Cá Giống Trường Phát Cá Giống Trường Phát
Ngư phủ lành nghề và hành trình thả lưới bắt cá đối

Ngư phủ lành nghề và hành trình thả lưới bắt cá đối

Home Tin Tức Ngư phủ lành nghề và hành trình thả lưới bắt cá đối
Ngư phủ lành nghề và hành trình thả lưới bắt cá đối
12/02/2022
49 Lượt xem

Chia sẻ với:

Ngư phủ lành nghề và hành trình thả lưới bắt cá đối

Thủy triều lên, ông Trần Công Quân, xã Tam Giang (huyện Núi Thành) mang ngư cụ ra cửa An Hòa đánh bắt cá đối.

Cửa biển An Hòa rộng hàng trăm ha thuộc bốn xã Tam Hòa, Tam Hải, Tam Quang và Tam Giang, huyện Núi Thành. Đây là khu vực nước lợ, nơi các nhánh sông Trường Giang đổ về trước khi ra biển và có nhiều loại rong tảo. Khi nước thủy triều lên, cá đối thường đi theo đàn từ biển vào khu vực này tìm thức ăn. Biết được đặc tính này, nhiều người dân sống quanh cửa An Hòa thường bắt cá đối bằng cách thả lưới rồi dùng thanh gỗ gõ vào mạn thuyền để dồn cá vào, hoặc dùng lưới vây một vùng nước.

Ông Quân chọn cách vây lưới. Trên chiếc thuyền máy dài hơn 4m, ông cùng một bạn nghề lướt trên mặt nước dò tìm luồng cá. Sau 20 phút di chuyển, bằng kinh nghiệm ông tìm đến nơi nước sâu khoảng một mét. Lúc này tiếng động của ghe khiến nhiều loại cá hoảng sợ nhảy lên mặt nước. Ông Quân tắt máy, rồi nhẹ nhàng dùng sào tre chống ghe lướt trên nước. Bạn nghề đi cùng ông cầm một đầu tấm lưới nhảy xuống nước bắt đầu "vây" đàn cá. Đứng trên ghe, ông Quân chống sào di chuyển và hỗ trợ buông lưới. Sau 15 phút, tấm lưới dài hơn 250 m, cao 3 m được thả xuống nước tạo thành một vòng tròn.

"Cá đối phát hiện bị vây lưới sẽ tìm chỗ thoát, do đó hai đầu lưới phải khoá lại nhanh chóng, không cho cá đi ra ngoài", ông Quân nói. Khi hai đầu lưới khép chặt, một đầu được buộc vào cọc cắm cố định, đầu còn lại hai ngư phủ dùng sức kéo gom cá. Công đoạn kéo lưới đòi hỏi họ phải giữ phao nổi trên mặt nước, chì nằm sát đáy để ngăn cá ra ngoài. Hai người kéo nhanh nhưng phải nhẹ nhàng để tránh gốc cây, bãi đá phía dưới làm rách lưới.

 

Quá trình kéo, ông Quân quan sát những nơi phao chìm nghĩa là có cá đối to mắc vào. Ông tạm dừng kéo nhanh chóng cầm vợt di chuyển đến bắt. "Cá to thường phá rách lưới thoát ra nên phải bắt trước, còn cá nhỏ để lại khi gom lưới mới gỡ", ông lý giải.

Sau hơn 30 phút, tấm lưới vây trên mặt nước rộng hàng trăm mét vuông được thu hẹp còn vài chục mét, bên trong là đàn cá quẫy đạp. Hai đầu lưới thu gọn lại, người cầm đầu phao, người cầm chì cho lên thuyền. Cá mắc bắt được họ cho vào thùng chứa đá lạnh bảo quản. Mỗi mẻ lưới diễn ra trong khoảng một giờ, sau đó ngư dân đưa lưới lên ghe và di chuyển đến khu vực khác.

Người dân theo nghề bắt cá đối phải đầu tư tấm lưới 8 triệu đồng, sử dụng được 2 năm và chiếc thuyền gắn máy hơn 10 triệu đồng. "Nghề này không đòi hỏi kỹ thuật gì nhiều, song phải lội dưới nước cả ngày. Dưới đáy sông có nhiều vỏ hàu, vật sắc nhọn thỉnh thoảng dẫm trúng chảy máu", ông Quân nói.

 

Cá đối loại nhỏ bán giá 40.000 đồng mỗi kg; loại vừa 60.000 đến 80.000 đồng, còn loại lớn 150.000 đồng. Ngày may mắn, một ghe có thể kiếm được vài triệu đồng, song có hôm chỉ bắt được vài con đủ bữa ăn cho gia đình. Cá đối thân tròn dẹt, dài trung bình 20 cm, những con lớn có thể dài tới 90 cm, có thể chế biến thành nhiều món ăn như kho dưa cải, nướng, hấp, nấu cháo...

Tìm kiếm