm nuôi đến cuối năm đạt trên 183.000 tấn, vượt 6,5% kế hoạch và cao hơn 17,8% so với cùng kỳ.

 

"Đây là một tín hiệu khả quan và đã phát huy hiệu quả tốt trong chỉ đạo sản xuất, phòng chống dịch bệnh. Hơn nữa, việc thả nuôi đã được người dân bố trí theo mô hình thả cuốn chiếu, áp dụng các quy trình kỹ thuật tiến bộ, chú trọng công nghệ, nâng cao năng suất, an toàn thực phẩm, góp phần hạn chế được thiệt hại do thời tiết, dịch bệnh", ông Vương Quốc Nam đánh giá.

Ông Vương Quốc Nam cho biết, trong năm 2022, khi diện tích nuôi tôm của tỉnh không tăng, đòi hỏi phải tăng thâm canh để tăng năng suất. Cùng với đó, kiểm soát chất lượng các đầu vào của các vùng nuôi: giống, vật tư, tổ chức sản xuất với ứng dụng công nghệ, quản lý môi trường nuôi…

Giải pháp cho năm 2022

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến đánh giá, 2021 là năm đặc biệt khó khăn khi ngành nông nghiệp phải đối phó với dịch Covid-19 và các biến động thời tiết, khí hậu, dịch bệnh khác. “Dù trong hoàn cảnh khó khăn như vậy, nhưng chúng ta đã phản ứng nhanh và hiệu quả, tạo ra bứt phá tương đối ngoạn mục. Sản lượng của ngành nuôi trồng tôm dự kiến đạt 970.000 tấn, tương đương diện tích nuôi 740.000 ha”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến khẳng định.

Kim ngạch xuất khẩu của ngành tôm năm nay sẽ đạt khoảng 3,8 tỷ USD, tăng khoảng 2,7% so với năm 2020. Ngoài nỗ lực vượt khó khăn, kim ngạch xuất khẩu này còn đạt được do những lợi thế về thị trường và giá tôm trên thế giới đang cao. Về mục tiêu xuất khẩu tôm 3,9 - 4 tỷ USD cho năm 2022, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến yêu cầu các đơn vị phải phối hợp với địa phương triển khai hiệu quả các quy định của Luật Thủy sản năm 2017.

Ngoài ra, cần tập trung quản lý giống, thức ăn, sản phẩm xử lý môi trường của ngành tôm cũng như nhân rộng, khuyến khích các mô hình sản xuất hiệu quả. Bên cạnh đó, lưu ý đẩy mạnh quản lý số, xây dựng mã số vùng nuôi, ao nuôi cũng như thông số để truy xuất nguồn gốc.

 

“Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản cần chủ động đánh giá thị trường, đề ra giải pháp kịp thời để người dân có kế hoạch sản xuất phù hợp”, Ông Phùng Đức Tiến yêu cầu và cho biết các đơn vị chức năng của Bộ cần có sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả hơn.

Về phía doanh nghiệp, trước xu hướng chuyển đổi số, ông Võ Quang Huy, Giám đốc Công ty TNHH Huy Long An đề xuất, các viện nghiên cứu cùng Tổng cục Thủy sản làm sao phát triển được các phần mềm quản lý kỹ thuật nuôi tôm. Qua đây, người nuôi có thể ứng dụng và tìm kiếm được các giải pháp; các cơ quan chuyên môn đưa ra các giải pháp kỹ thuật để nuôi tôm hiệu quả.

Các ý kiến cũng cho rằng, cần tăng cường ứng dụng khoa học, công nghệ mới để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và hiệu quả sản xuất, đáp ứng với nhu cầu của thị trường trong nước và quốc tế.

Ngoài ra, cơ quan chuyên môn cần hướng dẫn người nuôi về kỹ thuật, khoa học công nghệ tiên tiến, phù hợp, hiệu quả; phát triển các khâu trong chuỗi sản xuất tôm theo hướng công nghệ cao để giảm lao động trực tiếp, hạn chế sự lây lan của dịch bệnh.

Tìm kiếm