Thời điểm này đang là chính vụ của nuôi tôm thẻ chân trắng trên cát nhưng tại các vùng nuôi tôm thuộc các huyện Triệu Phong, Hải Lăng… một số ao nuôi đang bỏ hoang. Nguyên nhân là do vụ đông năm 2020, hầu hết tôm nuôi của người dân đều bị nhiễm một loại bệnh làm tôm nuôi bị đen mang, trên thân có nhiều đốm đen, dạt bờ và chết rất nhanh.
Đến nay các cơ quan chuyên môn vẫn chưa xác định được chính xác tác nhân gây bệnh và biện pháp phòng trị bệnh để người nuôi tôm yên tâm thả nuôi vụ mới.
Trao đổi với chúng tôi khi đang lấy nước từ biển vào để chuẩn bị thả tôm giống, anh Trần Văn Bình ở tại Thôn 8, xã Triệu Vân, huyện Triệu Phong cho biết, vụ đông năm 2020 anh thả nuôi 4 ao tôm thẻ chân trắng trên diện tích 1 ha. Tất cả các ao nuôi đều được lấy nước trực tiếp từ biển vào thông qua hệ thống máy bơm. Tôm nuôi phát triển rất tốt. Tuy nhiên, sau các đợt mưa lũ cuối tháng 10/2020, khi lấy thêm nước vào ao nuôi, toàn bộ tôm nuôi trong các ao bỗng dưng bị nhiễm bệnh và chết. Mặc dù đã bán sớm để tránh thiệt hại nhưng do tôm nuôi chưa đạt kích cỡ thu hoạch nên giá bán chỉ từ 50.000 - 60.000 đồng/kg, thiệt hại hơn 500 triệu đồng.
Theo anh Bình, tôm nuôi bị bệnh có các triệu chứng lờ đờ, giảm ăn hoặc bỏ ăn; mang có màu đen; trên thân xuất hiện những đốm đen nhỏ; tôm bị bệnh bơi lờ đờ trên mặt nước, tấp bờ và chết từ từ. Nếu không xuất bán kịp thời mà giữ lại tìm cách chữa trị thì tỉ lệ chết càng cao, có thể lên đến trên 90%. “Sau khi xuất hiện dịch bệnh, đã có các cơ quan chuyên môn của huyện và tỉnh về lấy mẫu tôm, mẫu nước để xét nghiệm nhưng đến nay người nuôi tôm chúng tôi vẫn không thấy thông báo tôm bị bệnh gì? Nguyên nhân gây bệnh do đâu? Biện pháp phòng trị thế nào?... Vì vậy tôi chỉ dám lấy nước vào thả nuôi 1 ao để lỡ nếu có bị bệnh trở lại thì cũng giảm thiệt hại vì chỉ tính riêng tiền con giống cho 1 ao nuôi này đã hơn 100 triệu đồng rồi”, ông Bình cho hay.
Theo Chủ tịch UBND xã Triệu Vân Nguyễn Văn Lâm, toàn bộ diện tích gần 40 ha nuôi tôm thẻ chân trắng trên cát của xã đều bị thiệt hại do dịch bệnh gọi là bệnh đốm đen với các dấu hiệu đặc trưng như tôm bị đen mang, có các đốm đen trên thân, bơi lờ đờ trên mặt nước, tấp bờ và chết từ từ. Mặc dù các hộ nuôi tôm đã dùng nhiều loại hóa chất, men vi sinh để xử lý môi trường ao nuôi nhưng không hiệu quả. Bệnh xảy ra chủ yếu trên tôm nuôi dưới 3 tháng tuổi, kích cỡ khoảng 150 - 200 con/kg nên nếu có thu hoạch kịp thời thì người nuôi tôm cũng thiệt hại rất lớn. Ước tính thiệt hại toàn xã trên 50 tỉ đồng. Trong đó có những hộ thua lỗ nặng như hộ ông Lê Hữu Triễn gần 600 triệu đồng; hộ ông Hoàng Văn Nam gần 400 triệu đồng… Ông Lâm phỏng đoán, dịch bệnh bắt đầu xuất hiện sau khi các đợt mưa lũ lịch sử cuối tháng 10/2020 xảy ra. Do vậy, nguyên nhân có thể là do môi trường nước biển bị ô nhiễm trong khi các hộ vẫn lấy nước vào ao dẫn đến tôm nuôi bị bệnh.
Tuy nhiên, điều khiến địa phương và các hộ nuôi tôm lo lắng là đến nay các cơ quan chuyên môn của huyện và tỉnh vẫn chưa thông báo tác nhân gây bệnh, cách phòng trị bệnh, cũng như chưa thông báo nguồn nước biển đã đủ an toàn để người nuôi tôm có thể lấy nước vào thả nuôi lại hay chưa. “Thu nhập từ con tôm chiếm hơn 50% tổng thu nhập từ nông - lâm - ngư nghiệp toàn xã; cao điểm như năm 2019 sản lượng thu hoạch trên 1.200 tấn, doanh thu trên 150 tỉ đồng. Nhưng đến nay, do ảnh hưởng của dịch bệnh nên mặc dù đang là chính vụ nhưng toàn xã mới thả nuôi lại chưa đầy 30%”, ông Lâm thông tin.
Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Triệu Phong Trần Văn Nhuận cho biết, không chỉ riêng xã Triệu Vân mà hầu hết các địa phương có diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng trên cát của huyện như Triệu An, Triệu Lăng đều bị thiệt hại nặng nề do bệnh đốm đen. Tỉ lệ chết lên đến 80 - 90%. Hầu như mọi biện pháp chữa trị đều không có hiệu quả và phải tiến hành thu hoạch. Tôm nuôi bị bệnh có những đốm đen trên thân nên giá trị thương phẩm giảm còn khoảng 1/3, chỉ từ 60.000 - 80.000 đồng/kg.
Theo ông Nhuận, bệnh bắt đầu xuất hiện vào thời điểm mưa lớn kéo dài liên tục trong nhiều ngày vào thời điểm cuối tháng 10/2020 nên nguyên nhân có thể là do môi trường ao nuôi bị thay đổi đột ngột. Cộng với việc mưa lũ đã cuốn một lượng lớn chất thải ra biển đã làm nước biển vùng ven bờ bị ô nhiễm nhưng các hộ nuôi tôm vẫn lấy nước vào ao nuôi. Ngoài ra, còn có thể do hàm lượng vi khuẩn và ký sinh trùng trong ao nuôi vượt ngưỡng cho phép. Do đó, để phòng bệnh, người nuôi tôm cần thực hiện nghiêm việc cải tạo ao nuôi để loại bỏ phần lớn mầm bệnh trong ao. Thả nuôi bằng con giống có chất lượng tốt, có giấy chứng nhận kiểm dịch; mật độ thả giống phù hợp…
Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Nguyễn Hoài Nam khẳng định, bệnh đốm đen thời gian qua đã gây thiệt hại nặng nề cho người nuôi tôm trên cát ở các địa phương ven biển. Bệnh bắt đầu xuất hiện vào thời điểm cuối tháng 10/2020 và xảy ra chủ yếu ở các ao nuôi tôm lấy nguồn nước trực tiếp từ biển vào; thả nuôi với mật độ dày. Nguyên nhân có thể là do thời tiết thay đổi bất thường, hàm lượng khí độc trong nước ao nuôi vượt ngưỡng cho phép; độ kiềm và hàm lượng oxy hòa tan thấp; các loại vi khuẩn có hại, ký sinh trùng, nấm phát triển mạnh…
Theo ông Nam, để hỗ trợ người nuôi tôm, định kỳ Chi cục Thủy sản đều tiến hành quan trắc môi trường nước ao nuôi và quan trắc nguồn nước cấp tại các huyện Vĩnh Linh, Gio Linh, Triệu Phong, Hải Lăng và thành phố Đông Hà. Các chỉ tiêu quan trắc bao gồm các yếu tố môi trường như nhiệt độ, pH, độ trong, độ mặn, hàm lượng oxy hòa tan, các loại khí độc trong nước…; mật độ và thành phần tảo độc, vi khuẩn Vibrio. Dữ liệu quan trắc sau khi phân tích sẽ được tổng hợp và thông báo đến các vùng nuôi tôm trên địa bàn tỉnh; đồng thời hệ thống hóa thành cơ sở dữ liệu phục vụ đánh giá diễn biến môi trường theo thời gian. Từ đó, dự báo diễn biến môi trường phục vụ công tác chỉ đạo sản xuất.
Cụ thể, theo ông Nam, hiện nay đối với nguồn nước cấp tại các vùng nuôi tôm trên địa bàn tỉnh, tất cả các thông số quan trắc có giá trị đều nằm trong giới hạn cho phép theo các QCVN hiện hành. Trên cơ sở các kết quả quan trắc này, Chi cục Thủy sản khuyến cáo người nuôi tôm có thể cấp nước vào ao nuôi. Tuy nhiên, để đảm bảo nguồn nước an toàn, cần chú ý thực hiện đảm bảo theo đúng quy trình kỹ thuật như lấy nước vào ao ở thời điểm đỉnh triều, qua túi lọc dày (kích thước lưới lọc ≤ 200 m) để loại bỏ rác, chất rắn lơ lửng, ấu trùng, trứng địch hại cho tôm. Giữ nước trong ao từ 3 - 5 ngày, xử lý diệt khuẩn, dùng các chế phẩm sinh học, sục khí liên tục… sau đó kiểm tra lại tất cả các thông số môi trường, nếu các thông số nằm trong ngưỡng cho phép có thể thả giống.
Tôm giống thả nuôi phải đảm bảo chất lượng. Mật độ thả phù hợp với cơ sở hạ tầng ao nuôi cũng như kinh nghiệm, trình độ kỹ thuật của người nuôi. Sử dụng chế phẩm sinh học định kỳ trong suốt quá trình nuôi; bổ sung khoáng chất, vitamin để tăng cường sức đề kháng cho tôm nuôi. Điều chỉnh lượng thức ăn phù hợp, tránh dư thừa sẽ tạo điều kiện cho vi khuẩn gây bệnh phát triển. Đối với những ao đang thả nuôi, ông Nam khuyến cáo cần lấy nước vào ao chứa, xử lý diệt khuẩn trước khi cấp vào ao nuôi. Thường xuyên theo dõi các yếu tố môi trường và sức khỏe của tôm, cho tôm ăn lượng vừa đủ, tăng cường sục khí, siphon đáy, sử dụng các chế phẩm sinh học cải tạo môi trường nhằm nâng cao chất lượng nước ao nuôi. “Đối với các ao nuôi đã xuất hiện bệnh cần tiến hành thu hoạch sớm để tránh thiệt hại nặng về kinh tế. Sau đó có kế hoạch kỹ lưỡng trước khi tiếp tục vụ nuôi tới”, ông Nam lưu ý thêm.