Tại Kiên Giang, Trung tâm Khuyến nông phối hợp với huyện Kiên Lương đã triển khai thành công 2 điểm mô hình nuôi cá mú trân châu thương phẩm bằng lồng HDPE trên địa bàn tỉnh.
Đôi nét về cá mú trân châu
Cá mú trân châu thuộc họ cá song (họ Serranidae), nằm trong bộ cá vược và có tên tiếng Anh là Grouper (hoặc Groper), thực chất được lai tạo từ hai loài cá là cá mú cọp và cá mú nghệ nên còn có tên gọi là cá mú lai.
Cá mú có đặc điểm cơ thể giống với nhiều loài cá mú khác, chúng cũng có miệng lớn, môi dày, cơ thể mập mạp và hàm răng nhọn. Thân của loài cá này vừa có màu vàng đậm như cá mú nghệ, vừa có nhiều chấm đen to tròn nhưng không kéo dài, giống như những viên trân châu nên gọi là cá mú trân châu.
Thịt cá mú trân châu khi được chế biến có độ dai, đàn hồi với vị béo và vị mặn vừa phải. Đặc biệt, sức hút của cá mú trân châu còn đến từ vị ngọt thanh có một không hai, tạo nên vị ngon đặc trưng mà không loài cá nào có được.
Ngoài ra, cá mú trân châu còn có giá trị cao về mặt dinh dưỡng, với hàm lượng cao protein, vitamin B2, vitamin D, vitamin E và các khoáng chất như canxi, P, Fe,... cá mú trân châu cực kỳ thích hợp cho trẻ bị còi xương, chậm phát triển, cơ thể bị mệt mỏi, suy nhược,...
Hiệu quả nuôi cá mú từ mô hình nuôi lồng HDPE
Trung tâm lựa chọn cá mú trân châu bởi chúng có thể sống trong môi trường nước lợ lẫn nước ngọt và có sức chịu đựng với các yếu tố bât lợi so với các đối tượng đang được nuôi tại Kiên Lương cũng cao hơn.
Các quy trình kỹ thuật nuôi để áp dụng vào sản xuất thực tiễn giúp giảm chi phí sản xuất, tăng năng suất và hiệu quả kinh tế nuôi, tác động mạnh mẽ đến nhận thức người nuôi, đặc biệt là sự chuyển đổi sang nuôi có áp dụng khoa học kỹ thuật từ sự sản xuất theo tập quán trước đó.
Những hộ tham gia mô hình nuôi cho hay, trước đây họ nuôi theo lồng tre, gỗ nên hiệu quả không cao lại mất nhiều công sức. Giờ đây, nhờ sự hướng dẫn của cán bộ khuyến nông về mô hình nuôi cá mú trân châu bằng lồng HDPE thì hiệu quả khác hằn, mang về lợi nhuận trung bình khoảng gần 175 triệu đồng (sau khi trừ các khoản chi phí).
Trước đây, việc nuôi cá mú trân châu diễn ra trên quy mô nhỏ kiểu truyền thống bè gỗ, phao nổi bằng thùng nhựa thô sơ nên dễ bị ảnh hưởng khi gặp điều kiện bất lợi vì vậy người dân thường phải di dời lồng bè nhằm hạn chế thiệt hại.
Hiện nay, sử dụng lồng HDPE có độ bền cao, có thể nuôi ở xa bờ và chống chịu tốt với sóng to, dông bão, giúp cá phát triển tốt, ít xảy ra dịch bệnh. Việc sử dụng thuốc để điều trị bệnh cho cá cũng ít hơn, giúp giảm tác động đến môi trường biển.
Ngoài ra, mô hình nuôi cá mú trân châu gần với tiêu thụ theo chuỗi giá trị đáp ứng nhu cầu thị trường mà còn được liên kết tiêu thụ hơn 90% sản lượng cá trong dự án, giúp tăng trên 15% hiệu quả kinh tế so với trước khi triển khai dự án. Sản lượng thu hoạch ước đạt 2.200kg/hộ, năng suất trung bình của mô hình đạt hơn 11kg/m3 cao hơn so với mục tiêu đề ra.
Nuôi cá mú bằng thức ăn công nghiệp
Việc sử dụng thức ăn viên thay thế dần lượng thức ăn sống là hướng đi phù hợp để phát triển bền vững nghề nuôi thủy sản lồng bè, qua đó góp phần bảo vệ nguồn lợi thủy sản và hạn chế ô nhiễm môi trường.
Mô hình không chỉ tạo sản phẩm chất lượng, đảm bảo an toàn, cung cấp cho thị trường tiêu thụ mà còn nhân rộng ra các vùng khác. Hỗ trợ tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho người nuôi, giúp ngư dân làm chủ được quy trình nuôi.
Theo Trung tâm Khuyến nông tỉnh, mô hình đã làm thay đổi phương thức nuôi theo tập quán cũ, góp phần giải quyết nguồn lao động nhàn rỗi ở vùng biển đảo, nâng cao trình độ kỹ thuật và kinh nghiệm cho người nuôi.
Trung tâm sẽ tiếp tục nghiên cứu, xây dựng kế hoạch hỗ trợ nông dân thực hiện điểm trình diễn nuôi thương phẩm để đánh giá nhân rộng mô hình. Giúp giảm bớt áp lực lên nguồn lợi thủy sản, định hướng cách nuôi mới cho ngư dân và tạo hướng đi phù hợp để nhân rộng ở nhiều nơi.