Tăng cường khả năng tiếp cận con giống chất lượng tốt của nông dân ở các nước đang phát triển là ưu tiên hàng đầu và đã được chứng minh là làm tăng đáng kể thu nhập, giảm nghèo, cải thiện an ninh lương thực, dinh dưỡng và tạo cơ hội việc làm.
Tuy nhiên, những nỗ lực và đầu tư chỉ thành công một phần và tỷ lệ áp dụng vẫn ở mức thấp đáng kể. Nguyên nhân được cho là do hệ thống cung cấp con giống phải đối mặt với nhiều ràng buộc, hạn chế việc áp dụng và phát triển nếu không được giải quyết đồng thời.
Cũng như trong nông nghiệp, những đổi mới trong nuôi trồng thủy sản phải đối mặt với những trở ngại không chỉ liên quan đến kỹ thuật hoặc kinh tế, mà còn trên các khía cạnh xã hội, văn hóa hoặc thể chế để đạt được sản xuất bền vững trong điều kiện ngày càng biến động đặc trưng bởi biến đổi khí hậu toàn cầu và sự bùng phát dịch bệnh thường xuyên. Nói cách khác, cần phải có các biện pháp can thiệp hiệu quả để mở ra tiềm năng cung cấp hệ thống sản xuất con giống đạt chất lượng cao một cách toàn diện, kịp thời, giá cả phải chăng và bền vững.
Nghiên cứu được thực hiện để đánh giá tìm hiểu những hạn chế, phân tích các mối quan hệ giữa các chiều hướng khác nhau đã và đang cản trở hoạt động bình thường của hệ thống sản xuất con giống đặc biệt là các chủng tôm cá giống cải tiến về mặt di truyền. Dữ liệu thu được từ các hội thảo có sự tham gia của nhiều bên và các cuộc phỏng vấn với các nhà điều hành trại giống cá rô phi và nông dân nuôi thương phẩm ở Bangladesh.
Cá rô phi là đối tượng nuôi quan trọng thứ hai trên toàn cầu sau cá chép. Mặc dù ngành cá rô phi đã phát triển nhanh trong quá khứ, nhưng hiện nay ngành này phải đối mặt với những thách thức mới như biến đổi khí hậu và an toàn sinh học, bao gồm cả sự xuất hiện của virus TiLV (Tilapia Lake Virus). Nếu không giải quyết thỏa đáng những thách thức hiện tại và mới nổi, khả năng của các hệ thống giống cá rô phi để duy trì việc cung cấp con giống chất lượng sẽ bị tổn hại nghiêm trọng.
Sau khi phân tích những thông tin thu thập được, các nhà nghiên cứu đã đưa ra kết luận về những hạn chế đối với việc ứng dụng phổ biến giống cá rô phi chất lượng tốt bao gồm: Thực hành sản xuất giống và chất lượng đầu vào cá bố mẹ kém, điều kiện thời tiết bất thường và tỷ lệ mắc bệnh gia tăng, chi phí đầu vào cao, khả năng tiếp cận thị trường hạn chế và chi phí vận chuyển con giống cao.
Đặc biệt, để nâng cao năng suất hệ thống sản xuất giống cá, giảm thiểu những tác động từ sự tương tác của những hạn chế nêu trên, nghiên cứu này cũng đã đề xuất những nỗ lực phối hợp với 4 hành động ưu tiên hàng đầu, đó là:
Thứ nhất, tăng cường năng lực giám sát và thực thi kiểm soát chất lượng
Thứ hai, tăng cường vận động và chuyển giao kiến thức về lợi ích và nguồn cá bố mẹ ưu tú, giải quyết vấn đề giao phối cận huyết.
Thứ ba, thúc đẩy việc áp dụng các thực hành quản lý tốt hơn của các trại giống và nông dân, bao gồm cả việc thích ứng với các cú sốc thời tiết, xây dựng các phương pháp để kiểm soát chất lượng
Thứ tư, tận dụng quan hệ đối tác với các nhà cung cấp dịch vụ địa phương với tư cách là người trung gian; thứ năm, sử dụng mạng xã hội để phổ biến thông tin giúp nông dân nhận thức và tiếp xúc kiến thức về các chủng cải tiến đồng thời tính toán đến sự không phù hợp giữa các yếu tố di truyền và môi trường.
Nghiên cứu này tập trung vào hệ thống sản xuất giống cá rô phi ở Bangladesh, nhưng có thể được ứng dụng rộng hơn đến hệ thống giống nuôi trồng thủy sản ở các nước đang phát triển. Phân tích từ các nhà nghiên cứu cung cấp thêm những hiểu biết quan trọng nâng cao năng lực của các hệ thống sản xuất để cung cấp kịp thời và bền vững con giống chất lượng tốt với các đặc điểm mong muốn cho nông dân, hỗ trợ tăng trưởng ngành nuôi trồng thủy sản, thiết lập phương pháp tiếp cận “toàn diện” và cung cấp cá giống chất lượng cho nông dân nghèo.
Nguồn: Shikuku, K. M., Tran, N., Joffre, O. M., Islam, A. H. M. S., Barman, B. K., Ali, S., & Rossignoli, C. M. (2021). Lock-ins to the dissemination of genetically improved fish seeds [online], viewed 11 September, from:<https: style="box-sizing: border-box;">. </https:>