Trại cá tầm của Tiến sỹ Lê Thanh Lựu, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản 1, được xây dựng từ năm 2012 tại xã Nậm Xé, huyện Văn Bàn (Lào Cai), nằm dưới chân dãy núi Hoàng Liên Sơn. Sở dĩ ông Lựu chọn địa điểm này bởi có suối Nậm Xé chạy qua, nằm trong núi nên không có dân cư sinh sống, đảm bảo được nguồn nước nuôi cá vừa sạch vừa ổn định.
Chia sẻ với:
Nuôi cá tầm giống châu Âu trên dãy Hoàng Liên Sơn nhìn phát mê
Trại cá tầm nuôi theo chuỗi khép kín sạch tuyệt đối, nằm ở xã Nậm Xé, huyện Văn Bàn (Lào Cai) chuyên nuôi các giống cá tầm Nga, Siberia và Sterlet lấy trứng và thịt.
Nước suối mát lạnh từ rừng nguyên sinh được dẫn chảy vào bể lắng lọc, hệ thống này sẽ làm sạch sơ bộ cho nguồn nước nuôi cá, loại bỏ rác và tạp chất, sau đó nước được đưa vào các bể nuôi. Cá tầm là loài ưa nước lạnh, sạch và có dòng chảy nên nước được bố trí vào, ra bể liên tục. Các bể nuôi của ông Lê Thanh Lựu có diện tích khoảng 100 m2 mặt nước, sâu khoảng 1 m. Với 100 m3 này ông bố trí nuôi khoảng 2,5 tấn cá/bể.
Tiến sỹ Lê Thanh Lựu cho biết, năm 2012 ông cùng một số người bạn tìm hiểu và bắt đầu xây dựng trại cá tầm này với vốn đầu tư ban đầu vào khoảng 3 tỷ đồng. Đến nay, trại cá sắp tròn 10 năm tuổi và hoạt động rất hiệu quả, trơn tru, phần vì ông Lựu là chuyên gia hàng đầu về loài cá này, phần vì điều kiện tự nhiên tại xã Nậm Xé rất phù hợp để nuôi cá tầm.
Điểm đặc biệt của trại cá này là họ tự làm giống bằng nguồn trứng mua từ Nga và Hung ga ri. "Chúng tôi nhập trứng cá từ Nga, Hung ga ri về rồi tự cho ấp, ương cá bột, làm cá giống để nuôi và bán cho bà con nuôi cá tầm trong vùng", tiến sỹ Lê Thanh Lựu chia sẻ. Hiện nay, tại trại cá của ông Lựu có 3 giống là Nga, Siberia và Sterlet, trong đó cá tầm Nga và Siberia nuôi lấy thịt còn giống Sterlet nuôi lấy trứng. Thời gian tới khi những lứa cá tầm Nga và Siberia đủ độ tuổi sinh sản, tiến sỹ Lựu sẽ chuyển hướng nuôi lấy trứng đồng thời cho sinh sản nhân tạo các giống cá này.
Theo tiến sỹ Lê Thanh Lựu, cá tầm Sterlet được ông nuôi lấy trứng từ đầu vì giống này vừa nhanh cho trứng, vừa có giá trị trứng cao. Cụ thể, những con cá Sterlet chỉ sau 3 năm là xuất hiện buồng trứng và đến năm thứ 4 là có thể cho thu trứng, trong khi đó cá tầm Nga hay Siberia phải mất 6-8 năm mới cho thu hoạch trứng. Trong ảnh là ông Lựu (trái) và đồng nghiệp là ông Vượng (phải) đang dùng kỹ thuật để thăm trứng trên cá tầm Sterlet.
Những con cá tầm Sterlet sau 4 năm bắt đầu cho thu trứng và trung bình mỗi năm có thể thu 1 lần. Cá tầm Sterlet là loài cỡ nhỏ nên trọng lượng cá trứng chỉ vào khoảng 2-5 kg và tỷ lệ trứng trung bình vào khoảng 15-20% trọng lượng cơ thể cá. Trong ảnh là con cá tầm Sterlet 8 năm tuổi, nặng 2,5 kg với 0,6 kg trứng.
Giá bán trứng cá tầm Sterlet tại trại hiện nay vào khoảng 18 triệu đồng/kg, khi đến các nhà hàng, mức giá này còn tăng lên nhiều. Đây là loại thực phẩm cao cấp, thường có mặt trong các nhà hàng, khách sạn cao cấp. Điều đặc biệt mà ông Lựu cùng đồng nghiệp ở trại cá này làm được có thể thu trứng mà không làm chết cá, chất lượng trứng vẫn tươi ngon như trứng mổ cá.
Ngoài cá Sterlet nuôi lấy trứng, ở đây còn có lượng cá thịt rất lớn chất lượng rất cao đảm bảo an toàn sinh học gồm 2 loài cá tầm Nga và cá tầm Siberia. Trong đó, cá tầm Nga có tốc độ lớn chậm hơn nhưng chất lượng thịt cao hơn còn cá tầm Siberia lại lớn nhanh, sớm cho thu hoạch. Cụ thể, nếu cá tầm Siberia chỉ cần 18 tháng để đạt trọng lượng 2,5-3 kg thì cá tầm Nga cần đến 2 năm, đây là trọng lượng phù hợp để bán vì người tiêu dùng không muốn mua cá quá to. Tuy nhiên, trong trại cũng có 1 bể dành để nuôi những con cá làm giống bố mẹ sinh sản sau này, trọng lượng lên đến 13-14 kg.
Theo tiến sỹ Lê Thanh Lựu, hiện nay cá tầm thịt của trại thường được bán cho người tiêu dùng trực tiếp hoặc các cửa hàng thực phẩm sạch. "So với cá tầm giống Trung Quốc hoặc nhập từ Trung Quốc, cá của chúng tôi có chất lượng và giá bán cao hơn nên thích hợp bán trực tiếp cho người tiêu dùng hơn", ông Lựu nói và cho biết thêm, cá thịt ở trại đang được bán với giá trung bình 200.000 đồng/kg.